06/07/2014 06:15 GMT+7

Kết thúc đợt 1 kỳ thi ĐH 2014: Đề thi dễ

NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH
NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH

TT - Nhiều chuyên gia, thầy cô và chính các thí sinh đã nhận định như vậy về đề thi môn hóa (khối A) và môn tiếng Anh (khối A1) sáng 5-7.

jnFzBpC1.jpgPhóng to
Thí sinh trao đổi bài sau khi thi môn cuối tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng

Kết thúc buổi thi, nhiều thí sinh hài lòng với bài thi vì “đề thi nằm trong chương trình, không quá dài, quá khó”.

Đề hóa dễ hơn năm trước

48 thí sinh bị đình chỉ thi

Theo báo cáo nhanh vào cuối giờ chiều 5-7 của Bộ GD-ĐT, kết thúc đợt thi thứ nhất kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, ở tất cả hội đồng tuyển sinh trên cả nước có tổng cộng 73 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật. Trong đó 22 trường hợp bị khiển trách, 3 trường hợp bị cảnh cáo và 48 trường hợp bị đình chỉ thi (chủ yếu do mang điện thoại di động vào phòng thi). Ngoài ra, có đến 8 thí sinh đến muộn sau 15 phút bóc đề nên không được dự thi.

Trường ĐH Phú Yên có một thí sinh nữ (tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi) bị bệnh ngay trong lúc thi, được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên.

Về phía cán bộ coi thi, trong đợt thi đầu có hai cán bộ của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) bị khiển trách do gạch nhầm tên thí sinh (thí sinh có dự thi mà cán bộ coi thi gạch tên nhầm).

Trong đợt thi thứ nhất, 141 trường ĐH tổ chức thi đã đón hơn 590.000 thí sinh dự thi. Tỉ lệ thí sinh dự thi năm 2014 cao hơn hẳn năm trước, đạt hơn 77% so với số thí sinh đăng ký dự thi.

Theo thầy Nguyễn Hiền Hoàng - giảng viên môn hóa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đề thi môn hóa năm nay dễ hơn năm trước. Các câu lý thuyết dễ trả lời hơn, nội dung đề thi cũng gọn hơn (đề thi năm 2011 quá dài, năm 2012, 2013 đỡ hơn nhưng vẫn còn dài). Đặc biệt, đề thi năm nay có nhiều câu thuộc dạng cơ bản (học sinh có học bài, hiểu bài là làm được) nên những thí sinh trung bình cũng cầm chắc hơn 2 điểm.

Nhìn chung, nội dung đề thi hoàn toàn trong chương trình nhưng cũng có khoảng năm câu thuộc dạng phân loại thí sinh. Do đó, có thể dự đoán phổ điểm năm nay sẽ cao hơn năm trước. Học sinh khá có thể đạt 7, 8 điểm. Học sinh giỏi có thể đạt 9 hoặc 9,5 điểm. Tuy nhiên, điểm 10 sẽ không nhiều vì đề thi có những câu rất khó, thí sinh phải mất rất nhiều thời gian và thật sự xuất sắc mới giải được.

Tương tự, thầy Nguyễn Cửu Phúc - tổ trưởng tổ hóa Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM - cho rằng đề thi môn hóa năm nay vừa sức thí sinh, có 26 câu lý thuyết và 24 câu bài tập. Có một điểm mới gây bất ngờ cho thí sinh là đề thi năm nay có ra dạng toán đồ thị và thí nghiệm mô phỏng hình vẽ. Các câu hỏi này không khó nhưng gây bất ngờ cho cả thí sinh và giáo viên, yêu cầu quá trình dạy và học trong trường phổ thông phải gắn liền với thực nghiệm chứ không chỉ học lý thuyết suông.

“Đề thi năm nay có khoảng 4, 5 câu khó dùng để phân loại thí sinh, yêu cầu thí sinh phải tư duy cao và có phương pháp giải nhanh. Tóm lại, đây là đề thi phù hợp với tính chất một kỳ thi tuyển sinh ĐH” - ông Phúc nói.

Đề tiếng Anh vừa sức

Thầy Đoàn Thế Oai - giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM - nhận định đề thi môn tiếng Anh năm nay vừa sức với thí sinh, nếu không muốn nói là dễ hơn năm trước. Các câu hỏi bám sát chương trình THPT, cấu trúc quen thuộc và khá cơ bản, không câu hỏi nào thuộc dạng đánh đố thí sinh nhưng vẫn có một số câu phân hóa thí sinh mặc dù độ phân hóa không cao.

Đặc biệt, phần bài đọc, điền từ có nội dung rất gần gũi với thí sinh và sát thực tế: nói về những tác hại của game, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của thanh thiếu niên. Đây là đề tài “nóng”, có tác dụng giáo dục đạo đức, lối sống cho thí sinh. Thầy Oai cho rằng học sinh khá nếu học bài kỹ hoàn toàn có thể đạt được 9 điểm, học sinh trung bình cũng có thể đạt 5, 6 điểm. Nhìn chung, đây là đề thi phù hợp với khối A1 - mức độ khó của môn tiếng Anh chắc chắn nhẹ hơn so với khối D.

TP.HCM: thí sinh vỗ tay ăn mừng

Vừa kết thúc giờ thi môn tiếng Anh khối A1 sáng 5-7, nhiều thí sinh tại điểm thi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) rời phòng thi với gương mặt hớn hở. Nhiều nhóm thí sinh tụ tập vỗ tay ăn mừng, hỏi han nhau kết quả làm bài thi. Thí sinh Trần Hạnh Quyên (học sinh Trường Trung học thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận xét đề thi tiếng Anh hơi dài nhưng làm bài vừa đủ thời gian. Nếu thí sinh biết canh thời gian làm bài hợp lý thì có thể hoàn thành tất cả 80 câu hỏi và còn thời gian kiểm dò lại. Năm nay đề tiếng Anh không khó, từ không nhiều, không có phần từ khác nghĩa nên đỡ hơn cho thí sinh.

Hà Nội: hài lòng với bài thi

Tại Hà Nội, buổi thi thứ hai diễn ra khá suôn sẻ, thời tiết về trưa nhiệt độ có tăng nhưng vẫn tương đối dịu mát, thuận lợi cho việc dự thi của thí sinh. Nhiều thí sinh dự thi môn hóa và tiếng Anh hài lòng với bài thi của mình.

Thí sinh Lê Thị Thanh Trà (quê Hải Hậu, Nam Định) dự thi Trường ĐH Thương mại Hà Nội, khi thi xong môn hóa, cho biết: “Em học chuyên khối A nên đối với em đề hóa khá dễ. Em tự tin mình sẽ có kết quả khả quan”. Còn thí sinh Hoàng Thị Yến (huyện Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) dự thi tại hội đồng thi ĐH Hà Nội nói: “So với năm ngoái thì đề thi tiếng Anh năm nay dễ và vừa sức với các thí sinh hơn, em tính mình được khoảng 6,5 điểm”.

Đà Nẵng: không đánh đố thí sinh

Tại điểm thi Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), nhiều thí sinh nhận định đề hóa không khó, nếu nắm chắc kiến thức sẽ làm được trên điểm trung bình. Thí sinh Nguyễn Thế Anh dự thi ngành điện tử viễn thông vào ĐH Bách khoa cho biết: “Đề thi năm nay có phần lý thuyết và tính toán được phân bố hợp lý, câu hỏi rải đều chương trình ba năm. Em làm khoảng trên 70%”. Trong khi đó thí sinh Trần Anh Hùng, dự thi tại điểm Trường THCS Trần Hưng Đạo, cho rằng phần bài tập khó, phải áp dụng nhiều phép tính nhưng không đánh đố thí sinh quá nhiều. “Phần tính toán có những câu khó dành cho học sinh giỏi, em làm được khoảng 35-40 câu” - Hùng nói.

Truy nguồn gốc ảnh thí sinh để tránh thi hộ

Năm 2014 là năm đầu tiên Bộ Công an yêu cầu thí sinh dự thi vào trường công an sẽ phải chụp ảnh tại nơi sơ tuyển là công an quận, huyện. Tuy nhiên, tại một số trường ĐH công an vẫn xuất hiện thí sinh dùng ảnh cũ, chụp từ những năm trước dán vào hồ sơ dự thi.

Thiếu tướng Nguyễn Quý Khoát - phó giám đốc Học viện An ninh nhân dân - cho hay tại Học viện An ninh xuất hiện một thí sinh có ảnh chụp hồ sơ từ năm 2010, trái với quy định mới của Bộ Công an. Do đó, học viện liên hệ ngay với Công an Lai Châu - nơi thí sinh làm thủ tục sơ tuyển - để xác minh thì được xác nhận đây chính xác là thí sinh dự thi chứ không phải đối tượng “lạ”.

Tại Trường ĐH Kỹ thuật hậu cần công an nhân dân, ngay trước kỳ thi, hội đồng tuyển sinh cũng phát hiện một số trường hợp dùng ảnh cũ, nhưng kết quả rà soát thì không phải gian lận thi cử mà chủ yếu do thí sinh nộp hồ sơ muộn nên công an địa phương đã cho thí sinh dùng ảnh có sẵn.

Xin phép ra ngoài phòng thi... gọi điện cho bố

Tại một điểm thi của Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp (Hà Nội) vào buổi thi môn hóa, một thí sinh sau khi làm bài thi một tiếng đã giơ tay nói với giám thị “Xin cô cho em ra ngoài... nói chuyện với bố em!”. Sở dĩ thí sinh đột ngột xin phép một việc không ai nghĩ đến là điện thoại của em thí sinh này có cuộc gọi đến, người gọi là bố em nên em vội vã xin ra ngoài nghe điện thoại. Sự hồn nhiên quá đỗi của thí sinh này khiến giám thị và các thí sinh khác phải kinh ngạc. Thí sinh đã bị đình chỉ thi ngay sau đó vì “mang vật dụng trái phép vào phòng thi”.

Thi xong tiếp tục đi làm mướn

Sáng 5-7, sau môn thi cuối, thí sinh Nguyễn Ngọc Vẽ (Đồng Tháp) vội vã trở về để tiếp tục công việc làm mướn của mình. Tốt nghiệp THPT từ năm trước nhưng không đủ tiền và chưa tự tin vào học lực nên Vẽ ở nhà đi làm mướn. Trong một năm, bạn làm công việc giao hàng cho một công ty gần nhà với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Công việc này giúp bạn để dành được 5,4 triệu đồng đóng tiền ôn thi đại học và mua sách vở.

Lên TP.HCM thi vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Vẽ cho biết mình chọn ngành hóa học vì thích và “dưới quê hổng ai thi ngành đó nên dễ tìm việc hơn”. Kết thúc ba môn thi, Vẽ nói mình làm bài tạm ổn.

Ký túc xá ế

Trong những ngày diễn ra thi ĐH đợt 1, tại các ký túc xá của ĐH Đà Nẵng có đến 4.000 chỗ ở cho thí sinh, phụ huynh nhưng lại rất ế ẩm. Trong khi đó, ĐH Đà Nẵng đã có các chính sách hỗ trợ thí sinh, phụ huynh như giá điện, nước, vệ sinh, phòng ở chỉ 10.000-15.000 đồng/người; miễn phí chỗ ở cho thí sinh là con em của lực lượng kiểm ngư, lực lượng cảnh sát biển, các thí sinh có chế độ chính sách, hộ nghèo, có hộ khẩu thuộc hải đảo, đảo Lý Sơn.

NGỌC HÀ - TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên