Thông tin đính chính văn bản pháp quy này khiến dư luận, đặc biệt là giới đầu tư bất động sản, chú ý theo hướng băn khoăn.
Lý do là việc đính chính có tác dụng giữ lại một quy định rất quan trọng liên quan đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong khuôn khổ dự án nhà ở thương mại, nghĩa là có ảnh hưởng trực tiếp việc xác định mức vốn đầu tư và nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với xã hội, cộng đồng.
Vấn đề đặt ra là: liệu việc dùng một công văn, dù là nhân danh Chính phủ, để đính chính một nghị định vốn là văn bản pháp quy chính thức có thật sự ổn, nhất là trong trường hợp nghị định được áp dụng trong thời gian dài và ký ức của xã hội về việc nghị định đã từng được đính chính bằng một công văn có thể phai nhạt?
Các cơ quan có chức năng liên quan việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã lên tiếng khẳng định, việc đính chính là có cơ sở pháp lý và không làm khó cho việc thực hiện nghị định.
"Khó" ở đây được hiểu là do có thể, chẳng hạn, sau này ở một vị trí có thẩm quyền nào đó có ý kiến cho rằng nghị định là văn bản pháp quy và có hiệu lực bắt buộc thi hành, còn công văn thì không phải.
Nếu làm theo công văn mà không theo nghị định thì chính người giữ vị trí có thẩm quyền có thể gặp rắc rối với cấp trên hoặc cơ quan thanh tra.
Tất nhiên, một khi người có thẩm quyền mà thấy "khó" như vậy thì người chịu sự áp dụng văn bản quy phạm, trong trường hợp này là doanh nghiệp, sẽ lãnh hậu quả.
Ở các nước cũng có trường hợp văn bản pháp quy đã được ban hành xong bị phát hiện có sai sót. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào việc đính chính cũng có thể thực hiện được.
Nếu sai sót chỉ mang tính thuần túy vật chất, ví dụ về chính tả, ai đọc cũng thấy sai, thì việc đính chính hoàn toàn chấp nhận được.
Nếu văn bản sai về số lượng và ai đọc cũng thấy vô lý, ví dụ đang năm 20... mà viết 19..., thì cũng đính chính được.
Nhưng nếu sai về nội dung, ví dụ chủ trương ghi nhận trên văn bản, thể hiện thành điều luật rõ ràng, là thế này, nhưng nay lại muốn đính chính thành chủ trương khác, thể hiện thành điều luật có nội dung khác, thì không được.
Sai trong trường hợp này chỉ có thể được khắc phục bằng cách ban hành một văn bản có cùng hình thức để sửa văn bản trước đó.
Dẫu sao đính chính sai sót hay ban hành văn bản sửa đổi, suy cho cùng, nhằm chỉ mục đích làm cho xã hội hiểu được người làm luật thật sự muốn gì. Nếu có cách nào đó khác để đạt được mục tiêu này thì cũng được.
Nếu dùng đính chính để sửa sai về nội dung của văn bản pháp quy mà có cách nào đó để người quan tâm mỗi khi tiếp cận văn bản bị sai luôn có điều kiện tiếp cận văn bản sửa sai, biện pháp đính chính cũng chấp nhận được.
Công nghệ số có thể giúp đạt được yêu cầu này. Hiện nay người dân truy cập website vanban.chinhphu.vn sẽ thấy phần giao diện giới thiệu nghị định có sai sót ghi nhận hai tập tin ở vị trí song song, một tập chứa đựng văn bản nghị định và một tập chứa đựng công văn đính chính sai sót.
Nhưng tất nhiên người truy cập phải có sự tập trung chú ý cần thiết để phát hiện có đến hai chứ không phải một tập tin ở giao diện này.
Rốt cuộc cách tốt nhất trong mọi thời đại là làm thế nào để có được các công chức, viên chức thực sự lành nghề, tận tụy, tinh tế và có trách nhiệm trong việc chuẩn bị những văn bản quan trọng như văn bản quy phạm pháp luật, để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro sai sót về nội dung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận