Các bức phù điêu đang bị “giam” trong một khe hẹp và tối, chất đầy dây cáp, cục điều hòa - Ảnh: HÀ NGUYỄN
TS vật lý Phạm Long - nhà nghiên cứu mỹ thuật độc lập - cho hay đây là những bức phù điêu được các giáo sư và sinh viên khóa 1 và khóa 2 của Trường cao đẳng , trong đó có Vũ Cao Đàm, sáng tác nhằm trang trí cung Đông Dương tại Đấu xảo thuộc địa quốc tế năm 1931, Paris, Pháp.
Đó là 3 bức phù điêu rất đẹp về mặt tạo hình mà còn có giá trị lịch sử về thời gian vì nó được làm từ thời Mỹ thuật Đông Dương.
Ông Vi Kiến Thành (cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm)
Công chúa nơi cung cấm?
Theo TS Phạm Long, trong kho tàng di sản nghệ thuật điêu khắc hiện đại của VN rất hiếm những tác phẩm sáng tác trong giai đoạn hình thành và phát triển của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, bởi số lượng các nhà điêu khắc được đào tạo trong giai đoạn này rất ít.
Đã vậy, sau đó nhiều người lại chuyển hướng sang hoạt động hội họa như trường hợp Vũ Cao Đàm, Nguyễn Thị Kim. Vì thế, việc "phát hiện" những bức phù điêu do giáo sư, sinh viên thời Mỹ thuật Đông Dương sáng tác là rất quý và ý nghĩa.
Thế nhưng, những bức phù điêu quý này từ mấy chục năm nay đã bị "giam cầm", khiến không ai còn được chiêm ngưỡng, ngay cả những giáo viên, sinh viên của ngôi trường đang sở hữu chúng.
Đoạn phố chạy dọc theo hông Trường ĐH Mỹ thuật VN, nơi có bức tường gắn hai bức phù điêu, cũng là phố bên hông của trụ sở Bộ Công an - từ khoảng năm 1960 bị rào chắn lại. Chỉ những ai đi qua đoạn đường này trước những năm 1960, khi phố chưa bị đóng lại thì mới có cơ hội trông thấy rõ tác phẩm.
Theo quan sát của phóng viên Tuổi Trẻ, chạy dọc theo bức tường có các phù điêu là một tòa nhà một tầng mới xây, được sử dụng làm văn phòng làm việc của Bộ Công an, khoảng cách giữa bức phù điêu và tòa nhà chỉ còn một khe nhỏ chừng 40-60cm và lối vào từ hai đầu đều bị bịt kín bằng tường và hai cây cột điện.
Có lẽ chỉ những cán bộ đang làm việc tại trụ sở Bộ Công an hoặc ai đó trèo lên trần ngôi nhà này mới có thể chiêm ngưỡng được những bức phù điêu quý một cách... vất vả.
PGS.TS Lê Văn Sửu, hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật VN, cho biết ông không rõ những bức phù điêu này được sáng tác chính xác vào năm nào nhưng ông biết rằng chúng có từ thời Mỹ thuật Đông Dương.
Cách đây khoảng 3-4 năm, khi Bộ Công an phá những ngôi nhà tạm cũ cạnh bức tường có phù điêu để xây mới một dãy nhà 1 tầng như hiện nay, ông Sửu đã có cơ hội ngắm những bức phù điêu này. Ông cho biết đã rất bất ngờ bởi hai bức phù điêu còn rất mới, "cực tốt và đẹp lắm, màu patin trên bề mặt phù điêu còn đều tăm tắp từ 4 góc vào bên trong".
Đánh giá về giá trị của các bức phù điêu, ông Sửu nói chúng có giá trị lịch sử bởi chúng mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc còn lại của Mỹ thuật Đông Dương. Còn để đánh giá về giá trị nghệ thuật, vai trò của những bức phù điêu này trong nền điêu khắc Việt Nam thì cần một nghiên cứu cẩn trọng.
Ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - cũng cho biết cách đây khoảng 6-7 năm, ông cùng ông Lê Anh Vân lúc đó đang làm hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật VN, đã xin phép Bộ Công an trực tiếp trèo lên mái nhà cấp 4 của bộ này để tiếp cận các bức phù điêu - theo ông là ba bức phù điêu lớn chứ không phải hai như một số người nói.
Băn khoăn ứng xử với nghệ thuật
Đánh giá đây là những di sản quý của nền mỹ thuật VN hiện đại thời trứng nước 1930-1945, ông Phạm Long kêu gọi các cơ quan hữu quan có trách nhiệm hãy "khẩn trương có những hành động thiết thực để bảo vệ hai bức phù điêu này, tạo điều kiện cho mọi người dân được thực thi quyền được tiếp cận các di sản quý báu!".
Ông Long đề xuất một số giải pháp. Đầu tiên, nếu có thể bảo tồn nguyên trạng các bức phù điêu này tại chỗ bằng cách mở thông đoạn đường hiện đã bị xóa sổ (phá bỏ dãy nhà một tầng của Bộ Công an) để công chúng được chiêm ngưỡng là tốt nhất.
Nhưng nếu không được thì ông Long đề xuất Bộ Công an cho phép Trường ĐH Mỹ thuật VN vào đổ khuôn để làm một phiên bản khác ở bên trường, phục vụ học tập, nghiên cứu. Ông cũng đề nghị Bộ VH-TT&DL nên lập hội đồng đánh giá giá trị của các phù điêu này, cân nhắc có thể xếp hạng di tích để bảo vệ theo Luật di sản văn hóa.
Đồng quan điểm về giải pháp, hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật VN còn tiết lộ sau cuộc "thăm viếng" bức phù điêu 3-4 năm trước, ông Sửu đã làm công văn gửi sang văn phòng Bộ Công an, xin phép cho nhà trường được sang để đổ khuôn lại (không thể bóc ra được vì được gắn vào tường), nhưng chưa nhận được công văn trả lời.
Liên quan câu chuyện này, ông Trần Khánh Chương - chủ tịch Hội Mỹ thuật VN - nói giải pháp tốt nhất hiện nay là nên thông lại con đường như trước đây vốn có. Như vậy Hà Nội sẽ có thêm một tác phẩm mỹ thuật đường phố quý.
Nếu không thể mở lại con đường thì cần phải loại bỏ những công trình kiến trúc trên con đường ấy để người dân có thể được ngắm bức phù điêu khi đứng ở phố Yết Kiêu.
Các bức phù điêu hiện đang bị tòa nhà một tầng của Bộ Công an (trái) che khuất - Ảnh: T.ĐIỂU
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay hơn 15 năm trước, chánh văn phòng Bộ VH-TT lúc bấy giờ là ông Tô Văn Động đã ký văn bản gửi sang Bộ Công an đề nghị tìm hướng bảo vệ và phát huy giá trị của các bức phù điêu nhưng không có câu trả lời.
Liên hệ với ông Tô Văn Động (hiện là giám đốc Sở VH-TT Hà Nội), ông Động xác nhận sự việc trên. Theo ông, việc lên tiếng để "giải cứu" các bức phù điêu là cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận