08/07/2020 19:27 GMT+7

Khách sạn Việt từng phát triển nhanh nhưng thực sự thiếu nhân sự giỏi

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Khoảng 43% nhân sự trong ngành khách sạn là qua đào tạo, trong số này chỉ khoảng 15% có khả năng ngoại ngữ. Dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, phải cắt giảm nhân sự nhưng ngành vẫn đang thiếu nhân sự giỏi.

Khách sạn Việt từng phát triển nhanh nhưng thực sự thiếu nhân sự giỏi - Ảnh 1.

Các khách sạn 5 sao vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự giỏi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đào tạo nhân lực du lịch hiệu quả chỉ khi chúng ta "mang trường gả cho doanh nghiệp", tức phải xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường với cơ sở vật chất của khách sạn. Xây dựng được "trường trong khách sạn" thì sẽ cho ra được đội ngũ nhân lực chất lượng, doanh nghiệp mới có thể sử dụng được ngay khi tuyển dụng.

Ông Đào Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam

Đây là nhận định chung được các diễn giả đưa ra tại hội thảo liên quan đến giải pháp cung ứng nguồn nhân lực chất lượng quốc tế cho ngành quản trị khách sạn được tổ chức ở TP.HCM chiều 8-7.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Loan, phụ trách đào tạo của Imperial Group, dịch COVID-19 là cơ hội để các doanh nghiệp có tiềm lực điều chỉnh lại chất lượng nhân sự du lịch, vốn rất bất cập do tăng trưởng nóng của ngành trước đó.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh của du lịch Việt Nam, ngành khách sạn có tốc độ phát triển khá nhanh dẫn đến nhu cầu cao về nguồn nhân lực.

Mặc dù hiện nay do ảnh hưởng của dịch, nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú phải cắt giảm khá nhiều nhân sự nhưng ngành khách sạn vẫn đang đối mặt sự thiếu hụt lớn nguồn nhân sự chất lượng cao.

"Khoảng 43% nhân sự trong ngành là qua đào tạo, trong số này chỉ khoảng 15% có khả năng ngoại ngữ. Sự hạn chế này dẫn đến nhân viên khách sạn không giao tiếp được với khách, tạo cảm giác kém thân thiện. Điều này cũng đưa đến hệ quả là tỉ lệ khách quay lại thấp vì không có kết nối", bà Loan nói.

Theo bà Loan, thực tế cho thấy những nhân sự phải cắt giảm trong mùa dịch đa số là lao động chưa có kỹ năng tay nghề, được tuyển dụng vội vã trong lúc ngành tăng trưởng nóng. Một số doanh nghiệp có tiềm lực thì xem đây là cơ hội "sống chậm" lại, tập trung đào tạo nhân sự để đón cơ hội khi thị trường du lịch quốc tế mở cửa trở lại.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thực trạng hiện nay của năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/10 của Nhật Bản, nếu so với Thái Lan thì chỉ bằng 1/5. Du lịch Việt Nam chỉ có thể phát triển được lên tầm quốc tế khi sở hữu được đội ngũ nhân lực trình độ quốc tế.

Hơn 3 năm qua, các trường học liên quan đến đào tạo nhân lực du lịch có quyết tâm thay đổi cách đào tạo, đáp ứng chất lượng cao tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, điều kiện chủ quan là đào tạo thực tiễn, vốn chiếm 50% chương trình học như giáo trình các chương trình quốc tế, đảm bảo sinh viên có thể làm việc được ngay khi tuyển dụng, lại còn hạn chế.

Theo ông Đào Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, đào tạo nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam là câu chuyện dài đòi hỏi các cơ sở đào tạo du lịch phải nỗ lực thay đổi phương pháp đào tạo, cải tiến những bài giảng về thực hành, để làm sao đưa sinh viên cọ xát với mô hình "trường trong khách sạn".

Ra mắt lại Tiểu ban du lịch, nhà hàng, khách sạn của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam Ra mắt lại Tiểu ban du lịch, nhà hàng, khách sạn của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam

TTO - Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hồi phục sau dịch COVID-19, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) thiết lập trở lại Tiểu ban du lịch, nhà hàng và khách sạn, dự kiến tung ra chiến dịch 'Tái khám phá Việt Nam'.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên