05/12/2015 11:45 GMT+7

Kêu oan cho Huỳnh Văn Nén, vì tôi là một người thầy

MAI VINH - HOÀNG ĐIỆP (maivinh@tuoitre.com.vn - hoangdiep@tuoitre.com.vn)
MAI VINH - HOÀNG ĐIỆP ([email protected] - [email protected])

TT - Lý giải việc “vác tù và hàng tổng”, ông Thận nói rằng trước tiên ông là một thầy giáo, đã từng dạy nhiều lớp học trò ở Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận, sau nữa ông là một đảng viên.

Khi ra tù, ông Huỳnh Văn Nén (phải) bất ngờ với cả ngàn trang giấy tờ, tài liệu pháp lý mà thầy Nguyễn Thận đã lưu giữ trong quá trình kêu oan cho ông - Ảnh: M.Vinh
Khi ra tù, ông Huỳnh Văn Nén (phải) bất ngờ với cả ngàn trang giấy tờ, tài liệu pháp lý mà thầy Nguyễn Thận đã lưu giữ trong quá trình kêu oan cho ông - Ảnh: M.Vinh

Bởi vậy việc cứu danh dự, cuộc sống một con người để họ không bị oan là điều luôn thôi thúc ông.

Câu chuyện của 2 năm trước

Đó là năm 2013 sau khi ông Thận ôm đơn ra Hà Nội để kêu oan cho Huỳnh Văn Nén. Trở về Nam, ông phải vào bệnh viện khám ngay vì bệnh nhồi máu cơ tim. Dù bác sĩ dặn dò ông không nên đi lại nhiều bởi không tốt cho bệnh tim mạch nhưng ông không thể làm theo lời bác sĩ vì sự thôi thúc của lương tâm. Bởi đây là công việc mà ông đã đeo đuổi 13 năm nay: câu hỏi phía sau một bản án hình sự!

Trong tiếng thở dài thật nhẹ, ông lấy trong túi áo ra một vỉ thuốc và cho biết từ ngày bị bệnh tim, ông luôn phải mang thuốc theo người, nếu trái tim trở chứng ông có thuốc để cầm cự ngay. Ông ra Bắc một chuyến là để hi vọng lá đơn kiến nghị của mình cùng báo cáo nội dung vụ việc sẽ đến được đúng nơi cần đến.

Ông không phải là người thân của Huỳnh Văn Nén, cũng không có quan hệ, mâu thuẫn gì với những người bị tố cáo, nhưng cả chục năm nay ông cũng giống như người cha của Nén, nếu có thể gặp gỡ được ai, tìm được người nào để gửi lá đơn kiến nghị ông đều đã làm.

Ông cũng không nhớ mình đã đến TP.HCM bao nhiêu lần để cung cấp thông tin cho nhà báo, đưa đơn và báo cáo vụ việc cho cơ quan chức năng với hi vọng một sự thật sẽ được lật lên.

Hỏi ông lý do nào đi kêu oan cho người dưng, ông lần mò mớ tài liệu đã được ghim cẩn thận mà nói: “Cha của Nén luôn tin rằng con mình vô tội, tôi thấy rằng ai rồi cũng có con, nếu con sai quấy phải chịu trách nhiệm cha mẹ đau một, mà con bị oan trái thì mình đau mười. Bằng tấm lòng của người cha, tôi thông cảm với nỗi đau đớn hơn 10 năm nay của ông Truyện (cha ông Huỳnh Văn Nén)”.

Đó là những lần ông Truyện luôn tìm kiếm ông với ánh mắt khắc khoải, với hi vọng rồi lại thất vọng về những lá đơn mải miết được gửi đi. Ông trở thành người đồng hành của ông Truyện là vì thế.

Bởi sự cảm thông sâu sắc đó, ông Thận đã không ngừng những chuyến đi từ Bình Thuận đến TP.HCM, photo đơn thư, gặp lại anh Nguyễn Phúc Thành đề nghị xác nhận lại những thông tin trước đây anh đã viết trong đơn và thư. Cũng như 13 năm trước khi nhận được lá thư từ mẹ anh Thành, ông đã cất công đi tìm kiếm, xác minh thông tin để làm báo cáo gửi lên cấp trên. Bởi ông biết việc ông đồng hành với gia đình ông Truyện hay Thành viết đơn tố giác rất có thể gây nên những phiền phức cho cuộc sống của chính bản thân mình.

Bởi vậy, trong đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, ông khẳng định: “Đơn này tôi không kiện ai cả, tôi cũng không đổ lỗi cho ai hết, nhưng với trách nhiệm của một đảng viên, một công dân, tôi phải thực hiện trách nhiệm của mình từ trái tim mình là đưa ra những tình tiết, bằng chứng để cơ quan chức năng điều tra xem thủ phạm đích thực là ai, bởi nếu có thủ phạm khác thì Huỳnh Văn Nén oan ức quá”.

Người tố cáo, người bị tố cáo đều ở trong cùng xã nên ông Thận hết sức thận trọng: “Tôi nhận đơn từ đầu tháng 9 mà đến cuối tháng 9 mới làm báo cáo gửi các cơ quan chức năng”. Lý do cho sự chậm trễ này là bởi ông còn phải dành thời gian để xác minh những thông tin mà anh Nguyễn Phúc Thành đã nêu trong đơn.

Để tra cứu, lưu trữ tài liệu phục vụ riêng cho việc kêu oan, ông Nguyễn Thận đã mua một máy tính cũ - Ảnh: Hoàng Điệp
Để tra cứu, lưu trữ tài liệu phục vụ riêng cho việc kêu oan, ông Nguyễn Thận đã mua một máy tính cũ - Ảnh: Hoàng Điệp

Rất nhiều người tốt

Sau này khi biết được rằng Nguyễn Phúc Thành đã làm đơn tố giác sự việc với giám thị trại giam từ trước khi vụ án xét xử Huỳnh Văn Nén đến sáu ngày, nhưng những lời khai của anh Thành đã không thay đổi được gì khiến ông rất đau lòng: “Chỉ cần lúc ấy cơ quan tố tụng tiếp nhận thông tin và điều tra lại thì dù kết quả thế nào vụ việc đã không thể kéo dài đến tận hôm nay”.

Ông Thận nói mà như khóc. Và thật may 15 năm sau, anh Nguyễn Phúc Thành vẫn giữ nguyên lời tố cáo của mình.

Dù vụ án của Huỳnh Văn Nén đã được đình chỉ nhưng trong nhiều năm qua, gương mặt khắc khổ cùng cái tên Nguyễn Thận đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân. “Để đến lúc Nén được tại ngoại và minh oan, tôi nghĩ đây là việc vô cùng đáng mừng rồi. Và tôi chỉ là người kết nối, bởi có rất nhiều người tốt khác đã âm thầm hỗ trợ, giúp đỡ để đưa vụ án đến được với công luận”.

Ông Thận nói rằng là một thầy giáo dạy chữ cho biết bao lứa học sinh nghèo ở Hàm Tân, Bình Thuận, rồi làm công việc chính quyền, ông chỉ biết sơ sơ một chút kiến thức cơ bản về pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. “Tôi làm việc đó và không đơn độc. Đó là sự giúp đỡ và đồng tình của những người dân trong xã, rồi tổ chức, chính quyền luôn tạo điều kiện cho tôi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Ông Thận cũng nói bản thân mình không phải là người quá rành rẽ về pháp luật, nhưng trong quá trình thực hiện công việc kêu oan cho Huỳnh Văn Nén, ông được rất nhiều người làm việc trong ngành tố tụng trợ giúp: “Họ chỉ cho tôi gửi đơn khiếu nại ở đâu, diễn biến vụ việc thế nào, tình hình sức khỏe của Huỳnh Văn Nén... Họ là những người tốt đã âm thầm đồng hành cùng tôi trong nhiều năm qua...”.

Ông Thận cũng kể về những luật sư đã không chỉ giúp bào chữa miễn phí cho các bị cáo trong vụ án vườn điều, hay những luật sư đang hỗ trợ pháp lý miễn phí cho Huỳnh Văn Nén hiện tại. Không chỉ hỗ trợ pháp lý, họ còn tự bỏ tiền túi ra để giúp đỡ chính người đi kêu oan cho Nén là ông Thận: “Tôi bệnh tật, lại ngược xuôi Nam Bắc, đi ra đi vô nên đồng lương nhà nước trả không đủ để làm lộ phí, vậy nên khi khó khăn quá cũng có luật sư gửi tiền cho tôi xài đỡ”.

Không chỉ bỏ công mà ông Thận còn chẳng có thời gian chăm sóc con cái, để những đứa con cho người vợ tảo tần chăm lo. “Bà ấy không chia sẻ thì tôi không thể nào bỏ nhà cửa, con cái để tối ngày đọc hồ sơ, tài liệu và đi đây đi đó được” - ông nói về vợ như thế.

Và ông Thận bảo ông phải thật sự cảm ơn vợ con mình đã hiểu và chia sẻ để ông được khóc, được hi vọng và được tin vào những điều ông đã đeo đuổi. Như bài giảng xưa kia, như việc dạy dỗ học trò những chữ viết đầu tiên để người học trò ấy viết nên cái tên của mình, rồi tiếp tục bước đi trên đường đời nhiều chông gai.

_______________

Kỳ tới: Những người bạn đồng hành

MAI VINH - HOÀNG ĐIỆP ([email protected] - [email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên