22/07/2017 09:56 GMT+7

Kết trái nơi vùng đất hoang tàn

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Cơn lũ dữ quét năm ngoái đã xóa sạch phần lớn diện tích đồi sa nhân tím của anh trưởng thôn Chảo Láo Khờ (32 tuổi, thôn Sủng Hoảng 2, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai) và xóa sạch 16 ngôi nhà trong bản.

Anh Chảo Láo Khờ mạnh dạn đầu tư, phát triển cây sa nhân tím. Đây được coi là cây dược liệu quý giúp dân thoát nghèo - Ảnh: Hà Thanh
Anh Chảo Láo Khờ mạnh dạn đầu tư, phát triển cây sa nhân tím. Đây được coi là cây dược liệu quý giúp dân thoát nghèo - Ảnh: Hà Thanh

Nhà mất, tài sản cuốn trôi theo dòng nước lũ, trưởng thôn không chịu khuất phục trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà tiếp tục cùng bà con làm lại từ đầu với giống cây dược liệu quý.

Cây quý trồng ngay cạnh nhà

Khoảng 10 năm trước, nhận thấy cây sa nhân tím cho giá trị kinh tế cao, trưởng thôn Chảo Láo Khờ cùng anh em trong bản vượt đường sang “thăm” người anh em dân tộc Dao mang giống cây dược liệu quý này về trồng thử trên đỉnh đồi thôn Sủng Hoảng 2.

“Sa nhân là cây thuốc quý, có giá trị kinh tế cao. Ngoài thu hoạch quả, mình còn sử dụng lá để tắm, đặc biệt tắm lá này có thể giải cảm trước mắt” - anh Chảo Láo Khờ chia sẻ.

Giá mua cây giống thời điểm đó tương đương 15.000 đồng/cây. Anh mua mấy trăm cây giống, dần dần nhân giống rộng ra phủ xanh 2ha đất đồi, mỗi hecta trồng khoảng 2 triệu cây.

Thời gian đầu trồng, gây giống cây sa nhân tím rất vất vả. Công việc trên nương, trên rẫy dù bận đến đâu thì anh Khờ cũng dành thời gian để chăm sóc, cắt tỉa không cho cỏ mọc xen với sa nhân.

“Sa nhân thích hợp ở những nơi đất ẩm, đất dày thịt, màu mỡ. Chỉ cần chăm sóc giai đoạn mới trồng, cứ thấy rợp cỏ là làm ngay, cỏ cao 20-30 phân là phải cắt. Chăm sóc đến ba năm sau cây bắt đầu cho quả thì khỏe lắm, cứ việc thu quả thôi” - anh Khờ cho hay.

Sau ba năm thu hoạch, giá bán lúc cao điểm khoảng 280.000 đồng/kg quả tươi; giá 1,4-1,5 triệu đồng/kg quả khô. Hễ cứ đến mùa thu hoạch sa nhân vào tháng 7 âm lịch là cả thôn Sủng Hoảng 2 nhộn nhịp hẳn lên.

“Mỗi năm thu đúng một mùa nên thương lái nhiều lắm, cứ tranh nhau thôi” - anh Khờ nói và cho biết mỗi năm đều thu được khoảng 7 tạ quả tươi, tương đương thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

“Ở vùng biên giới này chỉ trồng được sa nhân thôi, người dân mình gọi là cây quý trồng cạnh nhà đó” - anh Khờ hồn nhiên nói và cho biết sau mấy năm trồng cây này, anh đã tậu được căn nhà lớn và nhờ đó đời sống gia đình khấm khá hơn rất nhiều.

Vực dậy sau cơn lũ dữ

“Năm ngoái mình bị thiệt hại nhiều, gần như đồi sa nhân dưới cạnh nhà mất hết, chỉ còn một diện tích nhỏ, ước tính mất khoảng 100 triệu đồng. Xót chứ, nhưng làm được gì, trời làm trời cho, mình không được ăn thì coi như trò chơi thôi” - anh Khờ nhớ lại về trận lũ lịch sử.

Nhưng may thay, ở nơi diện tích sa nhân còn sống sót lại tiếp tục mọc lên, lan nhanh như sức sống bền bỉ của người dân nơi đây. Vừa chăm sóc đồi sa nhân còn sống, đồng thời trưởng thôn Khờ mạnh dạn mua thêm giống sa nhân trồng mới.

“Mình trồng tiếp, chăm thường xuyên khi cây còn nhỏ. Đến mùa ra hoa thì mình đi thăm nom, hoa sa nhân đẹp lắm” - anh vui vẻ cho biết.

Sau cơn lũ dữ, anh Khờ cùng 35 hộ dân được Nhà nước hỗ trợ, tái định cư đến một quả đồi mới cách bản cũ khoảng 10km. Anh Khờ ước tính năm nay lợi nhuận sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng từ quả sa nhân.

Từ khi trưởng thôn Chảo Láo Khờ mang giống sa nhân về trồng thử và đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều người trong thôn, ngoài xã cũng đến học hỏi cách làm của anh và mạnh dạn đầu tư trồng sa nhân.

“Mình làm, bà con cũng hăng hái lắm. Thậm chí nhiều thanh niên trẻ trong bản xung phong, mạnh dạn phấn đấu thoát nghèo từ cây này. Có bạn chỉ cần hướng dẫn là làm còn nhanh hơn mình” - trưởng thôn Khờ vui tươi nói về mô hình sa nhân được nhân rộng tại thôn Sủng Hoảng 2.

Ông Tẩn Láo Tả - chủ tịch UBND xã Phìn Ngan, nhận xét: “Anh Khờ là người giỏi trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Dù còn trẻ nhưng đã làm được nhà cửa rất đẹp. Nhiều hộ dân ở thôn khác cũng đến tham quan mô hình kinh tế của anh. Từ đó anh Khờ được địa phương chọn đi tham dự nhiều hội nghị điển hình thanh niên”.

Về mô hình phát triển cây sa nhân tím ở địa phương, ông Tả cho biết đây là cây mũi nhọn phát triển kinh tế theo quy hoạch được địa phương chú trọng, tuy nhiên không phát triển ồ ạt để đảm bảo đầu ra.

Cứu người trong lũ dữ

Không chỉ mạnh dạn phát triển kinh tế tại địa phương, mới đây Chảo Láo Khờ còn là một trong bốn gương mặt thanh niên tiêu biểu của tỉnh Lào Cai tham dự lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017.

Anh đã dũng cảm cứu người và cứu tài sản của nhân dân, cứu sống kịp thời 16 hộ dân trong cơn lũ dữ rạng sáng 5-8-2016. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã trao tặng cho anh Chảo Láo Khờ bằng khen.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên