07/11/2015 18:46 GMT+7

Kẹt xe cửa ngõ đông SG: đang vạt các tiểu đảo "vô duyên"

VÕ HƯƠNG - M.C
VÕ HƯƠNG - M.C

TTO -  "Một hình ảnh rất vô lý, thậm chí vô duyên ở nút giao thông An Phú là trong khi các tuyến đường ra vô nút giao này là cao tốc, đại lộ thì đoạn đường Lương Định Của chạy qua nút giao nhỏ xíu do các tiểu đảo chồm ra chặn xe mọi hướng" .

Biển người cùng hàng ngàn xe cộ tê liệt tại ngã tư Thủ Đức - Ảnh: Mậu Trường

Nút giao thông An Phú và ngã tư Thủ Đức, hai cửa ngõ đông Sài Gòn: một ra các tỉnh miền Đông và một ra vô cảng biển Cát Lái là nỗi khiếp đảm cho hàng ngàn người dân vì vấn nạn kẹt xe.

Nút giao thông An Phú: trước mắt vạt các tiểu đảo, lâu dài làm cầu vượt, hầm chui

"Một thực trạng hết sức vô lý, thậm chí vô duyên ở nút giao thông An Phú mà ai cũng thấy là trong khi các tuyến đường ra vô nút giao này là cao tốc, đại lộ rộng thênh thang thì đoạn đường khu vực nút giao nhỏ xíu do các tiểu đảo phân cách chồm ra chặn xe ở mọi hướng" - một bạn đọc nhà gần khu vực này cho biết.

Bạn đọc này yêu cầu: "Chuyên dễ dàng là ngay lập tức vạt nhỏ các tiểu đảo khu vực này, vạt mạnh các góc vỉa hè, tiểu đảo để nhanh chóng giải phóng xe cộ quẹo phải nhưng chết cúng cùng luồng xe đi thẳng".

Giải pháp này xem ra dễ thực hiện và xài ngay khi hiện nay, hàng loạt các tiểu đảo khu vực này đang được vạt, chỉnh sửa khá mạnh.

Khu tiểu đảo ở nút giao An Phú đang được vạt sáng 6-11 để mở rộng đường Lương Định Của - Ảnh: M.C
Khu tiểu đảo giao lộ Mai Chí Thọ - cao tốc đang được vạt rộng thêm 1,5-2m - Ảnh chụp sáng 7-11 - Ảnh: M.C 

 

Có bạn đọc khó hiểu tại sao đoạn đường từ đại lộ Mai Chí Thọ quẹo phải về Cát Lái chỉ rộng chừng chục mét trong khi tiểu đảo ngăn cách rộng mệnh mông gần ngàn mét vuông? - Ảnh: M.C

Về lâu dài, chuyện kẹt xe ở nút giao thông An Phú (điểm đầu từ trung tâm TP vào đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) là do thiết kế nút giao thông bằng mức (giao thông trên mặt bằng đường, không có cầu vượt, hầm chui) nên không đáp ứng lượng xe qua nút giao này. 

Đường Mai Chí Thọ là trục đường cho xe tải, xe container được lưu thông 24/24 giờ ra vào các cảng biển Tân Cảng Cát Lái, nơi đây kẹt xe nhiều ở hướng từ đường cao tốc ra đường Mai Chí Thọ quẹo trái về đường hầm sông Sài Gòn, hướng đi thẳng qua đường Lương Định Của và hướng từ đường Mai Chí Thọ quẹo trái vào đường cao tốc TP HCM Long thành - Dầu Giây. 

Các bạn đọc cũng cho rằng cầu vượt tại xa lộ Hà Nội hướng về Cát Lát kẹt khủng khiếp nhất địa bàn quận 2 do lỗi thiết kế. Xe container về Tân Cảng lên cầu bị lật nhiều vụ nên quy định tốc độ lên cầu chỉ 30km/h, dẫn đến kẹt xe ngày càng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, do việc xung đột với dòng xe gắn máy ở chân cầu nên không ngày nào không kẹt xe ở đây.

Hầu hết ý kiến bạn đọc cho rằng để giải quyết thực trạng này cần thiết phải xây dựng ngay cầu vượt, hầm chui nút giao thông An Phú.

Đặc biệt với nút giao An Phú có thể xây một vòng xoay lớn tại đây và ngã tư An Phú nên đổi thành ngã năm An Phú, vì cần thiết phải mở thêm một nhánh cho xe từ hướng Lương Định Của đi vào Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Thị Định.

Với thiết kế nhập chung vào đường cao tốc như hiện nay vừa rối loạn giao thông, vừa bất tiện cho người dân. Kết hợp với tổ chức đèn giao thông lần lượt cho từng hướng là đã giải quyết được vấn đề.

Không chỉ kẹt xe, dòng xe tải, xe container qua lại tấp nập nút giao An Phú suốt ngày đêm cũng là hiểm họa giao thông kinh sợ với xe máy đi qua nơi đây - Ảnh: M.C.

Ngã tư Lương Định Của - Mai Chí Thọ không chỉ ám ảnh về kẹt xe mà còn rình rập tai nạn đối với xe máy.

Chỉ có một lượt đèn mà 4 dòng xe cùng đổ về hướng cao tốc rất nguy hiểm. Một là dòng xe container từ Mai Chí Thọ rẽ trái vào cao tốc; hai là dòng ôtô từ Mai Chí Thọ rẽ phải về cao tốc; ba là dòng xe từ Lương Định Của đi thẳng về cao tốc và dòng xe máy từ Mai Chí Thọ rẽ trái về cao tốc.

Thiết nghĩ nên chia thêm hai lượt đèn nữa là cho dòng xe 1 và 2 đi trước, sau đó là lượt đèn dòng xe 3 và 4 đi sau, như vậy sẽ an toàn cho xe máy hơn.

Cư dân quận 2

Hằng ngày tôi đi làm qua nút giao thông Mai Chí Thọ - Lương Định Của. Tôi thấy việc điều tiết giao thông bất hợp lý như sau: khi chạy về hướng hầm Thủ Thiêm, mặc dù đèn xanh đã bật tuy nhiên chiều lưu thông từ đường dẫn cao tốc về Lương Định Của vẫn còn lượng lớn xe không qua hết. 

Đến khi qua hết thì chiều xe hướng về hầm Thủ Thiêm đã chuyển sang màu đỏ. Như vậy, việc bố trí tín hiệu đèn giao thông cũng như việc điều tiết là bất hợp lý. 

Theo tôi, điều tiết lại tín hiệu làm sao để xe từ hướng cao tốc lưu thông qua hết ngã tư về Lương Định Của. Sau đó, chuyển tín hiệu đèn xanh để xe lưu thông về hầm Thủ Thiêm không bị kẹt.

Lê Việt Hưng

Ngã tư Thủ Đức - giao thông càng thêm hỗn loạn khi đèn tín hiệu tắt - Ảnh: Mậu Trường

Ngã tư Thủ Đức xử lý ra sao?

Khu vực ngã tư Thủ Đức, xe gắn máy từ đường Võ Văn Ngân - Lê Văn Việt và ngược lại người dân không hài lòng vì có cầu vượt rồi mà ùn ứ xe vẫn diễn ra hằng ngày dưới dạ cầu.

Dòng xe giao cắt giữa các xe rẽ phải từ giao lộ Võ Văn Ngân  - Lê Văn Chí gây ùn xe ảnh hưởng đến xa lộ Hà Nội. Ngoài ra tại khu cầu vượt không có điểm quay đầu xe.

Các bạn đọc đồng ý phương án kéo dài dải phân cách từ tim đường Lê Văn Việt - Quang Trung nhằm điều tiết các xe từ đường Quang Trung theo đường Nguyễn Cư Trinh ra xa lộ Hà Nội. Về lâu dài xây dựng thêm một cầu vượt thép trên xa lộ Hà Nội để tăng khả năng thông xe qua giao lộ.

Có thể xem xét xây dựng hầm chui cho tám làn xe chạy thẳng trên xa lộ Hà Nội và xây dựng cầu vượt  bên trên hầm chui cho hướng xe chạy từ đường Lê Văn Việt - Võ Văn Ngân.

Các bạn đọc còn cho rằng TP.HCM nên xây đường trên cao ở những khu vực có nhiều xe tải đi qua.

"Thiết nghĩ những con đường có lưu lượng xe tải quá cao và lưu thông 24/24 giờ thì xây cầu vượt là một giải pháp cũng chẳng khả thi là bao. Ở nước ngoài, để giải quyết những trường hợp như thế, họ đầu tư và xây hẳn cả con đường trên cao song song với trục đường toàn xe lớn đó.

Một phần là giảm ách tắt giao thông, phần khác để tách xe tải, container với ôtô, xe du lịch... ra riêng với nhau, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Nếu như chỉ có thể xây cầu vượt thì chắc chắn là xây trên trục đường nhiều xe máy, nhưng cũng không thể xây một đoạn cầu vượt ngắn để qua các giao lộ có xe lớn, vì như thế chẳng giải quyết được "mấy kilômet nỗi sợ kẹt xe". Vì xe tải thường có độ cao nhất định nên cầu vượt cũng phải có độ dài và độ cao thích hợp và tương xứng" - bạn đọc Tu Le nói.

Bạn đọc Duy Đào góp ý rằng nên phân luồng ngã tư Thủ Đức như sau:

Về phía quận Thủ Đức: Do khu vực dưới dạ cầu vượt Thủ Đức theo hướng đường Võ Văn Ngân - Lê Văn Việt khá rộng nên cần cho phép xe trộn dòng. Chuyển đến làn đường phù hợp cho việc đi thẳng, rẽ phải, rẽ trái ở gần giao lộ, lắp đặt đèn điều khiển theo hướng lưu thông: đèn nên lắp đặt dưới bụng cầu vượt để xe dừng ở gần giao lộ thấy dễ hơn, đèn xanh cho hướng xe đi thẳng thì cần có đèn đỏ cho luồng xe cần rẽ trái tại giao lộ, xe được rẽ trái thì xe đi thẳng phải dừng. Việc này đã áp dụng tốt tại ngã tư MK và Bình Thái.

Về điểm kẹt do luồng xe Lê Văn Chí giao cắt với xe từ Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt di chuyển tới thì đúng là hiện tại nên đóng dải phân cách tại hai điểm nhằm ngăn luồng xe từ Lê Văn Chí xung đột với xe từ xa lộ Hà Nội quẹo phải vào Lê Văn Chí (hướng từ nhà máy Coca-Cola về) và ngăn luồng xe đường Lê Văn Chí cắt dòng xe từ hướng Lê Văn Việt di chuyển đến đường Võ Văn Ngân.

Lộ trình điều hướng xe từ Lê Văn Chí sang Lê Văn Việt như sau: Lê Văn Chí - quẹo phải theo Võ Văn Ngân - đi thêm 240m đến giao lộ với đường Hữu Nghị - rẽ trái vào Hữu Nghị - Nguyễn Khuyến - Thống Nhất - Võ Văn Ngân. Đây là lộ trình hơi dài cho nhiều phương tiện nhưng là phương án tốt để giảm luồng xung đột giao thông gần ngã tư Thủ Đức.

Về phía quận 9: có thể kéo dài dải phân cách ngăn dòng xe rẽ trái từ Lê Văn Việt vào Quang Trung, Lê Lợi vì hai điểm giao cắt này quá gần, ảnh hưởng luồng xe từ Võ Văn Ngân và XLHN đổ vào Lê Văn Việt.

Bên cạnh đó, cần đặt thêm đèn tín hiệu tại ngã ba đường số 68 và Lê Văn Việt nhằm điều hướng luồng xe rẽ trái từ Lê Văn Việt vào khu dân cư quanh trục đường Quang Trung, siêu thị Coop và điều hướng xe đi thẳng đến đường đình Phong Phú. Cuối đường số 68 có một số nhà còn lấn ra lộ giới chung của đường số 68 nên cần nghiên cứu cách để mở theo lộ giới chung.

Ngoài ra, các bạn đọc cũng đưa ra giải pháp cần hạn chế việc các xe chạy cắt mặt nhau bằng cách thay đổi quy định lưu thông ở đây. Đó là đèn xanh chỉ cho phép các xe chạy về cùng một hướng mà thôi. Ví dụ, đèn xanh cho chạy về hướng Võ Văn Ngân thì các xe trên Lê Văn Việt, trên xa lộ Hà Nội (cả hai hướng) đều có thể chạy về cùng hướng này; như vậy sẽ không có xe nào cắt mặt xe nào hết.

Cách này sẽ làm tăng thời gian chờ ở các hướng khác lên một chút, nhưng tôi nghĩ sẽ giảm phần nào tình trạng kẹt xe hiện nay. Thà chậm một chút còn hơn là dừng chân luôn một chỗ.

Xe cộ kẹt cứng từ cầu vượt ngã tư Thủ Đức kéo dài trên đường Lê Văn Việt - Ảnh: Hoàng Thông
Biển người tại khu vực kẹt xe - Ảnh: Hoàng Thông
VÕ HƯƠNG - M.C
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên