25/09/2013 06:14 GMT+7

Khách hàng "cứu" chủ đầu tư

L.SƠN - L.HOÀI - M.QUANG
L.SƠN - L.HOÀI - M.QUANG

TT - Trước nguy cơ tiền chôn một chỗ, khách hàng tại một số dự án căn hộ đã chấp thuận hỗ trợ chủ đầu tư bằng việc tiếp tục nộp tiền, nhưng sẽ tham gia quản lý việc giải ngân vốn theo tiến độ dự án.

xG2XWQiA.jpgPhóng to
Dù bức xúc vì chậm được giao nhà, nhưng khách hàng của dự án chung cư Đại Thành đã chấp thuận nộp tiền để “cứu” chủ đầu tư - Ảnh: Lê Sơn

Nhiều khách hàng thừa nhận nếu không tiếp tục đóng tiền, dự án bị dừng lại, người mua nhà sẽ chịu nhiều thiệt hại. Do đó, việc nộp tiền và quản lý dòng tiền đầu tư thông qua tài khoản chung tại ngân hàng là giải pháp gỡ khó cho dự án, khách hàng cũng có thể nhanh chóng nhận được nhà.

“Thương nhau ngày mưa”

Bộ Xây dựng muốn nhân rộng

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, phương án để khách hàng cùng tham gia quản lý dòng tiền của dự án (cùng với chủ đầu tư và ngân hàng) như tại dự án Usilk City là cách làm tốt. Thực tế tại nhiều dự án trước đây, các chủ đầu tư đã huy động tiền của khách hàng ở một dự án, tuy nhiên lại dùng nguồn tiền này đầu tư tại nhiều dự án khác khiến dự án kia bị trì trệ, làm khách hàng mất niềm tin. Do vậy khi khách hàng rót tiền vào và tự mình kiểm soát được dòng tiền đó sẽ đảm bảo cho tiến độ của dự án.

Ngày 23-9, ông Ngô Bách Phong, chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) TP.HCM, cho biết tài khoản chung do đại diện khách hàng và chủ đầu tư chung cư Đại Thành - Công ty TNHH XDTM DVSX Đại Thành (gọi tắt là Công ty Đại Thành) đã được mở tại Ngân hàng Techcombank nhằm đẩy nhanh quá trình hoàn thiện chung cư. Theo đó, tiền của khách hàng chỉ được giải ngân khi nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ thi công và có đủ chữ ký của các bên: đại diện khách hàng, chủ đầu tư, Hội BVQLNTD TP.HCM.

Trước đó, chiều 14-9 tại hội trường UBND quận Tân Phú (TP.HCM) đã diễn ra buổi hòa giải giữa Công ty Đại Thành - chủ đầu tư cao ốc chung cư Đại Thành (221 - 223 Trịnh Đình Trọng, Q.Tân Phú) - với khách hàng dưới sự chủ trì của Hội BVQLNTD TP.HCM. Nhiều khách hàng đã bật dậy “cướp diễn đàn” kể khổ vì sự chậm trễ giao nhà của chủ đầu tư.

Theo đúng thỏa thuận trước đó, chung cư Đại Thành phải được hoàn tất và giao cho khách hàng trong quý 1-2012, tuy nhiên đến nay tòa nhà mới hoàn thành cất nóc tầng 18.

Trước bức xúc của nhiều khách hàng, ông Ngô Bách Phong - chủ tọa buổi hòa giải - lên tiếng khẳng định đúng sai trong vấn đề chậm trễ giao nhà của chủ đầu tư đã quá rõ. Nếu khách hàng kiện chủ đầu tư ra tòa chắc chắn sẽ giành phần thắng. “Nhưng thắng rồi thì liệu chủ đầu tư có thể hoàn trả ngay tiền mua nhà, hay đẩy nhanh tiến độ xây dựng được không?” - ông Phong nói.

Ông Nguyễn Duy Khoa, đại diện nhóm 15 khách hàng đầu tiên thống nhất phương án “gom tiền cứu chủ đầu tư”, cho biết thời điểm này khó có phương án nào tốt hơn, cứu chủ đầu tư cũng là tự cứu bản thân mình.

Theo ông Khoa, hầu hết khách hàng mua căn hộ đều phải gom góp nhiều năm để có căn nhà ở chứ không phải đầu tư kiếm lời. Chậm trễ một ngày cũng đồng nghĩa với việc phải ở nhà thuê ngày đó. “Bản thân tôi từng “quậy ra trò” với chủ đầu tư. Nhưng cuối cùng chẳng ai đành nhìn căn nhà của mình mọc rêu xanh, thôi cũng đành “thương nhau ngày mưa” vậy!” - ông Khoa nói.

Ông Ngô Triều Vân, chủ tịch hội đồng thành viên kiêm giám đốc Công ty Đại Thành, thừa nhận việc chậm tiến độ dự án do công ty không thể xoay xở được vốn. “Chúng tôi ghi nhận những ủng hộ của khách hàng, khi đạt được những thỏa thuận này dự án sẽ được thúc đẩy nhanh chóng. Chúng tôi cam kết sẽ giao nhà đúng tiến độ đề ra trong bản phụ lục mới vào tháng 6-2014” - ông Vân cam kết.

267Qcewx.jpg
Quy trình thanh toán và quản lý tiền để đảm bảo dự án được triển khai theo đúng tiến độ, dùng vốn đúng mục đích

Giải pháp gỡ khó cho thị trường

Tương tự, tại dự án chung cư Usilk City (Q.Hà Đông, Hà Nội) do Công ty CP Sông Đà Thăng Long (Công ty Sông Đà) làm chủ đầu tư, hiện nay khách hàng đóng tiền mua nhà sẽ tự quản lý nguồn tiền của mình, dự án xây dựng đến đâu sẽ giải ngân đến đó. Dự án này gồm bốn khối cao tầng (từ CT1 đến CT4) với 15 tòa nhà, được triển khai từ năm 2008 nhưng đến nay chỉ có năm tòa nhà đang được xây dựng dở, còn lại vẫn ở dạng móng và bị “đắp chiếu”.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, khách hàng sẽ nộp tiền vào tài khoản tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV Thanh Xuân). Sau đó mỗi tuần, phía ngân hàng sẽ trích một phần tiền từ tài khoản cá nhân này vào tài khoản chung của nhóm khách hàng do một đại diện của Sông Đà Thăng Long và hai đại diện của khách hàng làm chủ tài khoản. Nhóm đại diện này có trách nhiệm cùng với khách hàng kiểm tra thực tế, có giám sát kỹ thuật tiến độ thi công theo từng tuần của các đơn vị thi công, có ý kiến bằng văn bản thì ngân hàng sẽ giải ngân từ tài khoản chung vào tài khoản của Sông Đà Thăng Long để chi cho việc thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Trí Dũng - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long - thừa nhận giai đoạn vừa qua tiến độ dự án chậm một phần do công ty đầu tư dàn trải, nên việc đưa ra một giải pháp hợp lý như thế này của khách hàng đã được công ty nhất trí cao để cùng thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các bên, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Đoàn luật sư Hà Nội, đánh giá đây là dạng thỏa thuận về giao dịch dân sự, thể hiện ý chí, mong muốn của các bên để thực hiện hợp đồng, giải quyết được các vấn đề vướng mắc, tồn tại của dự án và không phạm luật. Do đó, những thỏa thuận này có thể áp dụng được tại nhiều dự án khác đang rơi vào tình trạng tương tự. Theo đánh giá của một số chuyên gia, đây là một phương thức hợp lý có thể áp dụng cho nhiều dự án bất động sản khác đang trong tình trạng đóng băng tại VN.

L.SƠN - L.HOÀI - M.QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên