08/10/2019 18:35 GMT+7

Khách phải bịt khẩu trang vì bị 'hun khói' trên xe lửa

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - Đây không phải là trường hợp cá biệt mà thường xảy ra trên tuyến đường sắt. Không ít lần khói từ đầu máy xả ra quá nhiều và theo đường máy lạnh phả vào toa tàu làm cho hành khách ngột ngạt, khó thở.

Khách phải bịt khẩu trang vì bị hun khói trên xe lửa - Ảnh 1.

Khách bịt khẩu trang vì khói quá nhiều trên tàu SE53 ngày 25-9 - Ảnh: T.Đ.

Cụ thể, chiều 25-9, đoàn tàu SE53 xuất phát từ ga Huế chở khoảng 200 hành khách đến ga Quy Nhơn (Bình Định). Trong lúc di chuyển, đầu máy tàu này xả ra rất nhiều khói làm hành khách một phen tá hỏa vì khó thở.

Ngay sau đó, biên bản hiện trường được lập và xác định nguyên nhân do khói từ đầu máy bốc ra quá nhiều, len theo cửa hút hệ thống máy lạnh xộc thẳng vào phòng khách đoàn tàu.

Một hành khách đi trên đoàn tàu cho biết ban đầu khói trắng tràn vào toa có mùi dầu khó chịu. Khách ngồi trên tàu phải lấy khẩu trang, khăn bịt mũi lại. Sau đó, do khói vào toa quá nhiều, hầu hết khách ngồi trong các khoang tàu chạy ra hành lang phản ứng với tiếp viên, trưởng tàu.

"Máy lạnh trong toa khách kín bưng mà khói lùa vào làm sao mà thở được. Mọi người trên tàu giống như bị hun khói" - khách đi tàu SE53 kể lại sự việc và cho biết khi tàu SE53 đến ga Đà Nẵng đã thay đầu máy mới để tiếp tục hành trình.

Khách phải bịt khẩu trang vì bị hun khói trên xe lửa - Ảnh 2.

Khách đi tàu SE53 cho biết khói chui vào toa tàu có mùi dầu rất khó chịu - Ảnh: T.Đ.

Một nhân viên đường sắt cho biết đoàn tàu nhả khói nhiều do sử dụng các loại đầu máy cũ đã khai thác mấy chục năm qua. Loại đầu máy này thường chỉ sử dụng để kéo tàu chở hàng. Có thời điểm vì thiếu đầu máy vẫn phải đưa đầu máy cũ kéo tàu khách.

Chuyện khói tàu làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhân viên và từng bị hành khách phản ứng.

Tháng 7-2018, tàu SE25 do máy 709 kéo, hành khách đi đông, có nhiều trẻ nhỏ bị ngạt vì khói quá nhiều. Sau đó, hành khách đã đòi dừng tàu để chuyển sang đi bằng phương tiện khác.

Theo thống kê Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện đơn vị này đang quản lý khai thác khoảng 294 đầu máy, trong đó số có thời hạn sử dụng trên 40 năm chiếm 14,8%, từ 30-40 năm chiếm 29%, từ 20-30 năm chiếm 16,2%... được cho là tiêu hao nhiều nhiên liệu, xả ra nhiều khói...

Ông Đoàn Duy Hoạch - phó giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - cho biết tất cả các đầu máy đang sử dụng hiện vẫn còn niên hạn sử dụng và đã có quy định hạn chế thấp nhất sử dụng các đầu máy cũ, xả nhiều khói đưa vào kéo tàu khách.

"Về quy định là thế, nhưng có những trường hợp đột xuất như đầu máy hư hỏng do đâm va, sự cố không về kịp, các đơn vị buộc phải đưa đầu máy cũ sử dụng tránh chậm tàu", ông Hoạch nói.

Lộ trình thay thế

Giai đoạn 2016 - 2020, ngành đường sắt cần khoảng 4.139 tỉ đồng để đầu tư toa tàu, đầu máy. Trong khi đầu máy cũ lạc hậu chưa được đầu tư mới thì 3 năm qua, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội đã đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng đóng mới hơn 100 toa tàu chất lượng cao đưa vào khai thác tuyến đường sắt Thống Nhất.

Các toa tàu trên đều được kỹ sư trong nước thực hiện với giá khoảng 10 tỉ đồng/toa.

Còn theo kế hoạch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề ra trong năm 2019 sẽ tiến hành các bước thực hiện đầu tư 32 đầu máy nhằm thay thế các đầu máy cũ với tổng mức đầu tư gần 460 tỉ đồng.

Tàu hỏa va chạm xe container ở Ninh Thuận, đầu máy biến dạng Tàu hỏa va chạm xe container ở Ninh Thuận, đầu máy biến dạng

TTO - Sáng 1-10, nhiều hành khách đi tàu SNT2 hú vía khi tàu này tông vào một xe container tại đường ngang có biển báo ở Ninh Thuận.

ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên