Chị Nguyễn Thị Kim Phượng sắp xếp lại hàng hóa trong tiệm lúc vắng khách ở chợ Thủ Đức, TP.HCM. Chị cho biết mấy năm gần đây buôn bán quá ế ẩm, từ sáng đến trưa chỉ có 1-2 khách đến mua hàng. Để duy trì cửa hàng và có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày, chồng chị và con trai lớn phải đi làm thuê kiếm tiền - Ảnh: Hữu Khoa |
Khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) trên gần 14.000 người ở 63 tỉnh thành mới công bố cho thấy: 18,04% người dân quan tâm nhất đến vấn đề đói nghèo. Tuổi Trẻ đã có phóng sự ghi nhận đời sống của các tiểu thương để phản ánh rõ hơn mối lo toan này.
Hơn 7g tối, người qua lại chợ Nguyễn Đình Chiểu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã thưa lắm nhưng chị Trần Thị Thu vẫn chưa dọn hàng. Ngồi bên sạp rau nhỏ, chị đon đả mời chào những người khách cuối cùng nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu khẽ khàng.
Bữa cơm ăn rau ế
Sạp hàng của chị Thu sau một ngày vẫn gần như còn nguyên các loại rau, củ. Bốc từng mớ rau cho vào túi nilông rồi xếp lên xe, chị thở dài: “Chở đi bao nhiêu thì gần như chở về bấy nhiêu, đi nặng xe, về vẫn nặng xe. Chẳng biết sắp tới phải xoay xở ra sao”.
Nơi trú ngụ của chị Thu là căn nhà trọ chật hẹp ở tận huyện Hóc Môn cùng chồng và hai con. Đây cũng là “cửa hàng” bày biện hàng hóa còn lại sau mỗi buổi chợ. Vừa dựng xe, chị chạy vội ra mua một túi nước đá về bỏ vào thùng xốp rồi xếp một số loại rau, củ vào để giữ tươi, may ra hôm sau còn bán được.
Chị cho biết trước đây cà chua, khoai tây chị mua mỗi lần vài chục ký nhưng giờ chỉ dám lấy hơn 10 ký. Vợ chồng đều là người miền Bắc vào đây làm ăn. Anh làm bốc vác thuê ở chợ đầu mối. Bữa tối được dọn ra, bữa cơm của những ngày bán ế nhiều rau hơn bình thường.
Chị Thu giãi bày: “Nhà bán rau nên toàn phải ăn rau ế. Ế rau gì thì ăn rau đó”.
Không riêng gì chị Thu, những sạp hàng thực phẩm khác ở chợ Nguyễn Đình Chiểu cũng chẳng khá gì hơn. Đã nhá nhem tối nhưng một chị hàng thịt uể oải ngáp ruồi, trên bàn còn khoảng chục ký thịt heo. Cả chợ gần như chỉ còn lại những người bán ngồi với nhau. Nhìn số hàng còn lại sau một ngày, nhiều chủ hàng chỉ biết thở dài.
Ở ngoại thành, buổi chiều ở chợ Bà Chồi (xã Long Thới, Nhà Bè) vắng vẻ, thưa thớt như một buổi chợ quê. Người bán vẫn mở hàng nhưng lẻ tẻ chỉ có vài người qua mua.
Gần hai giờ ngồi ở quầy hàng trái cây và rau củ của bà Q.T.T. (45 tuổi, tiểu thương buôn bán lâu năm ở chợ), chúng tôi thấy chỉ vài ba người ghé và cũng chỉ mua mớ rau muống, vài cây cải thảo với mấy lạng đậu phộng.
Vừa nhanh tay buộc lại mớ lá hẹ, bà Q.T.T. cho biết: “Rau củ người ta còn mua chút ít vì bắt buộc phải ăn hằng ngày, còn trái cây ít người mua lắm. Lượng người đi chợ ngày càng ít, số người mua hàng hóa ngày càng giảm vì cuộc sống ai cũng khó khăn, mua cái gì dù chỉ vài ngàn đồng cũng đắn đo lựa chọn.
Giờ người bán còn nhiều hơn cả khách mua. Hàng bán chậm nên thứ thì héo, thứ thì giập phải bỏ, lời lãi được bao nhiêu đâu. Giá đỗ hôm nào bán không hết thì cho hàng xóm, họ cho gà ăn chứ đâu có để qua ngày được”.
Bỏ chợ đi làm ôsin
4g chiều, chợ Khiết Tâm (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) sát Khu công nghiệp Sóng Thần vắng hoe. Không ít người “bán hàng ế quá” tụ tập chơi bài giết thời gian ngay giữa chợ.
Quầy rau của bà Ngân (53 tuổi) ngay lối vào dãy hàng rau. Không nhập nhóm đánh bài, bà Ngân tỉ mẩn ngồi tỉa tót mấy mớ rau bắt đầu héo úa. Chờ đến 6g chẳng còn mấy người mua. Có người quen đi qua xin rau về cho gà ăn, bà đưa hai bọc rau, quơ cả mớ xà lách còn nguyên cây bỏ vào.
Bà cười buồn, chỉ vào ba sọt rau đang làm: “Còn ế cả đống nè, để lại mai cũng đổ sọt rác”.
Ngày nào bà cũng lăn lết ở chợ từ sáng đến 7g-8g tối mà chợ ngày một khó khăn. “Sức mua ngày càng giảm. Được ít người mua thì hỏi đi hỏi lại mãi rau sạch không, cầm lên bỏ xuống rồi cũng lấy có một chút. Hồi xưa cái gì cũng lấy cả chục ký, giờ chỉ dám lấy một nửa. Như giá đỗ trước kia ngày bán 10kg, giờ mua 3kg mà 7g-8g tối bán chưa hết” - bà nén tiếng thở dài.
Buôn bán ở chợ ngày một khó nhưng nhiều người vẫn cố bám để mưu sinh. Bà Nguyễn Thị Tư (65 tuổi) cố ngồi đến 9g tối bên hàng rau ở chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh). Dưới ánh đèn đường vàng vọt, sân chợ nhễu nhão nước, bà ngồi ở một góc chợ cố bán vớt vát hơn chục mớ rau ế ẩm.
“Ngày bán kiếm ít chục ngàn đồng đủ nuôi thân già thôi cô, không dám mơ chuyện để dành. Cũng may hồi trước bán được nên dành dụm chút ít phòng khi đau ốm” - bà nói.
Hồi giáp tết, hàng họ ế quá, chị Nguyễn Ngọc Dung - bán tạp hóa, rau củ ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức - đã quyết định nghỉ luôn cả tháng để đi làm ôsin phụ việc nhà kiếm chút tiền ăn tết.
Chị tự nhủ thôi để ra giêng ngày rộng tháng dài, chọn ngày tốt mở hàng lại lấy hên. Thế mà lay lắt mấy tháng nay hàng rau của chị ngày một ế. Ngay đến mấy khách ruột ở chung cư gần đó cũng ít tới ủng hộ.
“Họ sợ rau bẩn nên mua thùng xốp về tự trồng rau, làm giá ăn rồi. Có người thà đi mua rau sạch mấy chục ngàn đồng một ký chứ hổng mua của mình nữa” - chị rầu rĩ kể.
Trước lễ giỗ Tổ Hùng Vương ghé qua chỗ chị, chị buồn buồn thông báo: “Giờ đến ông bà chủ nhà - người cho tui ngồi bán trước cửa nhà không thu phí, đã gần 80 tuổi - cũng lụi hụi dọn chút đất mé nhà tự trồng rau ăn. Có người mới tới đánh tiếng kêu về phụ việc nhà. Chắc bán hết tháng này tui giải nghệ!”.
Bỏ sạp Bán buôn chật vật, kiếm từng đồng đắp đổi qua ngày, phần lớn tiểu thương đối diện với cuộc sống rất bấp bênh và khó khăn. Lễ tết sức mua không tăng, lại thêm chuyện thực phẩm bẩn, hàng giả... làm người tiêu dùng dè dặt khiến chợ búa khó càng thêm khó. Ế ẩm, nhiều người phải nghỉ bán, có người chuyển nghề đi làm ôsin. Chợ Phú Xuân nằm ngay thị trấn Nhà Bè có vẻ đông người nhưng xem ra sức mua cũng không nhiều. Đã cuối chiều, trên những quầy hàng vẫn còn đầy ắp. Bà N., tiểu thương ở chợ này, chia sẻ: “Tan chợ, hàng gì còn mà không để được đến hôm sau thì mang cho chứ chẳng dám trông ngày mai đắt khách”. Chỉ tay vào mấy sạp trống bên cạnh, bà nói: “Trước chỗ này nhiều tiểu thương ngồi bán. Nhưng bán buôn ngày càng ế ẩm quá nên người ta nghỉ luôn rồi”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận