Trong 7 ngày đầu đến Phú Quốc, khách du lịch quốc tế sẽ được tham gia, trải nghiệm các show diễn ở khu Grand World Phú Quốc - Ảnh: CHÍ CÔNG
Tuy nhiên, sự thiếu vắng du khách Trung Quốc, từng chiếm 1/3 tổng lượt khách đến VN, cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường.
Dù kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế trở lại của VN không nhiều tham vọng như các quốc gia láng giềng trong khu vực, nhưng du khách tiêm phòng đầy đủ rất ủng hộ quyết định mở lại 5 điểm đến du lịch mà không yêu cầu cách ly.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, cần một chính sách thoáng hơn, nhất quán hơn để mở rộng cửa đón khách.
Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc được xướng tên
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-11, ông Bùi Quốc Thái, giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, cho biết đảo ngọc Phú Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón đoàn khách quốc tế đầu tiên.
Dự kiến 226 du khách trên chuyến bay VJ 3749 của Hãng Vietjet sẽ đáp xuống Phú Quốc vào ngày 20-11, sau nhiều tháng đảo ngọc này vắng bóng du khách quốc tế.
Trước đó, địa phương đã chọn các điểm du lịch được thí điểm đón khách quốc tế như Vinpearl Phú Quốc, Sungroup Phú Quốc (New World Resort, Premier Residence Resort...), khu vực quần đảo Nam An Thới (dịch vụ đi bộ dưới biển, lặn ngắm san hô, hòn Mây Rút trong khu bảo tồn biển), khu mua sắm Ngọc Trai Long Beach (trên đường về Bắc đảo).
"Và sau 7 ngày đầu lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng, nếu xét nghiệm RT-PCR có kết quả âm tính với COVID-19, du khách có thể thoải mái đi lại, tham quan các địa điểm khác trên địa bàn", ông Thái nói.
Trong khi đó, theo bà Võ Thị Phương Thảo - phó tổng giám đốc chi nhánh Kiên Giang (Công ty cổ phần Vinpearl), một trong những địa chỉ được chọn thí điểm đón khách quốc tế, cho biết doanh nghiệp cam kết tuân thủ các quy định về an toàn dịch tễ, người tham gia đón và phục vụ khách đều được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19.
"Doanh nghiệp cũng thiết lập đường dây nóng, bố trí nhân viên y tế đã được tập huấn để theo dõi sức khỏe du khách, hướng dẫn việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19", bà Thảo nói, đồng thời cho biết trong thời gian lưu trú và tham gia chương trình du lịch trọn gói như Vinpearl Golf, VinWonders, Safari và thưởng thức, trải nghiệm các show diễn trong quần thể Grand World... du khách không được tách đoàn.
Nếu có du khách nào bị nghi nhiễm COVID-19 sẽ được điều trị hoặc đưa vào phòng cách ly (có thu phí) theo quy định của Bộ Y tế.
Cũng theo bà Thảo, sau 7 ngày lưu trú tại Vinpearl Resort & Spa Phú Quốc và tham quan các điểm du lịch trong quần thể khu nghỉ dưỡng này, du khách sẽ được xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR. Nếu có kết quả âm tính, du khách sẽ được phép đi lại, tham quan các điểm du lịch khác trên đảo.
Trước đó, theo ông Võ Huy Cường - phó cục trưởng Cục Hàng không VN, trong ngày 11-11 đã có hai chuyến bay đầu tiên đưa khách quốc tế đến VN trong chương trình thí điểm từ Incheon (Hàn Quốc) chở 222 khách và từ Tokyo đến vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa. Và dự kiến ngày 17-11, Hãng Vietnam Airlines cũng sẽ có một chuyến bay đưa khách quốc tế đến Đà Nẵng.
Khách là F0 cũng đừng hoảng sợ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, dù rất hào hứng với việc mở cửa đón du khách quốc tế trở lại VN, nhưng nhiều công ty lữ hành cho rằng kế hoạch đón khách của VN cũng quá thận trọng, chưa như kỳ vọng của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Toản - giám đốc Công ty du lịch Images Travel, chuyên khách Tây Âu - cho biết doanh nghiệp này chỉ sẵn sàng tham gia khi VN mở cửa lại hoàn toàn với thị trường khách du lịch quốc tế.
Theo ông Toản, khách Tây Âu thường có kế hoạch từ trước 6 - 7 tháng, cũng không thích nghỉ một chỗ. Hơn nữa, lộ trình mở cửa của VN khó tạo đột phá cho thị trường du lịch quốc tế.
"Với việc mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến... từ tháng 1-2022, cơ hội đón khách Việt kiều về quê ăn tết rất lớn nếu các biện pháp quản lý được nới lỏng hơn", ông Toản nói.
Ông Trần Quốc Khánh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, cũng cho rằng chính sách mở cửa du lịch quốc tế của VN cần cân nhắc để mang lại hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chứ không nên mở theo cách "ném đá dò đường".
Các doanh nghiệp ở Phú Quốc đều đã sẵn sàng nhưng đến nay vẫn thấy có nhiều rào cản nên không thật sự tự tin.
"VN cần phải nhanh hơn trong các chiến dịch truyền thông để tạo hào hứng cho thị trường, nhưng đến nay mọi thứ vẫn khá thận trọng", ông Khánh nói. Theo các doanh nghiệp, du lịch VN đã mở cửa đón khách quốc tế, nhưng điều quan trọng hơn chính là cách mở cửa như thế nào để khách thấy an tâm khi đến đây, không nên có một chính sách mở cửa nửa vời.
Trong báo cáo gửi đến Thủ tướng mới đây, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Ban IV) cũng lưu ý về bài toán mở cửa du lịch và du lịch quốc tế an toàn.
Ông Trần Trọng Kiên, chủ tịch hội đồng tư vấn du lịch TAB, cho biết điều quan trọng với các doanh nghiệp là có một kế hoạch khả thi nhưng linh hoạt và rõ ràng về phương pháp cũng như rõ quy trình, trách nhiệm của tất cả các bên liên quan để tạo sự phối hợp nhịp nhàng, hạn chế tối đa các mặt rủi ro.
Theo kinh nghiệm quốc tế, hầu hết các nước thành công khi mới áp dụng mô hình mở cửa du lịch đều là những nước đang đối mặt với số ca nhiễm COVID-19 tăng cao.
Nhưng chính phủ các nước này vẫn duy trì mở cửa vì đó là một xu hướng tất yếu và phần lớn nhóm người trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch tại các điểm đến đều đã được tiêm chủng.
"Đặc biệt, du lịch là ngành đóng góp vào GDP cao mà phần lớn đóng góp đó lại được giữ lại trong nước, là nền tảng cho đầu tư, thương mại", một doanh nghiệp nói.
Chờ khách Trung Quốc
Theo ông Từ Quý Thành - tổng giám đốc Công ty Liên Bang Travel, dù Trung Quốc và VN đã công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vắc xin", nhưng đến nay Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa mở cửa cho người dân đi du lịch nước ngoài.
"Du khách Trung Quốc thích du lịch đến VN vì chi phí hợp lý, nhiều cảnh đẹp ở VN, đặc biệt là các bãi biển. Nếu mở cửa sẽ có khách ngay, nhưng có lẽ vẫn phải chờ", ông Thành nhận định.
Vắng khách quốc tế, mất nguồn thu ngoại tệ
Đoàn khách MICE đến từ Frankfurt (Đức), đoàn khách quốc tế đầu tiên của TP.HCM sau gần 20 tháng đóng cửa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Báo cáo mới nhất của nhóm chuyên gia HSBC cho thấy tình trạng du lịch ngưng trệ từ năm 2020 đã làm thâm hụt dịch vụ tăng cao càng khiến tài khoản vãng lai của VN dao động mạnh.
Dù tác động có vẻ chưa rõ nét trong năm 2020, ngay cả khi thâm hụt dịch vụ cao kỷ lục lên mức 10 tỉ USD, thặng dư tài khoản vãng lai của VN vẫn ở mức rất tốt, chiếm 5,5% tỉ trọng GDP trong năm.
Mặc dù các chuyên gia vẫn kỳ vọng nhìn thấy thặng dư thương mại trong năm 2021, thực tế cho thấy khả năng cao tài khoản vãng lai sẽ bị thâm hụt nhẹ ở mức 1,1% GDP.
"Do thiếu vắng sự hiện diện của khách quốc tế nên các dịch vụ liên quan, đặc biệt là lưu trú, vận tải và ăn uống, đã không thể phục hồi đúng nghĩa", chuyên gia HSBC nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận