Các doanh nghiệp chuẩn bị cho gian hàng triển lãm chiều 4-9 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn kết nối du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL lần thứ nhất năm 2019, được tổ chức ở TP.HCM ngày 4-9. Ngoài ra, theo các ý kiến, ngành du lịch TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL cần liên kết để tạo nên một thương hiệu du lịch vùng có bản sắc riêng, hình thành được chuỗi sản phẩm du lịch kết nối được lợi thế cạnh tranh của từng địa phương...
Phải xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch
Phát biểu tại diễn đàn, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng dù mỗi địa phương đều có những nét riêng để hấp dẫn du khách nhưng nếu biết kết nối lại với nhau sẽ thúc đẩy tăng trưởng du lịch nhanh hơn, đóng góp cho phát triển kinh tế nhiều hơn, đồng thời giải quyết được việc làm cho người lao động.
"Với vai trò trách nhiệm của mình, TP.HCM mời gọi doanh nghiệp du lịch chủ động tìm hiểu thông tin, tăng liên kết với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để làm thế nào tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng nhất có thể. Chúng tôi cũng tính toán dựa trên những đặc thù văn hóa, sản phẩm du lịch để bàn cách tăng nguồn thu cho mỗi địa phương..." - ông Tuyến cho biết.
Cũng theo ông Tuyến, TP.HCM sẽ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng từ đi lại đến các cơ sở lưu trú. Riêng các doanh nghiệp TP cũng sẽ chủ động phối hợp cơ quan quản lý điểm đến ở địa phương thực hiện những chuyên đề cụ thể, nghiên cứu xây dựng những sản phẩm thú vị.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, mức tăng trưởng của ngành du lịch tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực này. "Các địa phương liên kết để cùng phát triển là xu hướng tất yếu, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch vốn không có giới hạn về mặt địa lý" - ông Vũ nói.
Theo ông Phạm Thế Triều - phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, Đồng bằng sông Cửu Long có cái chung là miệt vùng sông nước, nhưng mỗi tỉnh sẽ có những khác biệt và các tỉnh đang nỗ lực làm điều đó. "Do đó, câu chuyện sản phẩm na ná sẽ không phải là vấn đề quá lớn mà làm sao nâng tính liên kết để cả vùng cùng cất cánh, tạo ra chuỗi sản phẩm" - ông Triều nói.
Hội thảo kết nối phát triển sản phẩm du lịch TP.HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL diễn ra chiều 4-9 - Ảnh: N.P.
Cần thay đổi cách quảng bá
Ông Micheal Satzger, quản lý dự án Công ty Roland Berger Vietnam, cho biết cái thiếu của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long là các chiến dịch quảng cáo điểm đến. Thời gian qua, các chiến dịch truyền thông của TP.HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn làm riêng rẽ, trong khi đáng ra cần có một cơ quan chung để phụ trách công tác này.
"Chẳng hạn, bên cạnh khẩu hiệu du lịch riêng, cần có một khẩu hiệu chung cho toàn vùng như Khám phá phương Nam để nhắc nhớ khách du lịch về một vùng du lịch" - ông Micheal Satzger nói.
Bà Tạ Thị Cẩm Vinh, phó tổng giám đốc Bến Thành Tourist, cho biết du khách nước ngoài rất thích về vùng sông nước vì không gian khác biệt với TP.HCM. Tuy nhiên, du lịch miền Tây lại chưa đáp ứng được xu thế như du lịch xanh, phát triển bền vững hay các ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tính trải nghiệm cho du khách.
"Xuống miền Tây, nhiều khách thấy đòn bánh tét đã được gói bằng dây nilông thay cho lá chuối và dây lạt bằng tre, nứa hay việc xài ống hút nhựa còn tràn lan... Du khách không thiện cảm với các vật liệu như vậy" - bà Vinh ví dụ.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - tổng giám đốc Vietravel, bên cạnh phát triển các sản phẩm mới đảm bảo tính không chồng lấn, tránh gây sự nhàm chán cho du khách, các địa phương cũng cần thể hiện ý thức về sản phẩm du lịch phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
"Do đó, sự thay đổi cần thiết không kém là cung cách làm dịch vụ du lịch, tạo ấn tượng với du khách quốc tế" - ông Kỳ khuyến cáo.
Cơ hội quảng bá du lịch
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, trưởng ban tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 15 năm 2019 (ITE HCMC 2019) diễn ra từ ngày 5 đến 7-9, hội chợ du lịch này là cơ hội quảng bá điểm đến TP.HCM và các điểm du lịch tiêu biểu của VN cho các người mua (buyers) và báo chí quốc tế.
Ban tổ chức không chỉ tập trung vào hoạt động hội chợ mà còn chú trọng vào các hoạt động mang tính chuyên môn sâu hơn về du lịch thông qua các hội thảo, diễn đàn...Trong ngày 5 và 6-9, hội chợ cũng dành cho khách thương mại và mở cửa dành cho công chúng tìm hiểu, mua các gói du lịch kích cầu sau 16h đến 19h. Riêng ngày 7-9, hội chợ sẽ mở cửa phục vụ khách công chúng.
Hàng trăm dự án du lịch chờ nhà đầu tư
Trong khuôn khổ Diễn đàn kết nối du lịch TP.HCM - Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 có 179 dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí được giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong đó, TP.HCM đang mời gọi đầu tư 51 dự án thuộc các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, giải trí với tổng nhu cầu vốn gần 40.000 tỉ đồng.
Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía đông Đồng bằng sông Cửu Long (6 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh) mời gọi đầu tư 36 dự án. Cụm liên kết phía tây Đồng bằng sông Cửu Long (7 tỉnh thành gồm TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) mời gọi đầu tư 92 dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận