15/01/2018 20:47 GMT+7

Khắc phục 'gót Asin' về nguồn nhân lực

T.TRÌNH - T.TRANG - M.TRƯỜNG - Q.CƯỜNG - H. HIẾU
T.TRÌNH - T.TRANG - M.TRƯỜNG - Q.CƯỜNG - H. HIẾU

TTO - Các tỉnh ĐBSCL đang nỗ lực giải bài toán mang tên nguồn nhân lực - yếu tố mà các địa phương coi là "điểm nghẽn" trong quá trình phát triển.

Khắc phục gót Asin về nguồn nhân lực - Ảnh 1.

Nuôi cá tra - Ảnh tư liệu

Thiếu nguồn nhân lực qua đào tạo

Ông Vương Phương Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: "Mới đây, Chính phủ cho phép tỉnh thực hiện đề án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Bạc Liêu tham vọng trở thành "thủ phủ" tôm của cả nước, nên cần đội ngũ cán bộ kỹ thuật đầu đàn, giỏi chuyên môn, nhất là có chuyên môn về nước, môi trường, con giống và những cán bộ kỹ thuật chuyên sâu khác thì tỉnh lại rất thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn này.

Để thực hiện yêu cầu phát triển trong tình hình mới, Bạc Liêu cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, một số công việc đòi hỏi chuyên môn cao thì tỉnh phải cử người chạy đi… thuê bên ngoài làm, bởi nhân lực tại chỗ không thể đáp ứng".

Khắp các tỉnh ĐBSCL, tình trạng người thiếu việc – việc cần người tồn tại trong nhiều năm gần đây. Thế nhưng, bài toán tưởng chừng như không khó ấy, lại đằng đẵng nhiều năm vẫn chưa có lời giải.

Chủ một doanh nghiệp ở KCN Trà Nóc (Cần Thơ) tâm sự, do nhu cầu mở rộng sản xuất, phong phú hơn sản phẩm với những mặt hàng mới, doanh nghiệp của ông đã trầy trật để tuyển 500 lao động từ khắp các tỉnh ĐBSCL.

Tuy nhiên, tuyển được người là một chuyện, còn người có làm được việc lại là chuyện khác. Ông này cho biết, đã phải đưa toàn bộ số lao động trên đi đào tạo lại, với chi phí doanh nghiêp tự bỏ ra.  

Vùng ĐBSCL đến nay có khoảng trên dưới 54 ngàn doanh nghiệp. Số lượng này chỉ chiếm khoảng 12% doanh nghiệp cả nước, trong khi dân số chiếm 21%. Điều này cho thấy số lượng doanh nghiệp tính trên dân số thì khu vực ĐBSCL vẫn thấp so với cả nước.  

Một nghịch lý là trong khi hàng chục ngàn lao động ở các tỉnh ĐBSCL đã phải xa quê để tìm việc làm khắp nơi nơi, thì các doanh nghiệp, tại chính vùng đất có vẽ như thừa lao động này lại rơi vào cảnh thiếu người làm. Mặc dù nguồn cung lao động của các tỉnh trong khu vực lại khá dồi dào, nhưng các doanh nghiệp lại khó có thể tuyển được lao động đáp ứng được yêu cầu.

Khắc phục gót Asin về nguồn nhân lực - Ảnh 2.

Buổi họp nhóm của "Tổ giúp việc" tỉnh Đồng Tháp với thành phần nồng cốt là các du học sinh - Ảnh: NGỌC TÀI

Thoát "vùng trũng"

Theo GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường ĐH Nam Cần Thơ, ĐBSCL mặc dù là cái nôi sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu, nhất là lúa gạo, nhưng về giáo dục và nguồn nhân lực vẫn xem là "vùng trũng".

Cho đến nay, sau hơn 30 năm đổi mới, đại bộ phận người dân của ĐBSCL - nông dân - vẫn là bộ phận nghèo nhất, làm ăn trong những môi trường không bền vững. Suy cho cùng, cái gốc của vấn đề chính là giáo dục.

PGS - TS Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển ĐBSCL - cho rằng ĐBSCL là vùng đặc trưng nông nghiệp từ lâu đời, nguồn lợi tự nhiên dồi dào, nhiều sản phẩm cây trồng đặc trưng rất nổi tiếng. Tuy nhiên, đến nay vẫn không thể vươn tầm ra xa. Tất cả chỉ nằm trong bài toán đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, đào tạo đội ngũ nông dân kỹ thuật cao. Nếu vấn đề này được giải quyết thật chất lượng thì sẽ không còn cảnh trái cây được mùa mất giá; cá tôm sẽ được đón nhận ở các nước phát triển.

Kết quả thống kê của ngành chức năng cho thấy, nguồn nhân lực ở ĐBSCL nằm ở mức thấp nhất cả về trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật so với mặt bằng chung của đất nước.

Lực lượng lao động của ĐBSCL có hơn 10,3 triệu người, chiếm 19% lực lượng lao động của cả nước. Nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 10,4% (trung bình cả nước gần 20%).

Toàn vùng có 176 cơ sở dạy nghề, trong đó có 39 cơ sở dạy nghề ngoài công lập, chiếm 22,16% với nhiều mô hình dạy nghề như: dạy nghề tại các doanh nghiệp, dạy nghề cho các khu công nghiệp… Tính đến nay đã đào tạo trên 1,5 triệu lao động, trong đó 93% là dạy nghề với thời gian dưới 3 tháng.

Tuy nhiên, không có con số thống kê những lao động được đào tạo này được đào tạo để làm việc ở các tỉnh trong khu vực, hay lại gia nhập "đoàn quân" ly hương làm việc xa nhà.

Chưa tính, đội ngũ nhân lực chất lượng cao được đào tạo có đang đóng góp hiệu quả, hay lại rơi vào tình trạng "chảy máu" nguồn nhân lực mà cả vùng đang rất cần để xây dựng và phát triển.

Khắc phục gót Asin về nguồn nhân lực - Ảnh 3.

ĐBSCL cần có lực lượng nhân lực cao có chất lượng đủ đáp ứng đòi hỏi công việc của các doanh nghiệp - Ảnh: HUỲNH LÂM

PGS-TS Nguyễn Văn Sánh cũng cho rằng muốn giải bài toán nguồn nhân lực của vùng điều đầu tiên phải cải tiến mạng lưới và chất lượng đào tạo từ cấp tiểu học, trung học, đại học và đào tạo nghề nông thôn. Muốn vậy thì mỗi tỉnh, địa phương không thể thực hiện được mà phải có liên kết vùng trong phát triển chính sách và phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL.

"Chính trở ngại này hiện nay đã kềm hãm sự phát triển kinh tế và tạo cơ hội việc làm nông thôn, cũng như giữ lao động chất lượng cao vùng nông thôn", ông Sánh nói. Ngoài ra, các ngành công nghiệp, lĩnh vực phi nông nghiệp liên quan đến dịch vụ du lịch, công nghệ thương mại điện tử, kinh tế và dịch vụ biển, logistist cũng đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng đủ đáp ứng đòi hỏi công việc của các doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập quốc tế càng sâu rộng, các tỉnh khu vực ĐBSCL cần nhanh chóng cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy những điểm thế mạnh của mình. Then chốt để làm được điều đó thì cần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, xã hội. Phải coi trọng công tác giáo dục lao động, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp ngay từ bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông chủ động lựa chọn ngành nghề phù hợp. Cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương, sự liên kết giữa các địa phương trong khu vực trong giáo dục nghề nghiệp, cũng như phân phối nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của mỗi nơi.

Cãi cánh hệ thống giáo dục, gắn kết giữa giáo dục đào tạo với nhu cầu thực tiễn, có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút nhân lực là những việc làm mà các tỉnh khu vực ĐBSCL đã và đang thực hiện để khắc phục "điểm yếu" nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển của mình.

T.TRÌNH - T.TRANG - M.TRƯỜNG - Q.CƯỜNG - H. HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên