13/02/2025 09:05 GMT+7

Khách mòn mỏi chờ Temu trả lại tiền

Sau khi Temu tạm dừng hoạt động tại Việt Nam, nhiều khách hàng gặp khó khăn trong việc nhận lại số tiền đã thanh toán.

Khách mòn mỏi chờ Temu trả lại tiền - Ảnh 1.

Với hệ thống logistics được đầu tư bài bản, hàng giá rẻ của Trung Quốc dễ dàng đổ bộ vào Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử, trong đó có sàn Temu - Ảnh: BÔNG MAI

Một số người đã được hoàn tiền nhưng rất nhiều trường hợp vẫn bị "ngâm tiền" và không nhận được bất kỳ phản hồi chính thức nào từ sàn này.

Các nhóm lừa đảo cũng nhân cơ hội này để trục lợi từ những khách hàng chưa nhận được tiền hoàn. Trên các nền tảng như Facebook và TikTok, nổi lên rất nhiều dịch vụ "lấy lại tiền" hứa hẹn giúp khách hàng được bồi thường, nhưng trên thực tế chỉ là hình thức lừa đảo.

Gửi yêu cầu đòi tiền và... chờ đợi

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị An An (TP.HCM) cho biết đã đặt bốn đơn hàng trên Temu với tổng trị giá gần 2 triệu đồng. Nhưng khi sàn dừng hoạt động, phải hơn một tháng sau chị mới nhận được số tiền hoàn trả đầy đủ vào thẻ tín dụng. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như chị An An, nhiều khách hàng của sàn này cho biết vẫn đang mòn mỏi chờ nhận lại tiền đã chuyển mua hàng trước đó.

Trên các hội nhóm Facebook, hàng loạt người dùng bức xúc vì vẫn chưa nhận lại tiền dù đã gửi yêu cầu từ lâu. Anh Đăng Khoa (quận Phú Nhuận, TP.HCM) than phiền Temu dừng hoạt động tại Việt Nam nhưng đơn hàng gần 1,3 triệu đồng của anh gồm quần áo và túi đựng vợt pickleball chưa hoàn tiền. Liên hệ nhưng không ai phản hồi. "Giờ coi như mất tiền luôn" - anh Khoa nói.

Tương tự, chị Minh Trang (TP.HCM) mua một bộ chăn drap gối giá rẻ nhưng khi Temu ngừng hoạt động, chị không nhận được hàng và cũng không thể đòi lại tiền. Ngoài ra, trước khi tạm ngưng chuyển hàng vào Việt Nam, Temu cũng bị phản ảnh về chất lượng sản phẩm. Nhiều khách hàng phàn nàn rằng hình ảnh quảng cáo lung linh nhưng hàng nhận về lại kém chất lượng.

Trước khi rút khỏi Việt Nam, sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu thu hút khách hàng bằng những chương trình khuyến mãi "khủng", giảm giá từ 70-90% - tức vượt qua cả quy định của pháp luật Việt Nam, giới thiệu càng nhiều người mua sẽ được tặng hàng triệu đồng... nên đã thu hút rất nhiều khách hàng Việt.

Với tâm lý sợ bị bỏ lỡ, không mua kịp "món hời" được giảm giá "sập sàn" trên Temu, anh Phạm Quốc Thanh (TP.HCM) cho biết mình và vợ đã thức đêm canh mua hàng. 

"Lúc đó trên màn hình hiển thị giảm từ 70-90%, kèm thêm thông tin kiểu như "hầu hết sản phẩm đã được bán hết", hay "chỉ còn một ngày nữa" là hết khuyến mãi... Vợ chồng mình thấy hời quá, sợ mọi người tranh nhau mua không tới lượt mình nên chốt đơn lia lịa", anh Thanh nhớ lại.

Ngoài quần áo, đồ gia dụng, gia đình anh còn mua thêm cả dụng cụ tập luyện thể thao. Tổng số tiền bỏ ra hơn 3 triệu đồng. Tuy nhiên cũng như rất nhiều khách hàng Việt khác, sau hơn một tháng chờ đợi đơn hàng không được giao về cho vợ chồng anh. Sau đó mặc dù đã yêu cầu sàn hoàn tiền nhưng những đầu mối từng liên hệ với anh Thanh "lặn mất tăm".

Trong khi đó nhiều người từng làm tiếp thị liên kết cho sàn Temu, với kỳ vọng dễ dàng nhận về khoản hoa hồng lớn, cũng rơi vào trạng thái hụt hẫng, xôi hỏng bỏng không. 

"Mình đã không được đồng nào mà còn mang tiếng lừa bạn bè do giới thiệu họ làm tiếp thị liên kết giống mình. Đợt đó hăng hái chào mời qua Facebook, Zalo quá. Cuối cùng vừa bị quê vừa tốn thời gian, ảnh hưởng đến uy tín", chị Trần Thị Bích Ngân (32 tuổi) chia sẻ.

Vẫn chưa biết khi nào hoạt động lại

Thời gian gần đây khi vào website của sàn Temu, khách hàng Việt lập tức nhận được thông báo hiển thị trên màn hình với nội dung bằng tiếng Anh: "Temu đang làm việc với Cục TMĐT và Kinh tế số Việt Nam và Bộ Công Thương để đăng ký cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam". Điều này cho thấy nền tảng này chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để hoạt động hợp lệ tại Việt Nam.

Dù sàn này vẫn để giá bán sản phẩm bằng VNĐ nhưng các thông tin về sản phẩm vẫn thể hiện bằng tiếng Anh. Theo ông Hoàng Ninh - phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Temu vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để xin cấp phép theo quy định của nghị định 52 và nghị định 85 về TMĐT.

"Chỉ khi hoàn thành các thủ tục pháp lý và đủ điều kiện hoạt động, Temu mới có thể quay lại thị trường Việt Nam" - ông Ninh khẳng định, đồng thời cho biết ngay sau khi yêu cầu Temu dừng hoạt động, hải quan Việt Nam đã chặn thông quan tất cả các đơn hàng liên quan đến nền tảng này. 

Điều đó có nghĩa là nếu Temu chưa hợp pháp hóa hoạt động tại Việt Nam, hàng hóa theo đơn đặt trước đó sẽ không thể vào Việt Nam.

Cũng theo ông Ninh, với đơn hàng đã đặt trước khi tạm dừng nhưng khách vẫn chưa được chuyển trả, Bộ Công Thương yêu cầu sàn Temu phải có thông báo xin lỗi và thực hiện chính sách hoàn tiền vào tài khoản của khách hàng. 

"Trong các trường hợp khách hàng chưa nhận lại tiền, có thể do sai sót trong quá trình thao tác phương thức đặt và giao hàng trên sàn Temu", ông Ninh nói.

Thực tế khách đặt nhưng sàn Temu chưa giao được hàng, sàn sẽ hoàn lại hai khoản tiền cho khách. Khoản tiền thứ nhất sẽ được hoàn trả đủ 100% cho khách thông qua tài khoản ngân hàng

Khoản tiền thứ hai sẽ được trả vào chính tài khoản Temu của khách hàng với tỉ lệ phần trăm quy định, tương ứng với giá trị đơn hàng, nhằm bù đắp cho việc trả đơn hàng không đúng hạn của sàn.

Tuy nhiên, khoản tiền hoàn về tài khoản Temu của khách hàng không thể rút ra được bởi nó tương đương với một mã giảm giá cho khách sử dụng mua hàng sau này khi sàn hoạt động trở lại. "Nhưng vẫn chưa rõ thời gian nào sàn Temu sẽ hoạt động trở lại tại Việt Nam", ông Ninh nói.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT cho rằng Bộ Công Thương cần sớm cung cấp thông tin, cảnh báo về các sàn TMĐT đã được cấp phép hoặc chưa được cấp phép đang hoạt động chui tại Việt Nam. Điều này giúp người tiêu dùng hiểu và nắm rõ trước khi quyết định hành vi của mình trong quá trình mua sắm.

"Cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các sàn TMĐT để sớm phát hiện các sai phạm", một chuyên gia đề nghị.

Phải cảnh giác với các sàn TMĐT hoạt động "chui"

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), các nền tảng TMĐT xuyên biên giới như Temu có thể mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Việc quản lý lỏng lẻo sẽ khiến khách hàng chịu thiệt như trường hợp hàng loạt người mất tiền mà chưa nhận lại được từ Temu. Do đó người tiêu dùng Việt Nam cần nâng cao cảnh giác, không chỉ chạy theo giá rẻ mà bỏ qua yếu tố chất lượng, nguồn gốc hàng hóa và chính sách bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Cũng theo VECOM, cơ quan quản lý nhà nước phải thắt chặt quy định, yêu cầu các nền tảng TMĐT nước ngoài đăng ký và tuân thủ pháp luật Việt Nam trước khi hoạt động.

Khách mòn mỏi chờ Temu trả lại tiền - Ảnh 2.

Khách hàng vẫn truy cập sàn Temu được nhưng không thể đặt đơn giao về Việt Nam - Ảnh: CÔNG TRUNG

Lừa đảo "đòi tiền Temu" nở rộ trên mạng xã hội

Theo ghi nhận, nếu như giai đoạn trước, những hội trên Facebook về sàn thương mại điện tử Temu phát triển rầm rộ với loạt thành viên thảo luận sôi nổi, thì hiện nay các bài đăng đa phần đều không liên quan đến sàn Temu mà giới thiệu về hàng hóa trên sàn Shopee, Lazada...

Nhiều hội nhóm mang tên sàn Temu cũng đã ngưng đăng bài mới, không có tương tác từ tháng 10-2024 đến nay. Nhân lúc nhiều khách hàng than thở không nhận được hàng và cũng không được sàn Temu trả lại tiền, trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok... cũng xuất hiện nhiều người khác đi mồi chài, hứa hẹn sẽ lấy lại tiền giúp nhưng thực chất là lừa đảo qua mạng.

Nếu sập bẫy, không chỉ mệt mỏi với khoản tiền đang bị "ngâm" ở Temu, nạn nhân còn ấm ức mất thêm khoản tiền khác cho nhóm lừa đảo.

Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng online, cơn sốt Temu những tháng cuối năm 2024 cho thấy những gì Temu làm được tại Việt Nam vẫn chỉ dừng ở những cơn sốt cục bộ.

Khi tìm kiếm từ khóa "Temu", có thể thấy vô số bài viết đánh giá về chất lượng, độ tin cậy và tính an toàn của sàn thương mại này. Người mua không chỉ quan tâm đến giá thành mà còn đến chất lượng sản phẩm và đánh giá từ người dùng. Những chiến lược giảm giá sốc của Temu không đạt hiệu quả lâu dài.

Các chiêu trò để tăng đánh giá sản phẩm cũng không nhận được thiện cảm, thậm chí còn gây phản ứng ngược. Khi lướt qua các nhận xét của khách hàng đã mua hàng, đa phần là những phản hồi tiêu cực về chất lượng sản phẩm.

Khách mòn mỏi chờ Temu trả lại tiền - Ảnh 3.Temu tạm dừng ở Việt Nam, giao hàng và hoàn tiền vẫn... bặt tăm

Hơn 4 ngày kể từ khi sàn thương mại điện tử Temu bất ngờ ngừng hoạt động tại Việt Nam, nhiều người hoang mang do những đơn hàng đã thanh toán trước giờ đây 'treo lơ lửng', khả năng hoàn tiền vẫn là câu hỏi lớn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Temu