Phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết Hội An mong muốn qua lễ hội, tôn vinh nông dân đã miệt mài bám ruộng đồng, góp phần tạo hình ảnh thanh bình cho du lịch Hội An.
Chộn rộn khách Tây cùng nông dân Hội An tát nước, cấy lúa
Trong cơn mưa nặng hạt, những đám ruộng được khuấy động bởi hàng chục máy cày cùng trâu, nông cụ và những chủ ruộng lúa.
Ngay sau nghi lễ cúng, nông dân xắn quần đội mưa xuống các đám ruộng để cày cấy, gieo sạ.
Công việc này được du khách nước ngoài trong lúc đi dạo trên đồng cùng xuống hưởng ứng. Khách Tây không ngần ngại mưa bùn, từng người xuống tát nước, lội bùn cấy mạ non.
Cẩm Châu nơi Hội An chọn làm lễ xuống đồng là phường đô thị nhưng đang có 180ha ruộng lúa được giữ lại. Việc xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất gần như rất hạn chế nhằm giữ lại cảnh quan. Đây là vùng lúa đẹp nhất của Hội An, xuất hiện trên nhiều tờ báo nước ngoài.
Ngoài lúa, nông dân Hội An có thêm thu nhập từ việc cày cấy, chăn trâu, tham gia vào các tour du lịch được các công ty tổ chức.
Với nỗ lực gìn giữ chung cho hình ảnh thanh bình của Hội An, nông dân ở quanh phố cổ khi trồng lúa hầu như rất ít sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.
Nhiều quán cà phê, nhà hàng cũng dựa vào đồng lúa để tạo ra các dịch vụ thu hút rất đông du khách.
Ông Phạm Vũ Dũng - chủ nhà hàng Chillax Hội An, điểm check-in nổi tiếng trên ruộng lúa tại Cẩm Châu - nói rằng nhiều năm qua doanh nghiệp ông đã bắt tay hợp tác với nông dân để làm dịch vụ.
Nông dân trồng lúa và tạo ra hình ảnh thanh bình, doanh nghiệp sẽ trả tiền gấp đôi sản lượng lúa thu hoạch được trên mỗi đám ruộng.
Nhiều nông dân ngoài cày cấy thì cũng được mời vào chăn trâu, cắt cỏ, be bờ, thu hoạch lúa để du khách ngồi trong nhà hàng ngắm nhìn.
"Lúa ở Hội An không chỉ là sinh kế mà còn là sản phẩm du lịch. Rất mong lễ hội xuống đồng đầu năm được gìn giữ, nâng tầm và tổ chức định kỳ để gia tăng sản phẩm du lịch" - ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận