Bài viết có tên Lơ mơ, trái tính như nghệ sĩ, được đăng trên trang cá nhân của Tùng Dương hôm 29-3.
Trong đó, Tùng Dương đã viết:
"Ca từ trong bài “A Song For you" của Leon Russell vang lên rất đúng để vẽ nên cuộc đời biểu diễn của nghệ sĩ . Xin phép được thay “ Now We are alone “ thành “ Now I’m staying home" cho hợp cảnh
I've been so many places in my life and time
I've sung a lot of songs and I've made some bad rhymes
I acted out my life in stages
With ten thousand people watching
Now I’M STAYING HOME and I am singing my song for you “
Người nghệ sĩ đẹp lung linh nhất chắc chắn là lúc trình diễn trên sân khấu. Đó là những khoảnh khắc đặc biệt khi được ghi lại qua ống kính của các nhiếp ảnh gia và đã trở thành GREATEST MOMENTS IN HISTORY (tạm dịch: khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong lịch sử) của người nghệ sĩ đó .
Những trạng thái thăng hoa tột cùng, những biểu hiện vẫy vùng của thanh âm - âm thanh của lời ca phát ra hay những chuyển động như trợn mắt, cau mày, nhắm mắt, tay vung, quỳ gối... đều trở nên đáng yêu và đẹp nhất.
Khi những biểu hiện với nguồn năng lượng nghệ thuật ngút ngàn mà người nghệ sĩ ấy muốn dẫn dụ, muốn lan tỏa tới mọi người. Với họ - trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Các nghệ sĩ coi âm nhạc là một cách để thể hiện chính mình, kết nối với môi người và tìm thấy sự đồng cảm trong sự nhạy cảm nhất. Họ cũng có xu hướng đồng tình rằng hoạt động nghệ thuật là một phương thức quan trọng để kết nối nội tâm và thế giới bên ngoài! Họ - nghệ sĩ phải là những tâm hồn nhạy cảm chứ không thể như người bình thường được, nếu chưa nói đến dị thường ...
Với nghệ sĩ , tính sáng tạo của từng cá nhân bao gồm nhiều tầng lớp về chiều sâu, sự phức tạp và mâu thuẫn nội tâm. Nói như Pearl S.Buck: “Bộ óc sáng tạo thật sự trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng không nằm ngoài điều này: Một hình thái con người được sinh ra theo cách khác thường và nhạy cảm.Mà với riêng bản thể nghệ sĩ thì nó mạnh và khó cân bằng hơn rất nhiều". Chính vì thế, những trái tính, nghịch lý về họ khi và chỉ khi tiếp xúc lâu dài người bình thường xung quanh mới nhận ra.
Họ - có thể chạm tới đỉnh cao vinh quang, nhưng cũng có thể tự mình giết chết hào quang đó bằng những trái tính của mình. Đó có thể là sự kiêu ngạo, kiêu hãnh đến mờ mắt, có thể là sự cực đoan tới bảo thủ - sợi dây trói buộc sự tiến bộ, sự tự giới hạn mình đứng lại mà không chịu vận động, phát triển, không chịu lắng nghe và nghĩ mình luôn là “đỉnh cao duy nhất" hay nói một cách nôm na là “ngủ quên trên chiến thắng" hoặc trượt dài trong những vũng lầy bằng sự bản năng đen tối nhen lên trong chính mình...
Với những suy nghĩ chuyên môn hoặc triết lí, tuyên ngôn nghệ thuật của mình thì họ có thể sắp xếp theo cách logic nhất, nhưng cuộc sống đời thường ngoài nghệ thuật để hoạch định thì có lẽ nếu để tự họ đối mặt thì nó sẽ xáo trộn một cách đầy bản năng hoặc sự sắp đặt thể hiện một cách lơ ngơ như một đứa trẻ không chịu lớn.
Đó luôn là sự bấp bênh khác thường, đối nghịch và có thể bất thường ở người nghệ sĩ. Từ trạng thái hân hoan nhất tới trống rỗng tột cùng nếu ta không tự cân bằng mọi mặt. Từ những ảo ảnh nghệ thuật tới hiện thực .
Tôi cũng là một người nghệ sĩ , đã trải qua những thăng trầm. Nhưng tới giờ phút này tôi thấy mình thăng nhiều hơn ... Tôi cũng có những hình mẫu nghệ sĩ khác cho riêng mình để học hỏi và chợt nhận ra rằng, những người mình ngưỡng mộ toàn mẫu nghệ sĩ cực đoan , hoặc cuộc sống riêng tư của họ có quá nhiều tiêu cực .
Nhưng tôi tự chắt lọc cho mình, đến một ngưỡng nào đó, tôi rất sợ sự bản năng của mình không đủ tỉnh táo để lấn át giữa phần “con" và phần “người", vô tình thu nạp những tiêu cực từ những người tôi đã trót ngưỡng mộ - luôn là những ám ảnh với chính tôi. Với bạn bè đồng nghiệp cũng vậy - Tôi luôn có sự thường trực ấy. Dù họ tài năng đến đâu , nhưng sẵn mang trong mình nguồn năng lượng u mê thì không thể để bị ảnh hưởng tới mình nên tôi phải nhắc mình luôn tỉnh táo. Ta suy nghĩ thế nào, sống ra sao... chắc chắn ta sẽ khắc họa nó, mang tinh thần đó vào âm nhạc một cách chân thực nhất mà không dối trá, không ngụy biện . Đó là cách để mình tránh những “tuyên ngôn , giao giảng một đằng rồi làm hay hành động một nẻo".
Hồi mới vào nghề Tôi thường thích và có thói quen nhìn cuộc sống với lăng kính của nghệ thuật một cách ẩn ý hơn là trực điện. Với tôi, nghệ thuật ẩn ý bao giờ cũng thú vị, hấp dẫn hơn vì sự khó đoán biết của nó, và đa số các nghệ sĩ khác cũng vậy vì nó phản ánh đúng con người “lơ mơ", thích những “hư ảo“ của họ.
Tuy nhiên giờ đây với tôi nó có thể lại không mạnh bằng cách nhìn trực diện dù nó là luôn là trường phái hay nhất . Với trực diện - khi mà con người ta dám đối diện thẳng với suy ngẫm , chiêm nghiệm , những “nhức nhối", tận cùng khó khăn, những bĩ cực của chính mình .
Mọi người đều trải qua cảm giác cô đơn trong sâu thẳm trái tim mình. Đối mặt với điều này sẽ khiến bạn trở nên trưởng thành hơn. Theo ông Trần Tiến thì "con người chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn" - một nỗi cô đơn trần trụi. Tuy nhiên, cái vóc ấy phải được nhân lên khi con người càng lớn trong bão táp, phong ba.
Và với Nghệ sĩ, TRÍ TUỆ để làm những điều đúng đắn mất , không có GIỚI HẠN nào cho sự sáng tạo nhưng lại phải tỉnh táo đặt ra những GIỚI HẠN cho chính mình để giữ được phẩm giá Nghệ sĩ .
Phần thăng trầm của người nghệ sĩ sẽ giúp bạn tích lũy kỹ năng, để làm những điều đúng đắn và đi đúng hướng nhất. Mỗi khoảng lặng luôn được xem là quý giá nhất với mỗi người nghệ sĩ để kịp nhìn nhận lại mình, kịp nhìn rõ mình trước khi thoát khỏi vòng vây của sự ảo tưởng .
Xin phép được tag những người bạn thân (không hẳn là đồng nghiệp), những người dõi theo tôi, có năm tháng với tôi - có thể trong số họ đã từng khó chịu và cũng thường hay cảm thông với sự lơ mơ, lơ đễnh, bất thường của người nghệ sĩ. Những người mà tự trong sâu thẳm họ cảm nhận về tôi với tâm thiện , sự chân thành nhất của chính mình .
Love ️
Tùng Dương".
Dù cập nhật trang cá nhân khá thường xuyên nhưng hiếm khi ca sĩ Tùng Dương viết dài đến thế. Anh đùa rằng vì đang "thất nghiệp" nên mới rảnh rỗi chia sẻ nỗi lòng. Nhưng thực tế trạng thái này mang một ẩn ý lớn và lời khẳng định rõ ràng: Ngay cả những người trái tính, trái nết, "lơ mơ" như nghệ sĩ mà còn ý thức rất rõ ràng việc phải "ở yên một chỗ" để tránh lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Dẹp bỏ "cái tôi" nghệ sĩ, một người vì mọi người!
Đây cũng là thời gian thử thách mà mỗi người phải vượt qua, là thời gian nhìn lại chính mình và hoạch định cho tương lai.
Bài viết này tiếp nối hàng loạt trạng thái trước đó của Tùng Dương nhằm kêu gọi mọi người chung tay chống dịch COVID-19.
Không chỉ "truyền thông" chống dịch, trước đó, quỹ "Chung tay đẩy lùi COVID-19" của ca sĩ Tùng Dương và Phạm Thùy Dung cũng đã nhận được hơn 1 tỉ 84 triệu đồng bao gồm cả tiền mặt và hiện vật (khẩu trang, găng tay, nước rửa tay, trang phục bảo hộ).
Chiều 16-3, nhóm của Tùng Dương đã thăm và tặng quà cho bộ đội biên phòng ở Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, Tùng Dương, Phạm Thuỳ Dung và nhạc sĩ Quốc Trung đến Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng (4 Đinh Công Tráng). Tại đây, nhóm trao tặng 1.000 trang phục bảo hộ và 2.000 khẩu trang.
Ca sĩ Tóc Tiên - đại diện cho nhóm của Tùng Dương tại miền Nam - đến Cơ quan thường trực Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng khu vực phía Nam tại TP.HCM. Tại đây, Tóc Tiên trao 2.000 trang phục bảo hộ, 500 chai nước sát khuẩn, 1.000 khẩu trang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận