04/06/2019 11:57 GMT+7

Kẹt xe cầu Kênh Tẻ: quá mệt rồi, giờ làm sao?

TUỔI TRẺ
TUỔI TRẺ

TTO - Giải pháp nào giảm nạn kẹt xe qua cầu Kênh Tẻ (TP.HCM)? Tuổi Trẻ Online lược ghi từ hơn 200 ý kiến bạn đọc phản hồi trên tuoitre.vn về nạn kẹt xe qua cây cầu này.

Kẹt xe cầu Kênh Tẻ: quá mệt rồi, giờ làm sao?  - Ảnh 1.

Kẹt xe trên đường Nguyễn Hữu Thọ dưới chân cầu Kênh Tẻ sáng 3-6 - Ảnh: TỰ TRUNG

* Quá mệt mỏi, khổ sở và phải rất kiềm chế khi ngày nào cũng phải đi qua cây cầu này. Người dân thì mong từng ngày cầu sửa xong. 

(thanhtran.law79@...)

* Tôi phải bán nhà để không phải qua đoạn đường có cây cầu này và chuyển đến nơi không ưng ý để không trễ giờ học của con và giờ làm của người lớn!

(mroquamo@...)

* Tôi thường có việc phía quận 4, ngay chân cầu này. Không có lựa chọn đi hướng khác, tôi né giờ cao điểm nhưng không khỏi bức xúc với nạn kẹt xe nơi đây. Đôi khi nhìn vào bên trong các "lô cốt", không có ai làm việc. Mong sao điểm nghẽn này nhanh chóng biến mất. Dân rất mang ơn! 

(nguyensonn78@...)

* Thật kinh khủng, cả mật độ giao thông lẫn câu chuyện quy hoạch. Tôi đã thấy ở khu Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) họ xây cầu mới ngay dự án The Peak dài khoảng 300m, rộng 25-30m, họ làm khoảng một năm, rất đẹp. 

Hay việc sửa chữa nâng cấp đường trục đại lộ Nguyễn Lương Bằng từ chợ Tân Mỹ đến cầu Ông Đội khoảng 3km, đường rộng 40-50m, họ triển khai nâng cao lên 60-70cm chỉ trong vòng chưa đầy một tháng (làm cuốn chiếu), hầu như không ảnh hưởng mấy đến người qua đây. Tôi thấy họ làm cả ngày cuối tuần và ban đêm (khi lưu lượng xe ít...).

Trong khi đó, công trình mở rộng tại cầu Kênh Tẻ kéo dài lê thê, gây tốn kém và làm đảo lộn mọi sinh hoạt của người dân hàng năm trời. Xin đừng để người dân thất vọng về việc quản lý tiến độ công trình ngay điểm nóng giao thông như vậy.

(chanhnguyen.canfoco@...)

* Tôi ở Phước Kiển (Nhà Bè) từ năm 2011, cũng đủ lâu để cảm nhận tình trạng giao thông qua đây. Một giải pháp tạm thời nếu không thể mở rộng thêm được cầu hoặc xây lại đó là làm con lươn để tách xe máy và ôtô. Dời trạm chờ xe buýt ra xa nút cổ chai này, lắp camera phạt tài xế ôtô lấn đường. 

Đang kẹt xe kiểu thắt cổ chai mà thấy taxi, xe buýt nhảy vào giành đường xe máy, xe máy thì phải leo lề, người đi bộ đi lối nào? Người đi xe máy cũng lấn chiếm làn ôtô, kẹt đủ đường... 

Nếu có biện pháp xử lý những trường hợp này sẽ giảm được 30-50% tình trạng tắc đường tại đây.

(phamloc0787@...)

* Tôi nghĩ cần phân luồng giao thông sang Q.7. Có thể làm đường một chiều. Cầu Kênh Tẻ chiều sang Q.7, còn cầu Muối chiều sang Q.1 chăng? Đi sẽ hơi xa nhưng ít ra còn có luồng lưu thông...

(Nguyen - tranhanguyen@...)

* Đề nghị Sở GTVT xem lại việc bố trí trạm xe buýt đầu Q.7 trước khi lên cầu. Xe buýt ra vào bất tiện, dễ gây tai nạn, vì chỉ cách cầu khoảng 100m. Cần phối hợp xử lý trật tự hai đầu cầu vào giờ cao điểm. Việc mở rộng cầu chỉ là phương án tạm thời, cần khẩn trương xây cầu Nguyễn Khoái (Q.4-Q.7). Không lý gì một TP.HCM năng động mà làm có một cây cầu mãi chưa khởi công được? 

(nhoneib@...)

kenh te

Bên trong công trình mở rộng cầu Kênh Tẻ (ảnh chụp sáng 3-6) - Ảnh: TỰ TRUNG

Ai đang thi công công trình này?

Hãng thầu đang sửa cầu Kênh Tẻ và cả cầu Chữ Y lúc này là một hãng thầu Tây chính hiệu, tên Freyssinet International, một hãng lớn của Pháp chuyên sửa chữa cầu cũ với công nghệ cao, tiên tiến ở nhiều nước trên thế giới.

Cuối những năm 1980, cầu Sài Gòn bị "lão hóa". Hãng Freyssinet được giới thiệu đến, họ đã "cải lão" cho cầu, đưa khả năng chịu tải trọng cầu về lại như ban đầu. Đặc biệt, hãng này cam đoan vẫn bảo đảm xe cộ lưu thông qua cầu bình thường. Người dân ngày ngày qua cầu đều nhớ rõ. Sau vụ "giải cứu" cầu Sài Gòn, hãng này thành một cái tên quen chuyên xử lý những cây cầu "tới tuổi".

Sau cầu Chữ Y, năm 1993 hãng này tiếp tục cứu cầu Tân Thuận lúc đó một mình gánh mọi giao thông từ cảng Sài Gòn và Khu chế xuất Tân Thuận ra, chỉ còn chịu tải được có 13 tấn. Freyssinet đã nâng tải trọng lên 30 tấn. Đến năm 1999-2000 lại sửa và mở rộng cầu Sài Gòn, nâng tải trọng, mở rộng cầu về hai biên ngoài cùng để tăng thêm làn cho xe máy. Đặc biệt, trong hai năm sửa chữa, xe cộ vẫn lưu thông suốt.

Với uy tín đó, lý do gì hãng này mắc bệnh lề mề, chậm lụt ở công trình mở rộng cầu Kênh Tẻ hôm nay? Ngày khởi công công trình (tháng 5-2018) từng được dự kiến sẽ hoàn thành trước tiến độ (khoảng cuối năm 2018) nhưng đến nay vẫn còn chờ. Mỗi lần khổ sở qua cầu này, nhìn công trường thưa vắng nhân công, tôi thấy buồn cho một cái tên ấn tượng trong lòng mấy chục năm qua.

K.NGÂN

Chờ cầu Nguyễn Khoái

Dự án nâng cấp và mở rộng cầu Kênh Tẻ nối Q.7 và Q.4 từ rộng 15,1m lên 16,5m với tổng mức đầu tư 89,8 tỉ đồng được Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP.HCM) thi công từ giữa năm 2018. Hiện dự án này đã được chuyển về Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM thực hiện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về tiến độ, ông Nguyễn Vĩnh Ninh - phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - cho biết dự kiến cuối tháng 7-2019 dự án sẽ hoàn thành. Cầu rộng giúp giảm tình trạng ùn tắc so với trước, còn việc giải quyết dứt điểm "điểm nóng" này còn phải chờ tương lai có thêm cầu Nguyễn Khoái bắc qua Kênh Tẻ.

"Cầu Nguyễn Khoái là dự án nhóm A. Khi dự án này hoàn thành sẽ chia sẻ lưu lượng giao thông cho hàng loạt cây cầu như Kênh Tẻ, Nguyễn Văn Cừ, Tân Thuận... Hiện dự án cầu Nguyễn Khoái đang ở giai đoạn đề xuất chủ trương đầu tư, chưa được duyệt" - ông Ninh nói.

ĐỨC PHÚ

Ám ảnh kẹt xe mỗi khi qua cầu Kênh Tẻ

TTO - Suốt thời gian qua, từ ngày khởi công mở rộng cầu Kênh Tẻ (nối Q.7 và Q.4, TP.HCM), nạn kẹt xe ở đây càng thêm trầm trọng, trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường.

TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên