Bến xe, bến phà ken đặc người. Kẹt xe kéo dài tại cửa ngõ ra vào TP và trên các tuyến cao tốc về khu vực miền Đông, miền Trung...
Ùn tắc nhiều nơi, nhiều giải pháp
Nhiều giải pháp chống kẹt xe khi người dân về quê ăn Tết
Tại cửa ngõ phía đông TP.HCM, nhiều người cùng chọn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để về quê khiến tuyến đường này quá tải.
Sáng 3-2, một vụ va chạm giữa các ô tô khiến cao tốc bị ùn tắc kéo dài hướng từ TP.HCM đi Dầu Giây. Để điều tiết giao thông, cơ quan chức năng đã linh hoạt đóng mở lối vào đường dẫn để giảm tải bớt xe cộ dồn lên đây.
Tuy nhiên, việc này cũng khiến giao thông tại nút giao An Phú (TP Thủ Đức) và các tuyến đường lân cận xảy ra ùn tắc từ sáng tới trưa.
Vì cao tốc gặp sự cố nên nhiều người dồn qua phà Cát Lái để đi về hướng Đồng Nai rồi ra các tỉnh miền Trung dẫn tới phà cũng "đứng hình". Nhiều tài xế đợi từ sáng đến trưa không qua được phà phải ăn bánh mì dằn bụng.
Nhân viên phà Cát Lái phải chia thành nhiều nhóm xuống tận nơi để bán vé cho người dân nhằm kéo giãn tình trạng ùn tắc. Đại diện Xí nghiệp Quản lý phà Cát Lái cho hay đã huy động tối đa 6/6 phà lớn để chạy đưa đón khách.
Tương tự, các tuyến đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất cũng quá tải. Đường Cộng Hòa, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Trần Thái Tông, Trần Quốc Hoàn, Trường Sơn, Hồng Hà... lúc nào cũng ken đặc xe. Nắng nóng, kẹt xe, còi kêu inh ỏi khiến người dân mệt lả.
Người dân miền Tây về quê ăn Tết đông dần, cảnh sát phân luồng chống kẹt xe
Ngoài tăng cường lực lượng điều tiết, đại diện Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM khuyến cáo người dân từ các tỉnh thành không nên đi nhiều xe vào đón người thân tại khu vực sân bay, nhất là thời gian cao điểm sáng và chiều, để hạn chế tình trạng ùn ứ.
Còn tại cửa ngõ phía tây TP.HCM vào chiều tối 3-2 cũng đông nghịt xe cộ. Trên quốc lộ 1 đoạn từ vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) hướng về cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh), dòng xe máy và ô tô nối đuôi nhau di chuyển chậm, có thời điểm các phương tiện dồn ứ.
Đi cao tốc về miền Trung cần lưu ý gì?
Cũng trong ngày 3-2, đầu ra hướng về các tỉnh miền Trung của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) kẹt xe kéo dài. Các tài xế phải "chôn chân" nhiều giờ tại đây mới ra được quốc lộ 1, trong khi hướng ngược lại để vào cao tốc thông thoáng.
Theo một CSGT Công an tỉnh Bình Thuận, từ sáng sớm dòng xe di chuyển trên cao tốc hướng Dầu Giây ra rất lớn, khi chạy hết cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tài xế bắt buộc phải nhập làn vào đường dẫn để ra quốc lộ 1 nên "thắt cổ chai" ở đây.
Xe trước chạy chậm, kéo theo xe phía sau cũng chậm dần rồi ùn ứ kéo dài. Chạy ra hết đường dẫn khoảng 2km, tài xế sẽ gặp chốt đèn xanh đèn đỏ với quốc lộ 1 nên tiếp tục dừng.
Một cán bộ thuộc đơn vị quản lý khai thác tạm cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết phải bố trí người phối hợp với các đơn vị thuộc Cục CSGT, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận để điều tiết. "Chúng tôi nâng từ 20 lên thành 50 giây đèn xanh cho xe hướng từ cao tốc ra quốc lộ 1 để nhanh thoát hơn", cán bộ này cho hay.
Cũng theo cán bộ này, đơn vị đã phối hợp phân luồng, giảm xe di chuyển vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết bằng cách hướng dẫn tài xế đi ra quốc lộ 1 tại các nút giao Ba Bàu, Đại Ninh, Chợ Lầu. Khi xe di chuyển dần ổn định trở lại, đơn vị điều tiết xe chạy tiếp tục trên cao tốc. Đơn vị khai thác vận hành cao tốc sẽ bố trí lực lượng trực 24/24, khi xe ùn ứ là tiếp tục phân luồng như trên.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chỉ có hai làn xe chạy với tốc độ tối đa 80km/h, không có làn dừng khẩn cấp. Khi chạy hướng từ TP.HCM ra cách nút giao cuối cùng khoảng 20km là qua các đoạn đồi dốc nên xe di chuyển chậm hơn, nhất là xe tải lớn.
Nút giao này là điểm cuối cùng để dòng xe di chuyển sau hơn 200km trên cao tốc từ TP.HCM ra để nhập lại quốc lộ 1 nên sinh ra việc "thắt cổ chai". Vì vậy, tài xế lái xe trên các đoạn cao tốc mới từ TP.HCM ra đến nút giao Ba Bàu (nút giao liên thông giữa cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết) có thể rẽ ra quốc lộ 1 thông thoáng hơn.
Ngoài ra, khu vực này còn có đường ven biển có thêm lộ trình để né kẹt xe. Trường hợp lỡ đi trên cao tốc này thì chú ý có nhiều lối ra quốc lộ 1 như nút giao Đại Ninh, nút giao Chợ Lầu.
Theo ông Đoàn Văn Tấn - giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông thông minh (Sở Giao thông vận tải TP.HCM), kinh nghiệm nhiều năm cho thấy lượng xe tăng đột biến và ùn tắc sẽ rơi vào khoảng 26 - 27 tháng chạp.
"Về phía cửa ngõ, chúng tôi theo dõi camera, phát hiện kịp thời, phối hợp với các tổ phản ứng nhanh xử lý khi có sự cố, ùn ứ. Trung tâm tăng cường nhân sự trực, đặc biệt là giai đoạn trước Tết và khi người dân quay lại TP làm việc. Các thông tin trung tâm phát hiện được đưa kịp thời đến kênh VOH. Từ đó cập nhật thường xuyên, đảm bảo để các bác tài nắm tình hình và chọn lộ trình, thời gian đi phù hợp" - ông Tấn chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận