30/05/2011 16:51 GMT+7

Kết thúc diễn đàn "Khán giả chê phim Việt, vì sao?"

TTO
TTO

TTO - Sau 1 tháng mở diễn đàn Khán giả chê phim Việt, vì sao?, Tuổi Trẻ online đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc cũng như các nhà chuyên môn mổ xẻ, phân tích xoay xung quanh vấn đề này. Đa số các ý kiến đều nhận xét phim Việt khâu nào cũng có vấn đề.

* Tuổi Trẻ Online thăm dò bạn đọc về chất lượng phim Việt: 23.386 ý kiến tham gia

Tính đến 16g30 ngày 30-5 đã có 23.386 lượt bạn đọc bày tỏ ý kiến thông qua thăm dò của Tuổi Trẻ Online.

Tuổi Trẻ online hệ thống lại những ý kiến của bạn đọc như là một cách khép lại diễn đàn này.

jo4jcdM9.jpgPhóng to

Tính đến 16g30 ngày 30-5 đã có 23.386 lượt bày tỏ ý kiến của bạn đọc thông qua thăm dò của Tuổi Trẻ Online.

Chán...đủ thứ

Điều thú vị là theo kết quả thăm dò, yếu tố làm cho khán giả chán nhất chính là lời thoại của phim nhạt nhẽo, thiếu chân thật với 7.657 lượt ý kiến. "Thoại trong phim Việt như người nước ngoài nói tiếng Việt" chính là cảm nhận "đồng loạt" của nhiều khán giả. Và khán giả đã có dịp so sánh với phim Mỹ, phim Hàn, đôi khi kịch bản phim "không có gì" mà lời thoại của họ lại cực kỳ thú vị, như mang từ cuộc sống đời thường ra nói với nhau.

Đề tài xa lạ với cuộc sống: 2.227

Diễn xuất của diễn viên kém: 4.755

Lời thoại nhạt nhẽo, không chân thật: 7.657

Kịch bản không hấp dẫn, phim dài lê thê: 5992

Quảng cáo chèn trong phim quá lộ liễu: 1.931

Ý kiến khác: 824

(Thăm dò bạn đọc của TTO đến 16g30 ngày 30-5)

Kịch bản phim Việt...nhạt, kéo dài lê thê là yếu tố gây ...chán chường xếp thứ hai với gần 6000 ý kiến thăm dò. Đa phần cho rằng kịch bản chưa coi xong đã đoán được hết ý bộ phim. kịch bản mang nhiều tính chất "đột ngột": đột ngột yêu nhau, đột ngột lương thiện. Chưa kể bệnh "sính nhà giàu", dùng cảnh giàu sang, phú quý, thói ăn chơi để làm "phông" cho phim -được bạn đọc dự báo sẽ ngày càng kéo phim Việt xa rời đại đa số người xem đang còn đối diện hàng ngày với cuộc sống khó khăn. Tác giả kịch bản phải là người phải biết chịu khó học hỏi, tìm hiểu về môi trường mà họ muốn đặt nhân vật của mình vào (ngành bất động sản, ngành truyền thông - quảng cáo, chứng khoán…) để xây dựng được chi tiết trong từng phân cảnh, lời thoại nhân vật có sức nặng và cung cấp nhiều kiến thức về ngành đó cho người xem.

Về vấn đề này, nhà văn nhà biên kịch Nguyễn Quang Sáng đã có những chia sẻ như "biết 10 thì nên viết 1 thôi. Còn bây giờ người ta biết có 1 mà viết đến 10 thì thành ra loãng ngay, nhạt nhẽo. Phải tinh tường và sâu sắc về vấn đề mình viết. Mà phải “nuôi” nó lâu, “nuôi” trong lòng mình đó cho đến khi “chín muồi”, đến một ngày nào đó cảm hứng rồi thì mình mới viết. Không nên viết “non”, cũng giống như trái cây vậy, chín thì ăn mới ngon chứ còn non thì không. Còn đến lúc “chín” rồi mà anh không “hái” thì nó cũng tự nhiên “rụng”.

Kịch bản, nếu không phải được viết ra từ những xúc cảm lớn thì sẽ có định hướng ngược với người xem về chân thiện mỹ, đặc biệt là định hướng trong giới trẻ những giá trị sống sai lệch.

Khâu đạo diễn cũng nhận nhiều lời chê: đạo diễn phải chịu trách nhiệm khi "đẻ" ra những bộ phim "mì ăn liền", hời hợt, càng coi càng chán.

Đạo diễn phải là người biết “đọc” được khán giả muốn gì, “đọc” được diễn viên có phù hợp với vai của nhân vật, “đọc” được văn hóa của người Việt không phải của Hàn, của Trung Quốc hay bất kỳ một quốc gia nào khác để làm phim phù hợp; Nếu đạo diễn giỏi sẽ không chọn kịch bản dở. Nếu đạo diễn giỏi, sẽ không dùng những lời thoại ngớ ngẩn. Nếu đạo diễn giỏi, sẽ không chọn diễn viên không biết diễn xuất. Nếu đạo diễn biết tự trọng, có trách nhiệm với sản phẩm của mình, sẽ không đồng ý làm phim với bất cứ giá nào.

Khâu diễn viên: diễn viên Việt Nam còn quá yếu trong cách diễn, cách biểu hiện cảm xúc nhân vật vì một điều thật đơn giản họ chưa thật sự hiểu và sống cho nhân vật trong phim. Khi xem phim Việt ta dễ dàng nhận thấy cái khổ của nhân vật không làm ta rơi nước mắt, cái can đảm không làm ta ngưỡng mộ, cái gian ác, gian xảo không làm ta rùng mình.

Ở khía cạnh này diễn viên - NSND Thế Anh cũng đã có những chia sẻ đóng phim phải thật như ngoài đời, khi đó là mình đã đạt. Yêu cầu của người diễn viên là phải luôn ngạc nhiên trước cuộc sống, phải luôn tìm hiểu, phải mở to mắt để tất cả những cái bên ngoài cuộc sống vào trong anh. Và khi mình thể hiện thì mọi thứ sẽ y như thật.

Ngoài ra về âm nhạc, phục trang, hóa trang, bối cảnh, góc quay theo bạn đọc đều có quá nhiều vấn đề "hạt sạn" trong phim Việt.

yS7OBRNb.jpgPhóng to
Bộ phim Cổng mặt trời là một trong những bộ phim truyền hình được nhiều khán giả yêu thích - Ảnh: thegioidienanh

Thấu hiểu cả những yếu tố khách quan

Nhà đài "hành hạ" người xem bằng sự dễ dãi với nhà sản xuất? Bạn đọc Tuấn Huy bày tỏ quan điểm: Mở các kênh truyền hình, có đến 90% lượng phim truyền hình Việt phát sóng hiện nay được thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Hay nói cách khác, tư nhân làm phim, nhà đài bán sóng. Đã mất tiền mua (sóng) thì dĩ nhiên các nhà sản xuất phải bằng mọi giá thu hồi vốn và sinh lãi. Muốn vậy, họ phải làm phim thật dài để lấy quảng cáo. Câu chuyện chỉ gói gọn trong vòng 10 tập là giải quyết tất tần tật mọi mâu thuẫn nhưng vì lý do "lấy thu bù chi" nên phim phải kéo dài thành 20 tập, 30 tập, thậm chí 40 tập, 50 tập. Bột chỉ có bấy nhiêu mà phải làm ra số bánh gấp đôi, gấp ba thì thử hỏi làm sao không có chuyện "gian lận" như thêm nước, bắt bánh nhỏ hơn…

Tại sao nhà đài không đặt ra những điều kiện gắt gao hơn, kỹ lưỡng hơn trong việc duyệt phim? Nếu cứ theo cách duyệt hình thức như hiện tại thì làm sao tránh để "lọt lưới" những bộ phim 3D - dài, dai dở? Tại sao nhà đài không khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất đầu tư những bộ phim ngắn tập nhưng nội dung hay, chất lượng?

Nhà sản xuất "ép" xem phim dở? Bạn đọc cũng đưa ra so sánh, một số khuôn hình lồng ghép quảng cáo sản phẩm trong phim, Hàn Quốc làm rất khéo, nhưng phim Việt Nam còn gây cảm giác khó chịu phản cảm ở những cảnh đó? Có phải do nhà sản xuất thiếu “chuẩn” ở các khuôn hình marketing - quảng cáo sản phẩm của nhà tài trợ trong phim? Cứ dồn ép mọi khuôn hình có thể để lấy tiền tài trợ? Giá mà chúng ta có những chuyên gia marketing nghệ thuật, cùng ngồi lại bàn bạc khuôn hình quảng cáo thì tốt biết mấy!

Góp ý không có nghĩa là quay lưng

"Đừng quay lưng với phim Việt" - là lời kêu gọi đầy xúc động của độc giả Đặng Trần Trung gửi đến diễn đàn, bạn đọc này viết: "Tuy phim Việt Nam hiện nay có nhiều hạn chế trong cách thể hiện và diễn xuất nhưng đừng vì thế mà đánh giá thấp đi hoặc phủ nhận những giá trị của phim Việt đem lại cho khán giả. Ví dụ với những bộ phim nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều, thì nhà đài nên cân nhắc, không nhất thiết chỉ vì những lời chê mà ngưng phát sóng."

Hưởng ứng ý kiến này, nhiều bạn đọc khác cũng khẳng định người việt vẫn mong có phim Việt để xem, góp ý để xây dựng chứ không phải để "ghét bỏ", bạn đọc Ba Tri cảm kêu gọi: "Nếu chúng ta quay lưng thì nhà đài sẽ tăng cường phim Hàn Quốc, Trung Quốc..."thì người xem Việt sẽ rất thiệt thòi.

Mở màn bằng buổi giao lưu trực tuyến (ngày 29-4), với cùng đề tài, tiếp diễn với hàng chục bài viết mổ xẻ hầu hết mọi vấn đề của phim Việt: từ thoại trong phim như người nước ngoài nói tiếng Việt, lười kiếm đề tài và diễn viên ngộ nhận, diễn viên phim truyền hình: thiếu và yếu đến Phim Việt: Coi …; có thể nói, diễn đàn đã chuyển tải được hầu hết những bức xúc, nỗi niềm của khán giả Việt.

TTO sẽ khép lại diễn đàn ở đây. Cám ơn sự nhiệt tình tham gia của quý bạn đọc, và rất mong tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của bạn đọc trong việc gợi ý đề tài cho những diễn đàn khác, cũng như tích cực đồng hành cùng TTO trong những diễn đàn khác.

Mời xem thêm:

Thoại trong phim như người nước ngoài nói tiếng Việt II Phi lý với phim truyền hình Việt Nam II Phim truyền hình Việt không hay: thoại dở, diễn viên cùn II Phim truyền hình Việt: giá chót phải là 30 tập? II Phim Việt thiếu chuẩn! II Phim Việt: Coi chưa xong đã đoán trúng ý đạo diễn II Phim Việt: lười kiếm đề tài và diễn viên ngộ nhận II Âm nhạc trong phim truyền hình Việt Nam thiếu ấn tượng II NSND Thế Anh: "Đóng phim phải thật như ngoài đời" II "Cẩn thận không biến thành phim… Tây!" II Diễn viên phim truyền hình: thiếu và yếu II Nhà biên kịch Nguyễn Quang Sáng: Đừng biết 1 viết 10 II Phim Việt sa vào bệnh giải thích II Phim Việt nói nhiều không diễn tả được bao nhiêu II Tôi muốn xem cảnh con nhổ tóc sâu cho mẹ trên phim Việt II Trung Quốc khủng hoảng phim truyền hình II Đấu thầu sản xuất phim truyền hình: Hay dở khó lường II Phim truyền hình ngoại: Vì sao hấp dẫn? II Quay phim truyện như quay tin truyền hình II Phim truyền hình nên "kéo" bao nhiêu tập? II Phim Việt mơ mộng cảnh giàu sang? II Phim Việt: hãy nhớ cái chết của thời kỳ "mì ăn liền" II II

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên