Kết quả PISA: Thi thố xong thì cần làm gì?

HÀ PHƯƠNG 18/12/2019 09:12 GMT+7

TTCT - Sau những năm tham gia kỳ thi PISA, ta đã làm được gì? Giáo dục, đặc biệt giáo dục phổ thông có gì thay đổi dựa trên kết quả kỳ thi này?

   

 

Chu kỳ đầu tiên của PISA diễn ra từ năm 2000, 12 năm sau, Việt Nam mới tham gia lần đầu tiên (năm 2012), cũng là chu kỳ PISA tập trung vào lĩnh vực toán học.

Ở lần đầu này, Việt Nam đạt kết quả khá với 511 điểm lĩnh vực toán, 508 điểm lĩnh vực đọc hiểu và 528 điểm lĩnh vực khoa học. Tới năm 2015, PISA tập trung vào lĩnh vực khoa học, cũng là lần thứ 2 Việt Nam tham gia và đạt kết quả ở mức trên điểm trung bình OECD (lĩnh vực khoa học đạt 525 điểm, toán học đạt 495 điểm và đọc hiểu đạt 487 điểm).

Nhưng tới chu kỳ 2018, học sinh Việt Nam tham gia cả 3 lĩnh vực song kết quả lại không được OECD công bố. Điều này đã gây ra nhiều hoài nghi và thắc mắc.

Mỗi bên một lời giải thíc

Sau khi OECD công bố báo cáo không có kết quả của học sinh Việt Nam được xếp hạng cùng các nước/vùng lãnh thổ tham gia lần này, ngày 4-12-2019, Bộ GD-ĐT thông báo về kết quả của Việt Nam: theo đó, trong lĩnh vực đọc hiểu, học sinh Việt Nam đạt 505 điểm (đứng thứ 8/79), lĩnh vực khoa học đạt 543 điểm (đứng thứ 4/79), toán học đạt 496 điểm (đứng thứ 24/79). 

Tuy nhiên, các điểm số này hoàn toàn không được công bố trong bất kỳ báo cáo nào của OECD.

Bộ lý giải với hai lý do: Một là, báo cáo so sánh quốc tế đầy đủ không thể hoàn thành tại thời điểm công bố nếu đưa Việt Nam vào phân tích dữ liệu so sánh quốc tế. Hai là, số liệu thu được của Việt Nam không phù hợp với mô hình lý thuyết hồi đáp câu hỏi, mức độ không phù hợp cao hơn so với các quốc gia khác, có sự khác biệt lớn với mô hình đánh giá của OECD.

Giải thích này không tương thích với điều mà báo cáo OECD nêu, theo đó OECD cho biết vì học sinh Việt Nam thi trên giấy, kết quả đến thời điểm công bố báo cáo chưa hoàn toàn chắc chắn nên kết quả của Việt Nam không được đưa vào bảng xếp hạng cùng với các nước khác. OECD không đưa bất kỳ lý do gì về việc không kịp hoàn thành hay mô hình của Việt Nam không phù hợp.

Cần nói thêm rằng, OECD đã xử lý, phân tích dữ liệu sau mỗi chu kỳ rất cẩn thận, theo một quy trình đã có từ 6 chu kỳ trước. Chu kỳ 2018 không có gì khác đi. Họ dành 20 tháng sau khi kết thúc kỳ khảo sát ở các nước để xử lý, phân tích dữ liệu và viết báo cáo. 

Nếu đọc 3 báo cáo chi tiết theo chủ đề của PISA 2018 thì chúng ta vẫn thấy xuất hiện Việt Nam trong đó, tức là, OECD đã phân tích và so sánh Việt Nam với các quốc gia/vùng lãnh thổ khác. Nhưng đây không phải là kết quả bài thi của các lĩnh vực mà là phần so sánh các yếu tố liên quan đến học sinh, nhà trường trong bảng hỏi dành cho học sinh và hiệu trưởng tham gia vào chương trình đánh giá.

Khi so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của học sinh trên các lĩnh vực đó, Việt Nam không được xuất hiện. Hơn nữa, chu kỳ 2018 không phải là lần đầu tiên có cả các nước thi trên máy tính và thi trên giấy, Việt Nam cũng không phải là nước duy nhất thi trên giấy trong chu kỳ này. Bởi năm 2015 cũng có một số nước thi trên máy tính và thi trên giấy nhưng việc xử lý, phân tích và cho ra báo cáo vẫn đúng thời gian công bố. Như vậy, có thể nói rằng dữ liệu của Việt Nam trong chu kỳ này đã được phân tích từ rất sớm. 

Vấn đề còn lại là nỗi hoài nghi: Kết quả bài thi của học sinh có vấn đề gì nên OECD mới không công bố?

 

 

Tăng thì sao mà giảm thì sao?

Nếu cứ tin vào kết quả PISA 2018 của học sinh Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực mà Bộ GD-ĐT đã thông báo, trong đó lĩnh vực khoa học và đọc hiểu điểm số đều tăng, vẫn cứ còn câu hỏi khác: Vậy kết quả này nên được hiểu như thế nào?

Nếu là kết quả này do bộ phận chịu trách nhiệm ở Việt Nam tự phân tích thì cũng như trường hợp của Malaysia, OECD khuyến cáo không nên dùng kết quả đó so sánh với các nước hoặc kết quả của chu kỳ trước. Vậy ta không nên xếp hạng “đứng thứ bao nhiêu” hay “tăng/giảm bao nhiêu”, vì điều này không có ý nghĩa!

Hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng hệ thống giáo dục của chúng ta quá thiên về kỳ thi. Bộ GD-ĐT đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách đổi mới hình thức thi cử, nhấn mạnh vai trò của đánh giá quá trình, cắt bỏ những kỳ thi không cần thiết... Nhưng kết quả PISA là một trong số nhiều dấu hiệu cho thấy hệ thống giáo dục của chúng ta đang gặp khó khăn.

PISA giống như các câu đố hằng tuần mà học sinh có thể đã thực hiện ở trường, để cả học sinh và giáo viên có một bức tranh chính xác về những gì học sinh biết và những gì học sinh vẫn cần phải làm. 

Tương tự, những chương trình đánh giá quốc tế này nhằm giúp các hệ thống giáo dục hiểu được những học sinh giỏi những gì (phân tích ngữ liệu văn học, áp dụng các nguyên tắc toán học cho các vấn đề hằng ngày...). Và những gì học sinh có thể làm để cải thiện.

Như vậy, dẫu kết quả có tăng hay giảm, thứ hạng bao nhiêu cũng không quan trọng bằng việc chúng ta biết được nền giáo dục đang như thế nào, gặp khó khăn gì và cần làm gì tiếp theo, chẳng hạn đưa ra các chính sách giáo dục mới. Và, rõ ràng là sau những báo cáo của OECD từ những chu kỳ trước (2012, 2015) ta cần suy xét xem mình đã làm được gì? Giáo dục, đặc biệt giáo dục phổ thông đã có gì thay đổi dựa trên kết quả PISA?

Hầu hết các nước sau khi tham gia đều có các báo cáo quốc gia về kết quả PISA, trong đó họ đi sâu phân tích những ẩn số đằng sau kết quả bằng dữ liệu thu thập được từ học sinh, giáo viên và hiệu trưởng, phụ huynh. Dựa trên phân tích dữ liệu của các đối tượng khảo sát kết hợp với kết quả học sinh, các quốc gia sẽ tìm ra các điểm không ổn trong nền giáo dục của họ, từ đó đưa ra các chính sách phát triển giáo dục.

Các chính sách giáo dục dựa trên các nghiên cứu có phương pháp, công cụ và quy trình như PISA đã được nhiều nơi xây dựng như Đức, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Ví dụ, vùng lãnh thổ Đài Loan, sau chu kỳ 2009, phân tích dữ liệu đã chỉ ra thời gian và tần suất đọc của học sinh ảnh hưởng đến kết quả đọc hiểu của học sinh. Những học sinh có tần suất đọc ít thì thành tích đọc hiểu thấp, và có sự khác biệt về tần suất, thành tích đọc của học sinh nông thôn với thành thị. 

Dựa vào kết quả phân tích này, họ đưa ra một chính sách thúc đẩy văn hóa đọc cho học sinh bằng cách hỗ trợ thư viện di động đến từng trường ở vùng sâu vùng xa, tổ chức ngày đọc sách, tháng đọc sách, năm đọc sách đến từng trường học... cùng rất nhiều hoạt động để giúp học sinh có thói quen đọc sách, tần suất đọc nhiều hơn...

Tham gia PISA hay bất kỳ chương trình đánh giá giáo dục diện rộng nào đều là nhận lấy một cơ hội để chúng ta tự nhìn lại, phân tích và nghiên cứu xem nền giáo dục của mình đang gặp vấn đề gì, từ đó có các chính sách giáo dục giải quyết các vấn đề đó. Nó dứt khoát không phải là câu chuyện của thứ hạng hay điểm số.■

Năm 2015, Malaysia gặp vấn đề tương tự: báo cáo OECD công bố không có kết quả của học sinh Malaysia. Ngay lập tức, Bộ Giáo dục Malaysia công bố số điểm mà học sinh đạt được trong 3 lĩnh vực (khoa học đạt 443 điểm, toán đạt 446 điểm và đọc hiểu đạt 431 điểm), đưa ra nhận định là kết quả cao hơn chu kỳ năm 2012.

Nhưng kết quả này không được tìm thấy trong bất kỳ báo cáo chu kỳ 2015 nào của OECD. Họ ghi trong báo cáo rằng: “Tại Malaysia, việc đánh giá PISA được thực hiện theo các tiêu chuẩn và hướng dẫn hoạt động của OECD. Tuy nhiên, tỉ lệ trả lời có trọng số trong số các trường Malaysia được lấy mẫu ban đầu (51%) không đạt tỉ lệ phản hồi PISA tiêu chuẩn là 85%. Do đó, kết quả không thể so sánh với các quốc gia khác hoặc kết quả của Malaysia từ những chu kỳ trước”.

Bộ Giáo dục Malaysia cũng giải thích đây là năm đầu tiên học sinh Malaysia chuyển sang thi máy tính nên các em không quen với các bài kiểm tra trên máy tính, đã không ghi lại được câu trả lời đúng, và có vấn đề kỹ thuật với việc mất dữ liệu. 

Sau đó, một nhà nghiên cứu đã tìm hiểu được rằng do số trường được chọn ban đầu đã từ chối không tham gia (khoảng 50%) nên Bộ Giáo dục Malaysia phải lựa chọn trường dự phòng để tham gia. Vấn đề là, sau khi phân tích, OECD thấy rằng kết quả của các trường dự phòng có kết quả cao bất thường so với các trường ban đầu, họ nghi ngờ về dữ liệu này nên chỉ chấp nhận 51% số trường được lấy mẫu ban đầu nên không đạt tỉ lệ phản hồi theo quy định là 85%. Do đó, OECD không công bố và khuyến cáo không so sánh kết quả của Malaysia với các nước khác và kết quả của chính nước này với các chu kỳ trước đó.

Nhà nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng việc chọn các trường dự phòng là do chủ đích của bộ tìm một số trường nội trú (asrama), loại trường có chất lượng tốt để đưa vào nhằm mục đích giúp kết quả của cả nước cao hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận