​“Kêu không được thì vẫn phải làm”

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Phạm Xuân Tiến, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng “sổ sách” vẫn là băn khoăn lớn của nhiều giáo viên, trong việc nhận xét học sinh tiểu học.

Hình ảnh ghi ở Trường tiểu học Tả Thanh Oai (Hà Nội), nơi áp dụng mô hình trường học mới, học sinh tự kiểm tra kết quả bài làm của bạn trước sự chứng kiến của cô giáo. Với mô hình này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng dễ dàng áp dụng cách đánh giá mới theo thông tư 30 - Ảnh: Vĩnh Hà

Không phủ nhận những mặt tích cực của việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30, nhưng nhiều nhà quản lý, giáo viên các trường tiểu học ở Hà Nội vẫn bày tỏ những khó khăn, bất cập được nhìn nhận qua một học kỳ.

“Nhiều giáo viên đang tự làm khổ mình. Khi đi kiểm tra, tôi cũng choáng khi thấy giáo viên ghi nhận xét chi tiết, dòng nào, mục nào cũng ghi đầy đủ. Như thế thì đâu còn thời gian để lo việc dạy học. Sở không bắt các thầy cô phải làm thế mà chỉ ghi những mặt hạn chế, điểm nổi bật của các em", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, sổ ghi chép cũng không cần làm theo đúng mẫu. Thậm chí thầy cô có thể ghi theo ký hiệu, quy ước để mình hiểu và giải thích cho hiệu trưởng. Ghi chép trong sổ đánh giá của giáo viên không nhằm mục đích để “trình diễn” cho đoàn kiểm tra hay phụ huynh, học sinh, mà ghi nhớ để tìm ra biện pháp hướng dẫn, uốn nắn học sinh kịp thời.

“Sổ sách” vẫn là vấn đề lớn

Tôi cũng có nghe thông tin về việc đâu đó giáo viên vẫn dùng bút chì cho điểm học sinh.

Sau khi học sinh mang vở về cho cha mẹ xem thì cô tẩy điểm số đó đi. Hoặc cũng có thông tin giáo viên và phụ huynh thống nhất cho con ra ngoài học thêm để “được cho điểm”.

Tôi khẳng định nếu việc này được xác định cụ thể ở trường nào, giáo viên nào thì cần phải xử lý kỷ luật nghiêm. Vì đây là việc vi phạm quy chế chuyên môn.

Xét ở góc độ giáo dục, việc làm này nguy hại cho học sinh, khiến con trẻ “làm quen” với hành vi gian dối, chạy theo cách dạy học không thực chất.

Ông PHẠM XUÂN TIẾN
(phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội)

Tuy nhiên, trên thực tế không phải trường tiểu học nào cũng được hiệu trưởng chỉ đạo linh hoạt trong việc này. Sự chuẩn chỉ về “sổ sách” vẫn là vấn đề khiến lãnh đạo nhiều trường cảm thấy “an toàn”.

Theo một lãnh đạo trường tiểu học ở quận Đống Đa (Hà Nội) thì “trong các cuộc họp, hội thảo, lãnh đạo các cấp vẫn hướng dẫn là có thể linh hoạt trong đánh giá, là không cần phải ghi chép theo mẫu, nhận xét 100% vào sổ.

Nhưng khi chỉ đạo chuyên môn, chúng tôi vẫn cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể. Cùng với việc chỉ đạo đổi mới đánh giá cũng phải rà lại các quy định khác để có tính nhất quán. Nếu không khi chúng tôi bị thanh tra gõ đầu thì ai cứu chúng tôi?”.

Một giáo viên Trường tiểu học Phương Mai (Hà Nội) băn khoăn: “Trong quá trình dạy học thì có thể đánh giá bằng lời nói. Nhưng cuối học kỳ, giáo viên chủ nhiệm vẫn phải nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng, sổ liên lạc. Giữa sổ chủ nhiệm và sổ theo dõi đánh giá có nhiều mục trùng lặp mà giáo viên phải chép lại. Không lẽ cuối kỳ chỉ chọn ra một số học sinh nhận xét, còn một số khác thì thôi?”.

Theo cô giáo này thì các thầy cô, nhất là giáo viên chuyên biệt, vẫn phải làm ngoài giờ để hoàn thành việc “nhận xét”.

Nhiều giáo viên tiểu học khi được hỏi về vấn đề thông tư 30 đã nói “kêu mãi, nhưng không thể khác được thì không kêu nữa, cố làm cho hết trách nhiệm thôi”.

Về điều này, cô Nguyễn Thúy Minh, hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An (Hà Nội), cũng chia sẻ: “Vất vả đối với giáo viên là việc không tránh khỏi”.

Cô Minh cho biết với trường mình, hiệu trưởng đã cho phép 100% giáo viên sử dụng sổ đánh giá điện tử. Có nghĩa giáo viên được nhận xét trên máy tính rồi in ra gửi cha mẹ học sinh và lưu vào hồ sơ học sinh. Những nội dung trùng lặp giữa sổ chủ nhiệm và sổ đánh giá cũng được hiệu trưởng cho phép lược bớt, tích hợp.

Dù vậy, công việc của giáo viên trường vào cuối học kỳ 1 cũng quá tải. 100% giáo viên phải làm việc ngoài giờ, tranh thủ giờ nghỉ giải lao để hoàn thành công việc theo đúng quy định mới.

“Tôi có thể hiểu vì sao nhiều hiệu trưởng điều hành giáo viên đánh giá học sinh một cách máy móc. Bởi họ lo lắng bị kiểm tra, xử lý theo các quy định hiện hành. Ví dụ như trong điều lệ trường tiểu học vẫn có những quy định cứng về hồ sơ, sổ sách với những đầu mục mang tính bắt buộc phải thực hiện. Nếu linh hoạt theo thông tư 30 thì có thể sẽ không đúng, không chuẩn chỉ với điều lệ và những quy định khác. Linh hoạt thì rất có thể sẽ bị thanh tra chuyên ngành phê. Đây là điều các cấp quản lý giáo dục cần phải biết để có cách tháo gỡ cho giáo viên bằng những quy định mang tính pháp lý mới phù hợp” - cô Minh nói.

Động lực học tập giảm?

Theo tổng kết của Sở GD-ĐT Hà Nội, kết quả đánh giá từng môn học ở bậc tiểu học học kỳ 1 không có đột biến tăng hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, một số hiệu trưởng tiểu học thì lo ngại “động lực học tập của học sinh có thể giảm”. Cô Nguyễn Thúy Minh nhận xét với việc đổi mới đánh giá, “áp lực đối với học sinh giảm, nhưng ý thức học tập lại kém hơn vì không có sự ganh đua, nỗ lực. Thực tế này cho thấy ý thức tự giác học tập của học sinh VN không tốt so với học sinh nước ngoài.

Bởi vậy, có những quy định ở nước ngoài áp dụng tốt, nhưng khi đưa vào thực tiễn dạy học ở VN lại có những điểm bất cập. Bên cạnh đó, phụ huynh không phải ai cũng quan tâm đúng mức đến con. Nhiều phụ huynh không nhận xét, thậm chí không ký vào phần giáo viên nhận xét về con mình được gửi về gia đình”.

Nhận xét của cô Minh cũng là ý kiến chung của một số giáo viên khác tại Hà Nội.

Tuy nhiên, trao đổi lại về điều này, ông Phạm Xuân Tiến cho biết Sở GD-ĐT Hà Nội đã đi kiểm tra tại 20 trường tiểu học. Ở mỗi trường, đoàn kiểm tra thu khoảng 20-30 cuốn vở/môn học để xem.

“Nhìn nội dung vở của học sinh, cả phần các em làm bài và phần giáo viên nhận xét, chúng tôi thấy không có chuyện “buông lỏng” chất lượng. Nếu trước kia giáo viên chỉ chấm điểm thì nay ghi thêm: “Nhận xét, chữa bài, đề nghị học sinh tự sửa bài làm sai vào vở”, như vậy tốt hơn chứ không thể khiến học sinh kém đi” - ông Tiến cho biết.

Rõ ràng, sự khác biệt về nhìn nhận việc thực hiện thông tư 30 ở trên cho thấy kết quả như thế nào lệ thuộc vào điều hành của mỗi trường, tâm huyết của thầy cô giáo.

Nhưng nếu như đối với giáo viên cần có sự kiểm soát, chế tài cho việc vi phạm thì với các nhà quản lý cần bình tĩnh, thấu đáo và có cái nhìn bao quát, nhiều chiều hơn để từng bước điều chỉnh các quy định, cởi bỏ những vướng mắc. Nếu không như vậy, thông tư 30 khó có thể đi vào đời sống giáo dục một cách thực chất.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên