Phóng to |
Mùi khó chịu ở chân là một hiện tượng rối loạn chức năng tiết mồ hôi kèm theo rối loạn chuyển hóa một số chất trong thành phần mồ hôi. Nguyên nhân là trong cơ thể có sự rối loạn chuyển hóa, rối loạn thần kinh giao cảm hoặc do tác động của một số vi nấm, vi khuẩn ký sinh trên da.
Gan bàn chân là nơi tập trung rất nhiều tuyến mồ hôi. Vào mùa nóng, tuyến mồ hôi hoạt động nhiều hơn. Nếu đôi chân bị “giam” trong môi trường nóng, ẩm và kín của đôi giày, chắc chắn chân sẽ bốc mùi vì mồ hôi chính là môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn và nấm phát triển.
Ngoài ra, nếu đôi chân luôn phải di chuyển suốt ngày, đầu dây thần kinh và dây chằng ở chân phải hoạt động liên tục nên thúc đẩy tuyến mồ hôi tiết ra mạnh, sự nhớp nháp, khó chịu càng tăng lên.
Chân càng có mùi nặng hơn nếu nam giới bị mắc các bệnh viêm da chân hoặc người thường tiết ra mồ hôi quá nhiều, nhất là mồ hôi dầu.
Những người bị hôi chân vì thế thường ngại đi giày, nhưng nhiều khi giao tiếp vẫn buộc phải đi giày. Vậy hãy chủ động trị chứng hôi chân theo những lời khuyên sau:
- Rửa chân nhiều lần mỗi ngày, nhất là sau khi đi đâu về, có thể cởi bỏ giày ra. Ngâm chân trong nước ấm và thoa xà bông ít nhất hai lần mỗi ngày để ngăn ngừa việc hình thành các vi khuẩn gây mùi hôi. Sử dụng bàn chải mềm để đánh sạch các kẽ ngón chân. Lưu ý rửa kỹ các kẽ chân vì đó là nơi ẩm ướt, không thoáng khí, vi khuẩn dễ bám chặt. Nên lau chân thật khô trước khi đi giày.
- Nếu thường xuyên phải đi lại cả ngày, hãy dùng miếng lót quế để lót giày và nên thay chúng thường xuyên. Nên sử dụng những loại tất làm bằng sợi bông hay cotton vì chúng mềm, dễ thấm mồ hôi và không gây tổn thương cho da chân.
- Buổi tối, trước khi đi ngủ nên ngâm, rửa chân bằng nước ấm có pha chút muối từ 20 đến 30 phút. Có thể dùng nước trà để thay thế (ngâm chân vào nước trà tươi ấm pha đậm trong khoảng 10 - 15 phút mỗi tối). Chất tanin trong trà giúp cho da săn chắc, làm se các lỗ của tuyến mồ hôi, giảm tình trạng tiết mồ hôi ở chân.
- Cũng có thể áp dụng biện pháp lấy 50 - 100g vỏ quế khô đun kỹ với 500ml nước để rửa và ngâm chân hàng ngày.
- Dùng các loại bột boric, tanin, bột talc... để khử mùi cho chân.
- Nếu mồ hôi chân tiết ra quá nhiều thì có thể tìm đến phương pháp điều trị bằng phẫu thuật. Hiện nay, để khắc phục căn bệnh này, các bác sĩ thường áp dụng phương pháp tiêm huyết thanh nóng vào hạch thần kinh giao cảm hoặc cắt bỏ hạch thần kinh, hay đơn giản hơn là châm cứu.
Hiện đại và cũng đơn giản nhất là phương pháp Ionophorese, đã được ứng dụng tại Bệnh viện Việt-Pháp. Phương pháp này không cần phẫu thuật, không dùng thuốc mà vẫn cho hiệu quả cao và không có tác động phụ. Khi điều trị, bệnh nhân ngâm chân, tay vào trong một dung dịch ion để tạo ra dòng điện một chiều. Dòng điện cường độ 10mA sẽ làm co các tuyến mồ hôi, khiến chúng tiết ra ít hẳn đi.
Việc giữ cho tinh thần thoải mái, tránh mệt mỏi, lo âu, buồn bã và căng thẳng cũng là biện pháp hữu hiệu để hạn chế mồ hôi tiết ra nhiều.
Ngoài ra, cũng nên hạn chế các loại thực phẩm dễ gây ra mồ hôi như ớt cay, hành sống, tỏi sống...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận