Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng yêu cầu khắc phục ngay "bệnh" chủ quan trong đối phó với hai cơn ATNĐ liên tiếp - Video: XUÂN LONG
Sau khi áp thấp nhiệt đới di chuyển qua mũi Cà Mau vẫn duy trì cấp 6, 7, giật cấp 9. Sau đó vào khu vực Biển Tây vẫn giữ nguyên cấp 6. Đây là điểm đáng lưu ý vì ít khi có áp thấp nhiệt đới di chuyển vào khu vực biển Tây Nam bộ
Ông Hoàng Đức Cường - giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương - cho biết trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.
Áp thấp nhiệt đới di chuyển vào khu vực biển Tây Nam bộ
Đến 7h ngày 2-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,2 độ vĩ Bắc, 104,3 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 9.
Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng.
Gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh.
Ông Cường cũng lưu ý khu vực ven biển các tỉnh Nam bộ cần đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao 4-4,5m.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên) trong khoảng 5-10 độ vĩ Bắc, 103,5-108,5 độ kinh Đông, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ chiều và đêm 1-11, ở ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có gió giật mạnh cấp 6-7.
Từ ngày 1-11 đến hết ngày 2-11, ở Nam bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm.
Do ảnh hưởng kết hợp không khí lạnh, các tỉnh ven biển trung và nam Trung bộ trong ngày và đêm nay tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.
Theo ông Hoàng Đức Cường, sau khi áp thấp nhiệt đới qua mũi Cà Mau sẽ tiến vào Biển Tây và không giảm cấp: Ảnh: XUÂN LONG
Còn 11.000 lao động trong vùng nguy hiểm
Ông Trần Quang Hoài, chánh Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết hiện còn 1.485 tàu thuyền với gần 11.000 lao động đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm.
Bộ đội biên phòng cùng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương phải bám sát lực lượng này, kêu gọi và đưa ngay vào nơi tránh trú an toàn.
Theo ông Hoài, thời gian để ứng phó với áp thấp nhiệt đới còn rất ít.
"Chỉ khoảng 2h sáng 2-11 áp thấp nhiệt đới đã cập vào khu vực Cà Mau, vì vậy công tác ứng phó phải rất khẩn trương, quyết liệt, kịp thời di dời, sơ tán dân đến những nơi an toàn" - ông Hoài lưu ý.
"Về tàu thuyền, sáng nay chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo các tỉnh. Đối với Cà Mau, sau phiên họp sáng nay sẽ quyết định cấm biển và cho học sinh nghỉ học, đồng thời hoãn lễ tưởng niệm sau hai thập kỷ bão Linda" - ông Hoài cho biết.
Kết luận, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh trước hết phải khắc phục bệnh chủ quan trong ứng phó với thiên tai cấp độ không lớn như áp thấp nhiệt đới.
"Áp thấp nhiệt đới lần này đổ bộ vào khu vực phía Nam từ Bến Tre đến Cà Mau, Kiên Giang, đó là vùng có địa hình thấp, sản xuất nông nghiệp lớn. Đặc biệt khu vực này nhà cửa yếu, ít có thiên tai như bão, kỹ năng tự ứng phó của bà còn không thể bằng những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.
Vì vậy, đợt này phải thống nhất cao, phải đặt vùng này là nơi có nguy cơ cao để khắc phục bệnh chủ quan" - ông Thắng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận