27/04/2018 16:18 GMT+7

Khắc phục một số tác dụng phụ khi điều trị viêm gan virus C mạn?

Nguồn: Hội gan mật TP Hồ Chí Minh
Nguồn: Hội gan mật TP Hồ Chí Minh

Phác đồ điều trị viêm gan virus C mạn hiện nay thường gây ra nhiều tác dụng phụ làm ảnh hưởng đáng kể đến việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

Khắc phục một số tác dụng phụ khi điều trị viêm gan virus C mạn? - Ảnh 1.

Uống nhiều nước giúp giảm bớt khô miệng. Ảnh: secondwindwater.com

Viêm gan virus C (VGVC) là bệnh viêm gan do virus viêm gan C gây ra. Bệnh thường tiến triển mạn tính, có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Do vậy, việc điều trị VGVC là cần thiết nếu như không có chống chỉ định và điều kiện kinh tế của bệnh nhân cho phép. Tuy nhiên, quá trình điều trị bắt buộc phải kéo dài từ 6 đến 12 tháng (một số trường hợp đặc biệt cần điều trị đến 18 tháng). Một điều đáng mừng là tỷ lệ điều trị thành công có thể lên đến 70% trường hợp, nghĩa là có thể khỏi bệnh hoàn toàn.

Tuân thủ điều trị là một yếu tố quan trọng nhất để điều trị thành công bệnh VGVC mạn tính. Tuy nhiên, với phác đồ điều trị chuẩn hiện nay bao gồm peg-interferon hoặc interferon + ribavirin, thường gây ra nhiều tác dụng phụ làm ảnh hưởng đáng kể đến việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản để giúp bệnh nhân nhận biết một số tác dụng phụ của thuốc để có thể trao đổi thêm với bác sĩ điều trị, nhằm tránh việc phải ngưng thuốc sớm do không chịu đựng nổi các tác dụng phụ, góp phần giúp người bệnh vượt qua để việc điều trị đạt thành công cuối cùng.

Một số triệu chứng giả cúm (sốt, đau khớp, đau cơ):

Các triệu chứng này thường xuất hiện vài giờ sau khi tiêm thuốc peg-interferon (hoặc interferon) và có thể kéo dài đến 3 ngày. Bệnh nhân thường có cảm giác ớn lạnh hoặc lạnh run, kèm sốt, nhức mỏi khắp người, đau cơ và đau khớp giống như bị cảm cúm. Để khắc phục điều này, trong tháng điều trị đầu tiên, bác sĩ thường cho bệnh nhân uống 1-2 viên paracetamol 500mg (tùy theo cân nặng) trước (hoặc ngay sau) khi tiêm thuốc, sau đó có thể uống thêm 1 viên paracetamol 500mg khi sốt. Không nên uống quá 4 viên paracetamol 500mg trong 1 ngày. Tuy nhiên, những triệu chứng giả cúm này thường tự bớt sau vài tuần điều trị, cho nên những tháng sau bệnh nhân thường không cần sử dụng thêm thuốc trên.

Ngoài ra, bệnh nhân nên tiêm thuốc vào lúc chiều tối để khi xuất hiện triệu chứng giả cúm thường là lúc bệnh nhân đã nằm ngủ nên cũng giảm bớt cảm giác khó chịu hơn. Cũng nên chọn tiêm thuốc vào ngày cuối tuần để sau đó có thể nghỉ ngơi thư giãn ở nhà, ít ảnh hưởng đến công việc. Một vấn đề rất quan trọng là nên uống thật nhiều nước mỗi ngày (thường là 2-3 lít) để không bị cảm giác khô miệng và mất nước do sốt.

Một số triệu chứng tiêu hóa thường gặp:

- Buồn nôn, giảm vị giác, và chán ăn: Có thể được khắc phục bằng cách uống thêm thuốc metoclopramide (primperan) hoặc domperidone (motilium), khoảng 15 phút trước khi uống thuốc ribavirin, đồng thời có thể dùng thêm một số men tiêu hóa như men tụy cũng kích thích ăn ngon.

- Khô miệng có thể là hậu quả do ribavirin ức chế tiết nước bọt. Triệu chứng này thường kéo dài thêm vài tuần sau khi kết thúc điều trị và cũng giảm bớt nhờ uống nhiều nước.

- Sụt cân: Đối với một đợt điều trị kéo dài 48 tuần bằng interferon hoặc peg-interferon, bệnh nhân có thể bị sụt mất khoảng 6-10% cân nặng. Điều này có thể do mất vị giác, buồn nôn và ăn uống kém. Do vậy, bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ, thích ăn gì cứ ăn nấy, không nên kiêng cữ quá mức. Tuy nhiên, cân nặng sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi kết thúc điều trị.

Mệt mỏi:

Bệnh nhân thường than mệt mỏi, cảm giác mệt tăng dần sau khoảng 2 tuần đầu tiên của điều trị. Những bệnh nhân có biểu hiện thiếu máu rõ, thường mau mệt khi gắng sức nhất là đi thang lầu hay leo dốc, lười làm việc... Những triệu chứng này có thể được cải thiện nhờ sử dụng các thuốc kích thích tạo hồng cầu (erythropoietin), giảm liều ribavirin (nên tránh giảm liều trong 3 tháng đầu điều trị), hoặc truyền hồng cầu lắng (hiếm khi phải áp dụng). Ngoài ra, cảm giác mệt còn do thuốc có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Vì vậy, bác sĩ cần lưu ý kiểm tra theo dõi xét nghiệm TSH trước và trong quá trình điều trị. Bệnh nhân nên ăn thêm các thức ăn bổ dưỡng tùy theo sở thích, ví dụ như thịt bò (phở bò) để giúp cơ thể tạo máu vì suy dinh dưỡng cũng làm cơ thể chóng mỏi mệt. Cuối cùng, cảm giác mỏi mệt còn liên quan đến trạng thái tâm thần rối loạn, trầm cảm... cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh.

Rối loạn chức năng tuyến giáp:

Suy giáp và cường giáp đều có thể gặp do tác dụng của thuốc tiêm (peg-interferon/ interferon). Tình trạng suy giáp có thể được điều trị bằng bổ sung thêm hormon tuyến giáp (levothyroxin), còn cường giáp có triệu chứng lâm sàng có thể điều trị bằng thuốc nhóm ức chế beta (propranolol), kết hợp với thuốc kháng hormon tuyến giáp (carbimazole). Việc ngưng điều trị sớm thường không cần thiết, bệnh nhân cần xin ý kiến tư vấn điều trị của các bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Khoảng một nửa số trường hợp suy giáp sẽ hồi phục sau khi ngưng thuốc tiêm (peg-interferon/ interferon), một số trường hợp cần những đợt điều trị hormone thay thế kéo dài.

Tác dụng phụ ở da:

- Các thuốc interferon và ribavirin đều có thể gây một số vấn đề về da như khô da, ngứa, nổi ban… Bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng một số thuốc mỡ hoặc lotion có tác dụng làm mềm và ẩm da. Trong một số trường hợp, cần có sự tư vấn của bác sĩ da liễu để sử dụng các thuốc kháng histamine (chống ngứa) và các thuốc corticoid thoa tại chỗ.

- Da tại vị trí tiêm có thể trở nên cứng và đỏ, kéo dài nhiều ngày tới nhiều tuần. Nên thay đổi liên tục vị trí tiêm và tránh xoa nắn, chà xát hoặc thoa đắp tại chỗ.

Rụng tóc: Triệu chứng rụng tóc cũng hay gặp sau vài tháng đầu tiên điều trị, và kéo dài vài tuần sau khi kết thúc điều trị. Rụng tóc có thể hồi phục hoàn toàn, mặc dù cấu trúc của tóc có thể thay đổi sau khi điều trị. Không nên gội đầu quá thường xuyên, nên dùng dầu xả cho đỡ rối tóc, dùng lược thưa và không nên nhuộm, sấy và uốn tóc vì sẽ làm tóc dễ rụng

Ho: Bệnh nhân có thể bị ho do tác dụng của ribavirin (thường là ho khan, có khi ho dai dẳng). Nếu ho có đàm, cần loại trừ nguyên nhân ho do các bệnh viêm - nhiễm trùng đường hô hấp. Nếu ho do ribavirin, bệnh nhân có thể được khuyên uống nhiều nước mỗi ngày, và có thể được bác sĩ cho dùng một số thuốc ho thông thường.

Mất ngủ:

Bệnh nhân nên thư giãn, tắm nước ấm, nghe nhạc êm, xoa bóp trước khi ngủ. Một số trường hợp phải dùng thêm thuốc ngủ, thuốc giải lo âu, chống trầm cảm... theo chỉ định của bác sĩ.

Rối loạn tâm thần:

Bệnh nhân có tiền căn rối loạn tâm thần rất dễ bị trầm cảm khi điều trị bằng peg-Interferon alfa. Cần đánh giá kỹ tiền sử và tình trạng bệnh lý tâm thần của bệnh nhân trước khi điều trị. Các tác dụng phụ về tâm thần có thể biểu hiện ở nhiều mức độ và đa dạng, từ cảm giác mệt mỏi, suy nhược, mất ngủ, đến những trạng thái lo âu, chán chường, trầm cảm nặng hoặc có ý định tự sát... Đây là những lý do có khi phải ngưng điều trị.

Mặc dù có rất nhiều tác dụng phụ khi điều trị VGVC mạn nhưng nếu bệnh nhân có hiểu biết các vấn đề này, thông báo sớm với bác sĩ để được điều trị và hướng dẫn cách khắc phục các triệu chứng, tuân thủ tốt việc điều trị sẽ giúp vượt qua các tác dụng phụ nói trên.

Nguồn: Hội gan mật TP Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên