Sau khi kết thúc lễ khai ấn, khoảng 0h ngày 11-2 (rằm tháng Giêng), lực lượng an ninh đã đồng loạt mở rào chắn để người dân được vào làm lễ dâng hương.
Năm nay, vẫn rất đông người dân và du khách đổ về tham dự lễ khai ấn, nhưng không còn cảnh tranh cướp lộc trên ban thờ như những năm trước.
Trước đó, để phục vụ nghi lễ khai ấn, từ 21h ngày 10-2, ban tổ chức đã yêu cầu lực lượng an ninh và liên tục dùng loa thông báo đề nghị người dân ra khỏi khu vực bên trong khuôn viên đền Trần. Các phóng viên báo chí được bố trí một khu tác nghiệp riêng.
Hàng nghìn người dân chờ đợi đến giờ phát ấn, ảnh chụp vào 5 giờ sáng ngày 11-2 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Bên ngoài và trong sân đền, lớp lớp rào sắt được dựng lên để đảm bảo an toàn cho nghi lễ dâng hương và lễ khai ấn.
Ban tổ chức cho biết đã huy động hơn 1.000 cảnh sát cơ động, công an, dân phòng… tham gia đảm bảo an ninh cho lễ khai ấn.
Kết thúc lễ dâng hương, bắt đầu nghi thức rước kiệu từ đền Cố Trạch sang đền Trùng Hoa, những người có thẻ đại biểu và giấy mời của ban tổ chức phát trước đó mới được vào trong sân đền Thiên Trường.
Với cách làm mới này, dù số lượng đại biểu vẫn rất đông nhưng đã phần nào giảm bớt sự hỗn loạn so với những năm trước.
Những người được giao trọng trách phát ấn là các bô lão và các cựu chiến binh trong làng - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tuy nhiên, khi đoàn rước kiệu Ấn đi vào sân đền Thiên Trường, vẫn có rất nhiều đại biểu ném tiền vào kiệu Ấn.
Nhiều người đứng xa nên không ném trúng kiệu mà ném tiền vào đầu, vào người các quan chức và đoàn rước ở phía trong.
Đến khoảng 0h ngày 11-2, nghi lễ khai ấn kết thúc, những hàng rào sắt cả trong và ngoài đền được mở, người dân từ bên ngoài tràn vào chỉ một vài phút đã lấp đặc kín sân đền Thiên Trường.
Các đại biểu được vào trong sân trước đó thì tranh thủ chen chân vào bên trong nội cung của đền Thiên Trường.
Tuy nhiên, năm nay sau khi kết thúc lễ khai ấn, ban tổ chức đã ngay lập tức thu dọn các đồ lễ trên các ban thờ, nên không còn xảy ra tình trạng tranh giành cướp lộc như mọi năm.
Tại bàn thờ tại đền Thiên Trường, mặc dù bị cấm nhưng nhiều người dân vẫn quệt tiền lẻ vào thanh kiếm gỗ được đặt trên bàn thờ - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Nhưng lượng người đổ dồn vào trong sân đền quá đông, trong cùng một thời điểm tạo nên không khí ngột ngạt.
Dòng người di chuyển vào và di chuyển ra khỏi sân đền rất khó khăn. Lợi dụng lúc này, nhiều kẻ gian đã lấy cắp đồ đạc, điện thoại, ví tiền của người dân và du khách.
Ban tổ chức phải liên tục dùng loa nhắc nhở mọi người phải cẩn thận và tự bảo quản đồ đạc chu đáo.
Do lượng người đến làm lễ quá lớn đã dẫn tới tình trang ùn tắc và quá tải nghiêm trọng, nhiều người dân phải treo qua hàng rào sắt để thoát thân - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Trong biển người ngập tràn sân đền Thiên Trường đêm khai ấn, chúng tôi đã hỏi chuyện một số người dân. Nhưng gần như rất ít người thực sự quan tâm đến lịch sử của việc khai ấn, phát ấn ở đền Trần.
Bên dòng người đang chen chân vào trong nội cung, bà Trần Thị Vân (50 tuổi) vẫn ngồi ở góc sân cùng những lễ vật để chuẩn bị sẵn nhưng chưa thể vào làm lễ được.
Bà Vân cho biết bà cùng bảy người khác cùng quê Tiền Hải, Thái Bình bắt xe sang Nam Định từ chiều ngày hôm trước để làm lễ dâng hương. Đây là lần đầu bà về lễ khai ấn.
Nhưng khi chen chân được vào gần cửa nội cung đền Thiên Trường, bà lại phải tìm đường quay ra vì vốn mắc bệnh tim, không chịu được sự chen lấn.
Khi được hỏi về lịch sử của việc khai ấn, phát ấn ở đền Trần, bà Vân cho biết không nắm rõ mà chỉ biết đây là nơi thờ Đức Thánh Trần đã có công đánh giặc, cứu nước, cứu dân. Bà cũng không quan tâm đến cuộc tranh luận về lịch sử của việc khai ấn, phát ấn đền Trần Nam Định.
“Khi chen vào đến gần nội cung thì tôi tưởng tắc thở vì có bệnh tim. Trước khi đến đây, tôi cũng nghĩ là sẽ đông người nhưng không nghĩ lại đông đến vậy. Hiện tại tôi sẽ nghỉ qua đêm ở sân đền, để sáng hôm sau xếp hàng xin ấn luôn đề cầu sức khoẻ, làm ăn” – bà Vân cho biết.
Mọi lối vào đền Trần đều bị quá tải nghiêm trọng khiến việc di chuyển rất khó khăn - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ba năm liền, năm nào ông Nguyễn Văn Hùng (51 tuổi) cũng lặn lội từ Thanh Hoá ra tham dự lễ khai ấn đền Trần. Ông chia sẻ vừa đi dâng lễ, xin ấn đền Trần, nhưng cũng để đi du xuân. Về lịch sử của tục khai ấn, phát ấn này ông cũng chỉ nghe qua qua chứ chưa tìm hiểu kỹ lưỡng. Nhưng vì thấy quan chức đi nhiều, nên ông là người dân cũng muốn đi.
“Vừa rồi tôi có đọc báo và có biết câu chuyện các nhà nghiên cứu văn hoá lên tiếng về việc khai ấn, phát ấn này, nhưng tôi vẫn đi vì phong tục và cũng là đi du xuân. Chúng tôi là dân lao động, cũng không mong thăng quan tiến chức, nhưng tham gia cho đúng lễ nghi. Chứ thăng quan tiến chức cũng đâu đến lượt chúng tôi” – ông Hùng chia sẻ.
Một người đàn ông (đứng giữa) bị người dân và lực lượng công an bắt giữ vì trộm cắp tài sản - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Một người phụ nữ bật khóc khi bị đám đông chèn ép - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Nhiều người dân dùng tiền lẻ để quệt vào một chiếc chuông lớn tại đền Trần - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ông Nguyễn Lương Điền tỏ ra vui mừng khi cầm trên tay ấn đền Trần Nam Định - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận