24/11/2017 16:28 GMT+7

Kết quả giảm biên chế là tiêu chí đánh giá người đứng đầu

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - "Những hạn chế, yếu kém trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu" - nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.

Kết quả giảm biên chế là tiêu chí đánh giá người đứng đầu - Ảnh 1.

Đại biểu tham gia bấm nút biểu quyết tại Quốc hội chiều 24-11 - Ảnh: Quochoi.vn

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Mỗi việc chỉ giao 1 cơ quan chịu trách nhiệm

Quốc hội đánh giá tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất. Tổ chức bộ máy bên trong các bộ, các sở còn nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc, chưa tinh gọn, hoạt động chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả, thời gian xử lý công việc còn chậm.

Quản lý biên chế tại nhiều bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm; cơ cấu công chức chưa hợp lý, số lượng cấp phó ở một số đơn vị vượt quy định, còn mất cân đối về tỉ lệ giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, giữ hàm cấp với công chức tham mưu, giúp việc.

Việc thực hiện xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập cũng còn hạn chế. 

Quốc hội yêu cầu khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong Chính phủ và của từng cấp chính quyền địa phương, khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ trong quản lý nhà nước, bảo đảm sự liên thông, đồng bộ, thống nhất, gắn kết chặt chẽ giữa các bộ phận.

Đặc biệt, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu "thực hiện có hiệu quả nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính". Trong đó phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Quốc hội cũng yêu cầu chuyển một số nhiệm vụ mà nhà nước không cần thiết phải thực hiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đồng thời giảm tối đa việc Nhà nước tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh tế thông qua các DNNN.

Đến năm 2021 giảm 10% biên chế

Đối với tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, Quốc hội yêu cầu "giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó và người giữ 'hàm' lãnh đạo, quản lý.

Theo đó, không chuyển các vụ thành cục, tổng cục, không thành lập mới phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt phải đáp ứng tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định.

Về tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Quốc hội yêu cầu bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015.

Nghị quyết nhấn mạnh "đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm, bảo đảm thực hiện nghiêm yêu cầu của Trung ương về vấn đề này; coi đây là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị".

Quốc hội cũng yêu cầu thu hồi, hủy bỏ các quyết định thành lập tổ chức, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức không đúng tiêu chí, tiêu chuẩn.

Bức tranh biên chế bộ máy của hệ thống chính trị

TTO - Cùng nhìn lại thực tiễn "biên chế ngày càng phình to" mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong phát biểu khai mạc Hội nghị trung ương 6 ngày 4-10, từ đó dẫn đến yêu cầu bức thiết tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên