Lâm Thị Thu Hương (trái) chụp ảnh cùng ông Sơn Michael Phạm tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp trong lần về Việt Nam hồi tháng 4-2019 - Ảnh: MINH HUỲNH
Có trường hợp tôi giúp thử ADN đến 2-3 lần nhưng kết quả vẫn không như mong đợi. Tôi luôn khuyên họ "không ngừng hi vọng" vì đây là một hành trình dài.
Ông Sơn tâm sự
Trong số đó có chị Phạm Thị Ánh Tuyết, quốc tịch Canada. Thông qua một số giấy tờ tìm được mà chị thậm chí không chắc là của mình hay của ai khác, Tuyết biết mình được sinh ngày 7-12-1969 tại xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, có mẹ tên là Phạm Thị Duyên, và được gửi đến một mái ấm ở Sài Gòn vì khuyết tật. Sau đó, chị được nhận nuôi năm 6 tuổi.
Không ngừng hi vọng
Ánh Tuyết cho biết mình từng có ý định xin hộ chiếu Việt Nam nhưng thất bại trong việc xác nhận các thông tin liên quan đến nơi mình từng sống ở Việt Nam.
Lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ nuôi, Tuyết vẫn luôn cố tự lý giải căn bệnh bại liệt làm chân tay bị khuyết tật là nguyên nhân khiến cha mẹ ruột không có khả năng nuôi mình. "Bây giờ, tôi đã vượt qua được khuyết tật, còn là một vận động viên thi đấu các môn thể thao xe lăn nữa" - Tuyết chia sẻ về cuộc sống hiện tại của chị.
"Tuy nhiên, tôi vẫn muốn tìm lại quá khứ của mình. Tôi đã cố gắng rất nhiều, thử ADN nhiều lần, về Việt Nam 4 lần từ năm 2010 đến 2017, với một câu hỏi rằng liệu mẹ ruột của mình có còn sống hay không?" - chị chia sẻ lý do tìm đến với chương trình "Cội nguồn con ở đâu?".
Trong hành trình tìm gia đình đó, chị nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của ông Sơn Michael Phạm, người Mỹ gốc Việt. Là người sáng lập Kids Without Borders, suốt nhiều năm nay, ông đã giúp nhiều người con nuôi gốc Việt trong hành trình đi tìm cội nguồn của mình. Hơn ai hết, ông hiểu được nỗi trăn trở của họ.
"Không ngừng hi vọng" là điều mà ông luôn động viên những người tìm đến nhờ mình giúp đỡ, nhiều người trong số đó ông coi như con cái của mình. Những ngày làm việc đến khuya vì lệch múi giờ, những lần thất bại trong việc thử ADN không làm ông nản chí.
Khao khát tìm nguồn cội
Hình ảnh Nguyễn Thị Thu Hường lúc còn nhỏ - Ảnh: NVCC
Trong số những hồ sơ của ông Sơn có một cô gái mang quốc tịch Bỉ và cái tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Thu Hường.
"Khoảng 19h30 ngày 15-9-1995, chị Trần Thị Thu đi từ Hồng Gai về, thấy một cái thúng ở gần đường tàu và có tiếng khóc của trẻ con. Chị Thu lại gần thì thấy một cháu gái, người chỉ còn da bọc xương, ngực dô, trán lép..." - Thu Hường biết về hoàn cảnh mình được người ta nhặt về như thế, thông qua biên bản xác nhận trẻ bị bỏ rơi của UBND phường Hồng Hải, TP Hạ Long.
Hơn 20 năm sau, cô gái quốc tịch Bỉ mang theo mảnh ký ức có phần đau thương ấy về Việt Nam để tìm kiếm gốc gác cuộc đời mình. "Là một đứa con nuôi, tôi có rất nhiều băn khoăn. Tôi là ai? Tại sao tôi được nhận nuôi? Cha mẹ ruột của tôi là ai?" - Thu Hường tâm sự với "Cội nguồn con ở đâu?".
"Tôi biết đó là một câu chuyện phức tạp, nhưng tôi vẫn hi vọng và muốn biết chuyện gì đã xảy ra, biết về khởi nguồn cuộc đời mình. Được nhận nuôi, tôi được cha mẹ yêu thương và cho nhiều cơ hội tốt, thế nhưng cũng có nhiều nỗi sợ, mất mát và buồn phiền. Không phải ai cũng hiểu chuyện đó" - cô gái trẻ ngậm ngùi.
Tháng 12-2018, Thu Hường quay về thăm mái ấm mà cô được nhận nuôi ở Quảng Ninh, gặp lại người phụ nữ đã nhặt được mình. Thế nhưng mọi chuyện lại trở nên mờ mịt khi người phụ nữ ấy không nhớ cô, thậm chí những người hàng xóm cũng nói rằng mình không biết đến đứa bé bị bỏ rơi trong thúng.
Nhiều câu chuyện chắp vá được kể không rành mạch vì rào cản ngôn ngữ, rốt cuộc cũng không giống những điều mà Thu Hường biết về mình. Nỗ lực đầu tiên thất bại, không bỏ cuộc Hường quyết tâm học tiếng Việt để chuẩn bị cho hành trình tiếp tục tìm kiếm cội nguồn, dẫu cam go nhưng có ý nghĩa quan trọng với cuộc đời mình.
Không bỏ cuộc
Lâm Thị Thu Hương lúc nhỏ - ẢNh: NVCC
Cũng khao khát tìm kiếm mảnh còn thiếu trong tâm hồn mình, cô gái người Pháp có tên Việt là Lâm Thị Thu Hương tìm cách hướng về quê hương khi biết được mình là con nuôi.
Thông qua lý lịch gửi cô nhi viện mà cô có được, Hương biết mình sinh ngày 25-11-1995, là ‘trẻ bị bỏ rơi" và mẹ cô tên là Lâm Thị Thu, sinh cô tại Bệnh viện Từ Dũ năm bà 27 tuổi. Một trong những thông tin quý báu mà Thu Hương có được ở thời điểm này, tiếp thêm phần nào hi vọng cho cô, là mẹ cô từng ghé thăm Hội dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn ở quận 3 (TP.HCM) tìm kiếm tin tức về con gái.
Dù hành trình phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng những người con tìm về cội nguồn như Ánh Tuyết, Thu Hường và Thu Hương vẫn không bỏ cuộc và tin vào phép mầu.
Thông tin của Lâm Thị Thu Hương trên giấy khai sinh do nhân vật cung cấp
Cho đến bây giờ, có lẽ bạn đọc Tuổi Trẻ vẫn chưa quên "kỳ tích" tìm được mẹ của Amandine Durand khi chính họ là người giúp tạo nên. Tháng 7-2018, báo Tuổi Trẻ đăng câu chuyện về cô gái người Pháp gốc Việt tên Amandine Durand đi tìm mẹ. Không lâu sau khi báo phát hành, nhiều cuộc gọi về báo tung tích của mẹ cô gái.
Rồi điều kỳ diệu đã xảy ra, khi 4 tháng sau đó, sân khấu tọa đàm "Cội nguồn con ở đâu?" chứng kiến giây phút Amandine bập bẹ "Mẹ ơi!" bằng tiếng Việt không rành, tay ôm lấy người phụ nữ đang run run xúc động. Kết quả ADN cho thấy họ cùng huyết thống.
"Đừng bao giờ bỏ cuộc" cũng là lời nhắn nhủ của Amandine đến những bạn cũng đang tìm kiếm cội nguồn giống mình.
Phạm Thị Ánh Tuyết trong một bức ảnh thời thơ ấu - Ảnh: NVCC
Thông tin của Nguyễn Thị Thu Hường trên giấy khai sinh do nhân vật cung cấp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận