08/10/2019 09:01 GMT+7

Khách sạn chật vật 'sống xanh' ở Singapore

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Khi việc ban hành các đạo luật bảo vệ môi trường nghiêm khắc dường như không đủ để điều chỉnh hành vi các doanh nghiệp, Singapore quyết định sử dụng... tuyên truyền miệng, vận động "sống xanh", bắt đầu từ các khách sạn lớn.

Khách sạn chật vật sống xanh ở Singapore - Ảnh 1.

Các khách sạn của Singapore đang hạn chế rác thải nhựa bằng cách sử dụng các loại vật liệu khác thân thiện với môi trường - Ảnh: Millennium Hotels and Resorts

Như nhiều trường hợp doanh nghiệp tư nhân khác, lợi nhuận dường như là động lực chính thúc đẩy các chính sách tương lai của doanh nghiệp. Song lợi nhuận kiếm được từ việc đánh đổi trách nhiệm bảo vệ môi trường là không bền vững.

Bà Aarti Giri - nhà sáng lập Plastic-Lite Singapore, tổ chức tuyên truyền tới cộng đồng tác hại của đồ nhựa dùng một lần - nói.

Số liệu từ Cơ quan môi trường quốc gia Singapore (NEA) cho thấy tỉ lệ tái chế rác thải tại các khách sạn lớn (từ 200 phòng trở lên) ở Singapore chỉ đạt 7,7% trong năm 2018. Để cải thiện tình trạng này, NEA đưa ra một giải pháp đơn giản: những khách sạn không thể tái chế nhiều hơn nữa, hãy học cách giảm lượng rác thải tạo ra mỗi ngày.

Doanh nghiệp đa quốc gia đi đầu

Hưởng ứng lời kêu gọi của NEA, một số chuỗi khách sạn quốc tế ở Singapore đã bắt đầu chú ý tới việc giảm lượng rác thải nhựa tạo ra bằng nhiều cách khác nhau, Đài Channel News Asia điểm danh.

Chẳng hạn vào tháng 8 năm nay, chuỗi khách sạn quốc tế Marriott International tuyên bố sẽ ngừng cung cấp dầu gội, dầu xả và sữa dưỡng thể đựng trong chai nhựa sử dụng một lần tại Singapore trước tháng 12-2020. Chúng sẽ được đựng trong các chai dạng bơm. Tính trên toàn cầu, điều này sẽ giúp giảm được 500 triệu chai nhựa thải ra mỗi năm.

Trước đó, vào đầu tháng 7, Intercontinental cũng thông báo sẽ thay thế hoàn toàn các chai nhựa sử dụng một lần nhưng cho biết sẽ mất khoảng 2 năm để hoàn tất trên quy mô toàn cầu.

Đại diện của khách sạn Hilton Singapore lưu ý nơi này đã thay thế tất cả các ống hút nhựa bằng ống hút giấy và cung cấp nước đóng chai thủy tinh, các bộ đồ ăn có thể tái chế hoặc thân thiện với môi trường. Hiệp hội Khách sạn Singapore cũng ghi nhận nhiều khách sạn thành viên đang loại bỏ các chai đựng nhỏ bằng nhựa sang loại lớn có thể tái sử dụng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lời kêu gọi "sống xanh" của NEA có thể khiến các ngành kinh doanh dịch vụ khách sạn ở nước này khốn đốn bởi vì khách hàng nhiều khả năng sẽ hụt hẫng khi không thấy những vật dụng tiêu chuẩn như dầu gội, dầu xả, sữa tắm...

"Thử tưởng tượng một ngày nào đó khách sạn 4 hoặc 5 sao nói với khách hàng rằng sẽ không cung cấp dép đi trong phòng nữa vì muốn "sống xanh" và phát triển bền vững. Khi đó khách sẽ trả lời kiểu: Tốt thôi, nhưng lần sau tôi sẽ không đến khách sạn này nữa" - phó giáo sư Detlev Remy thuộc Viện Công nghệ Singapore lập luận với Đài Channel News Asia.

Cần tiếp cận 3 hướng

Hạn chế rác thải nhựa dùng một lần đang trở thành xu hướng mới không chỉ ở Singapore mà còn trên toàn thế giới. Nhưng cũng giống như bất kỳ nơi nào khác, khi đứng giữa lợi nhuận, khách hàng và "sống xanh", các doanh nghiệp Singapore thường chọn vế đầu tiên. Điều đó đặt ra câu hỏi liệu trào lưu "sống xanh" của các doanh nghiệp có bền vững?

Theo luật tài nguyên bền vững được thông qua hồi tháng 9-2019, các khách sạn ở Singapore sẽ phải chi trả trực tiếp quá trình xử lý rác thực phẩm kể từ năm 2021. Điều này đòi hỏi các khách sạn phải có một bộ phận phân loại, xử lý và giám sát tái chế rác thải. Trước đó, kể từ năm 2014, các khách sạn ở Singapore đã bị buộc phải báo cáo hằng năm số lượng rác thải nhựa và kế hoạch cắt giảm trong năm mới.

Giáo sư Ang Swee Hoon thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng để trào lưu "sống xanh" thực sự bền vững trong ngành dịch vụ, cần tiếp cận theo 3 hướng: chính phủ, khách hàng và đối thủ cạnh tranh.

Để giúp các khách sạn "sống xanh" hiệu quả, NEA tổ chức các khóa hướng dẫn, từ việc thùng rác nên đặt ở đâu, phân loại như thế nào thay vì để doanh nghiệp "tự bơi".

Từ góc độ khách hàng, có thể tranh thủ thế hệ sinh sau năm 2000 - những người sẵn sàng từ bỏ một thương hiệu nếu bảo vệ môi trường là tôn chỉ của họ và thương hiệu đó đi ngược lại tôn chỉ này. Tương tự, một doanh nghiệp sẽ phải suy nghĩ lại về "sống xanh" nếu đối thủ của họ lựa chọn điều này.

Choáng ngợp với siêu cảng container của Singapore Choáng ngợp với siêu cảng container của Singapore

TTO - Mọi thứ tại siêu cảng container Tuas đều tự động hoàn toàn, từ hệ thống cẩu giàn đến những chiếc xe điện không người lái chở container giúp giảm 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên