22/02/2025 19:34 GMT+7

Kết nối chặt chẽ doanh nghiệp và đại học, sinh viên sẽ sớm tiếp cận thực tế công việc

Chiều 22-2, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức tọa đàm "Liên kết đại học - địa phương - doanh nghiệp: Hợp lực vì sự phát triển kinh tế và xã hội", với sự tham gia của nhiều lãnh đạo bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và hàng trăm giảng viên, sinh viên.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai: Sinh viên Việt Nam đầu vào tốt nhưng đầu ra nhiều hạn chế - Ảnh 1.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ góc nhìn kết nối giữa doanh nghiệp và đại học chiều 22-2 - Ảnh: KHẮC HIẾU

Sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Tại tọa đàm, ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, thành viên Hội đồng khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM - nhận xét: "Mỗi năm hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp gia nhập thị trường lao động, nhưng phần lớn vẫn chưa đáp ứng ngay được yêu cầu của doanh nghiệp".

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê (2023), theo đó Việt Nam có hơn 2 triệu sinh viên theo học mỗi năm, nhưng chỉ khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành, ông cho rằng con số này phản ánh sự chưa cân đối giữa chương trình đào tạo đại học và nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Hệ quả nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự có kỹ năng phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số và hội nhập quốc tế đang phát triển mạnh mẽ.

"Chất lượng đầu vào của sinh viên Việt Nam được đánh giá khá tốt, nhưng đầu ra vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở ba khía cạnh quan trọng", ông nhận định.

Khía cạnh đầu tiên nằm ở kỹ năng mềm. Sinh viên nắm vững lý thuyết nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế, tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, và khả năng làm việc nhóm.

Khía cạnh thứ hai là khả năng thích nghi. Trong khi môi trường làm việc hiện đại đòi hỏi sự linh hoạt và khả năng học hỏi nhanh, nhưng nhiều sinh viên vẫn còn thụ động, phụ thuộc vào lý thuyết sách vở.

Cuối cùng là năng lực ứng dụng thực tiễn. Theo ông, chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, ít thực hành, dẫn đến việc sinh viên không có đủ kinh nghiệm để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp ngay sau khi ra trường.

"Sự chênh lệch này đẩy doanh nghiệp vào thế khó, phải dành nguồn lực đáng kể để đào tạo lại nhân sự mới, làm tăng chi phí và kéo dài thời gian hòa nhập", ông Trai nói.

"Nếu có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và đại học, sinh viên sẽ được tiếp cận sớm với thực tế công việc, giúp rút ngắn đáng kể thời gian đào tạo lại sau khi tốt nghiệp".

Ông Phạm Phú Ngọc Trai: Sinh viên Việt Nam đầu vào tốt nhưng đầu ra nhiều hạn chế - Ảnh 2.

Các đại biểu trong buổi tọa đàm chiều 22-2 - Ảnh: KHẮC HIẾU

Doanh nghiệp và trường đại học bắt tay ra sao?

Hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học cũng đang được Đại học Quốc gia TP.HCM rất quan tâm nhằm tạo nhiều hơn cơ hội phát triển, đặc biệt sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, thông tin đại học này đã không ngừng mở rộng hợp tác với 31 địa phương và hơn 200 doanh nghiệp, tập đoàn trên nhiều lĩnh vực, từ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đến hỗ trợ học bổng và tư vấn chính sách.

Đặc biệt trong giai đoạn 2021 - 2024, các hợp tác với địa phương và doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ với số văn bản ký kết tăng 387% (348/90 văn bản) và hoạt động phối hợp tăng 248% (742/261 hoạt động) so với giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, ông Tâm cũng thừa nhận việc hợp tác hiện nay vẫn còn mang tính ngắn hạn, chưa có kế hoạch hành động cụ thể và bền vững. Các hoạt động chưa khai thác hết tiềm năng khoa học - công nghệ và đội ngũ chuyên gia của Đại học Quốc gia TP.HCM.

"Do đó, cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận để tăng cường tính hiệu quả và lâu dài của liên kết giữa đại học, địa phương và doanh nghiệp", ông Tâm nói.

Nhấn mạnh tính chủ động của các trường đại học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết nối với doanh nghiệp, GS.TS Mai Thanh Phong - hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng hợp tác hoặc có nhu cầu ngay lập tức.

Một số doanh nghiệp cũng khá ngại ngùng về các vấn đề bảo mật của công ty. Do vậy, theo GS.TS Mai Thanh Phong, sự chủ động nhất định nằm ở phía các trường, trước hết là việc hiểu rõ tầm quan trọng của sự hợp tác.

Các trường có thể xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp để thúc đẩy mối quan hệ bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp, thông qua nhiều hoạt động như hợp tác đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ…

Ông Phạm Phú Ngọc Trai giới thiệu một mô hình nhiều tập đoàn đa quốc gia đã triển khai thành công nhiều thập kỷ qua tại Việt Nam là "quản trị viên tập sự".

Trong chương trình, các tập đoàn kết hợp cùng trường đại học để tuyển chọn và đào tạo các sinh viên tiềm năng, giúp các bạn tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp từ sớm.

Về phía doanh nghiệp, họ sẽ chủ động xây dựng lực lượng nhân sự kế cận, thay vì phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động tự do. Còn sinh viên được tạo động lực phát triển cá nhân và sự nghiệp, giúp các bạn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

"Đây là mô hình mà các doanh nghiệp Việt Nam cần học hỏi và nhân rộng. Tuy nhiên để làm được điều đó, cần có sự hợp tác chiến lược giữa các trường đại học và doanh nghiệp nhằm xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động", ông Trai nói.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai: Sinh viên Việt Nam đầu vào tốt nhưng đầu ra nhiều hạn chế - Ảnh 4.Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Doanh nghiệp mong đợi sinh viên biết nhiều hơn một chuyên môn

Thay vì bó hẹp vào một chuyên môn, sinh viên có thể mở rộng thêm nhiều kiến thức, kỹ năng ở các lĩnh vực có liên quan.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên