Bốn ngày Tết thời tiết miền Bắc nắng ấm rất thuận lợi để du xuân chơi Tết. Ngoài việc đi chúc Tết họ hàng, bè bạn, nhiều người dân chọn đi chùa lễ Phật du xuân.
Tam Chúc, Bái Đính khách tương đương 2023
Nhiều ngôi chùa - khu du lịch như Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) mở cửa đón khách ngay từ mùng 1 Tết. Chùa Bái Đính và chùa Hương thì đón khách từ mùng 2 Tết.
Đại diện ban quản lý khu du lịch Tam Chúc và chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) cho biết mỗi ngày ở mỗi địa điểm này đón hơn 10.000 khách, lượng khách tương đương với năm 2023.
Lượng khách như năm trước nhưng chùa Tam Chúc không còn hiện tượng tắc nghẽn, chen chúc ở bến thuyền những lúc cao điểm như các năm qua do năm nay ban quản lý tổ chức các điểm điều tiết khách thích hợp, bố trí thêm xe điện…
Là chùa nhưng đồng thời cũng là điểm du lịch nên tại Tam Chúc, Bái Đính, ngoài việc lễ Phật, du khách còn được vãn cảnh đẹp, nhiều điểm chụp ảnh check-in được yêu thích, các khu trò chơi dân gian và trải nghiệm chợ quê…
Dịch vụ du lịch ngày càng hoàn thiện nên hai điểm chùa này duy trì được lượng khách đông đảo đều đặn qua các năm.
Chùa Hương quản lý văn minh, hút khách
Chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) năm nay có nhiều điểm đổi mới trong dịch vụ đón khách như thành lập hợp tác xã cung cấp dịch vụ chở khách bằng thuyền, đò trên suối Yến đưa khách vào chùa Hương với cung cách quản lý văn minh, chuyên nghiệp, trật tự hơn, bán vé điện tử…
Lượng khách năm nay đổ về chùa Hương trước ngày khai hội đông hơn năm trước. Vài năm trở lại đây chùa Hương mở cửa đón khách sớm hơn ngày khai hội vào mùng 6 Tết để phục vụ nhu cầu của khách đi du xuân lễ Phật trong những ngày nghỉ Tết.
Điều này vừa hút được lượng khách về chùa nhiều hơn vừa giúp giảm tải cho ngày khai hội.
Ông Bùi Văn Triều - chủ tịch UBND xã Hương Sơn - cho biết lượng khách về chùa Hương năm nay đông vui hơn năm trước.
Ngày mùng 2 Tết chùa Hương đón gần 16.000 khách, ngày mùng 3 Tết đón gần 21.000 khách, tăng khoảng 15% so với năm 2023.
Ngày mùng 4 Tết chùa này đón lượng khách đông đúc tới gần 34.000 khách, gần bằng con số của những ngày đông nhất các năm trước là khoảng 50.000 đến 60.000 khách.
Ông Triều cho biết ban quản lý di tích danh thắng chùa Hương dự báo ngày mai mùng 5 Tết lượng khách về chùa Hương có thể đạt 50.000 khách.
Ngày khai hội vào mùng 6 Tết có thể vắng hơn vì rơi vào ngày các cơ quan, cơ sở sản xuất khai xuân đi làm trở lại.
Lượng khách kỷ lục về chùa Hương có thể rơi vào ngày mùng 9 Tết là ngày chủ nhật. Lượng thuyền, đò hiện tại của Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương với 4.000 thuyền, đò đủ phục vụ khoảng 60.000 khách.
Đón lượng khách đông đảo những ngày đầu tiên của mùa lễ hội có nhiều điểm đổi mới về dịch vụ đón khách, ông Triều cho biết nhân dân trong xã đều rất phấn khởi.
Tuy vẫn còn một số ít người chưa quen, chưa hiểu, chưa chấp nhận với cung cách làm ăn mới nên chưa đồng thuận.
"Họ chưa hiểu hết ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của việc đổi mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng tuyên truyền và làm tốt nhất vì cái chung", ông Triều chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Tại nội thành Hà Nội bốn ngày Tết đẹp trời cũng ghi nhận lượng khách du xuân đông đảo tại các điểm chơi Tết, lễ lạt quen thuộc như Văn Miếu Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn trên hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, phủ Tây Hồ, phố cổ, các đình, đền, chùa nổi tiếng…
Những điểm tuy không phải di tích tâm linh hay điểm du lịch nhưng cũng thu hút rất đông bạn trẻ Hà Nội ghé chơi, chụp ảnh như đường Phan Đình Phùng - con phố được mệnh danh là đẹp nhất Hà Nội.
Cả bốn ngày Tết Văn Miếu Quốc Tử Giám đón khoảng 90.000 lượt khách tham quan mua vé. Tổng lượng khách vào di tích này còn đông hơn thế nhiều do khách trẻ em, học sinh được miễn vé tham quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận