Từ đại biểu đến các nhà báo đều chung mối quan tâm: bộ trưởng nào sẽ trả lời chất vấn, những vấn đề gì sẽ được đại biểu đặt câu hỏi..., cho đến khi có công bố chính thức.
Nhưng ở kỳ họp này đến sát phiên chất vấn không khí vẫn tĩnh lặng. Không có câu hỏi nào tương tự được đặt ra. Đơn giản vì Quốc hội sắp sửa bước vào một phiên chất vấn đặc biệt nhất trong các kỳ họp - “chất vấn lại tất cả vấn đề đã chất vấn”.
Đại biểu có thể đặt câu hỏi với bất cứ thành viên Chính phủ nào, từ Thủ tướng trở xuống, để truy hỏi về những lời hứa của các thành viên Chính phủ nói trước Quốc hội trong chín kỳ họp đã qua. Đó là một điều khác thường với các kỳ họp trước.
Điều khác thường ấy đã làm không khí trước giờ chất vấn trở nên lặng lẽ hơn, không còn những câu hỏi, những đồn đoán, những bàn tán, thậm chí nghi ngại về những vấn đề, những cá nhân sẽ được chất vấn.
Còn nhớ những kỳ họp trước, bao giờ trước hoặc sau khi công bố danh sách các bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn, trong dư luận luôn có những băn khoăn vì sao bộ trưởng này, bộ trưởng kia lại không trả lời chất vấn?
Quốc hội dường như cũng chưa bao giờ làm thỏa mãn được mong đợi của cử tri khi mỗi kỳ chỉ chọn bốn hoặc năm bộ trưởng để trả lời chất vấn.
Trong khi ngoài cuộc sống thì tất cả lĩnh vực của 22 bộ ngành đều có những vấn đề phải phúc đáp.
Hoặc có cả chuyện lạ như kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân đã phải “xung phong trả lời chất vấn”.
Đây có thể được xem là niềm vinh dự cho ngành vì đã gần 20 năm (bốn nhiệm kỳ Quốc hội), bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ chưa một lần được trả lời chất vấn.
Bởi thế mà sự khác thường của lần chất vấn này là sự khác thường được nhiều đại biểu và cử tri chờ đón.
Nói như đại biểu Huỳnh Nghĩa - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng - là “khác thường tích cực”. Ông cho rằng chất vấn như kỳ họp này thì các thành viên Chính phủ “không trốn đi đâu được” với những câu hỏi của đại biểu.
Và theo ông, “chuyện “né” các câu hỏi chất vấn, “gợi ý” để đại biểu chất vấn rồi đọc báo cáo soạn sẵn nhằm “câu giờ” cho hết thời gian cũng khó làm được vì không thể biết đại biểu sẽ chất vấn ai và vào lúc nào.
Nhưng đại biểu Huỳnh Nghĩa cũng băn khoăn: 10 kỳ họp mà chỉ có một kỳ “chất vấn lại các vấn đề đã chất vấn” thì ít quá, phải nhân rộng ra.
Theo ông, ít nhất mỗi khóa Quốc hội nên có hai phiên chất vấn như kỳ họp này.
“Có như vậy thì không khí nghị trường mới bớt những đồn đoán, những câu hỏi trước ngày chất vấn. Và quan trọng nhất là các thành viên Chính phủ luôn phải có trách nhiệm với lời hứa của mình. Thật sự gắn trách nhiệm chính trị của mình vào lời hứa với cử tri” - đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.
Điều mà đại biểu Huỳnh Nghĩa (và chắc chắn nhiều đại biểu, cử tri khác) mong mỏi cũng là lẽ đương nhiên, là chuyện bình thường. Và mong rằng chuyện “khác thường tích cực” ở phiên chất vấn kỳ này sẽ được nối tiếp để trở thành chuyện “bình thường tích cực” ở Quốc hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận