Trịnh Sướng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hồi tháng 4-2021 - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Trước đó, ngày 20-4, TAND tỉnh Đắk Nông đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra để làm rõ thêm các mâu thuẫn, đặc biệt trong khối lượng xăng giả và số tiền thu lợi bất chính của Trịnh Sướng và các bị cáo khác.
Ở bản cáo trạng cũ, viện kiểm sát cho rằng Trịnh Sướng và các đồng phạm đã tổ chức sản xuất hơn 137 triệu lít xăng giả các loại. Còn bản kết luận mới này, viện kiểm sát cáo buộc Trịnh Sướng và đồng phạm sản xuất hơn 192 triệu lít xăng giả.
Cụ thể, cơ quan điều tra xác định Trịnh Sướng dù không đủ điều kiện pha chế, sản xuất xăng dầu nhưng đã mua dung môi, hóa chất tăng RON để pha trộn với hỗn hợp màu Azô và xăng nền tạo thành xăng giả; pha trộn dung môi với dầu DO tạo thành dầu DO giả để bán ra thị trường nhằm hưởng lợi.
Ông Sướng sử dụng nhiều công thức pha chế khác nhau để tạo thành các loại xăng A95, A92 và E5 RON 92 giả, tùy thuộc vào nguồn xăng nền, dung môi, hóa chất, với mục đích tạo ra xăng giả chỉ đạt trị số Octan tương ứng với từng loại xăng mà không quan tâm đến các chỉ tiêu chất lượng khác.
Dù từ ngày 1-1-2018, loại xăng A92 không được phép lưu thông nhưng ông này vẫn pha chế, sản xuất để bán ra thị trường.
Trước cơ quan điều tra, ông Sướng thừa nhận mình là người đưa công thức pha chế xăng dầu và giao cho Nguyễn Thành Trung, Ngô Dương Anh Tuấn tổ chức thực hiện.
Mỗi lần pha chế xăng dầu giả, ông Sướng đều là người quyết định tỉ lệ pha trộn. Ông này thường chỉ đạo Trung, Tuấn pha với tỉ lệ: 50% - 60% xăng nền A95, 40% - 50% dung môi, hóa chất để tạo thành xăng A95 giả; 45% - 55% xăng nền A95, 45% - 55% dung môi, hóa chất để tạo thành xăng A92 giả; 45% - 55% xăng nền A95, 40% - 50% dung môi, hóa chất và 5% cồn để tạo thành xăng E5 RON giả; 90% dầu DO với 10% dung môi để tạo thành dầu DO giả.
Cá biệt, một số lần do không có đủ xăng nền A95 nên ông Sướng chỉ đạo Trung sản xuất xăng A95 giả với tỉ lệ 30% xăng nền, 70% dung môi, hóa chất. Có một lần Trung tính tỉ lệ xăng nền dưới 30% và xin ý kiến Sướng để pha xăng A92, E5 RON 92 giả nhưng ông Sướng không đồng ý.
Từ đó, cơ quan điều tra xác định: Khối lượng xăng giả mà Trịnh Sướng đã tổ chức pha chế, sản xuất và phải chịu trách nhiệm hình sự là hơn 192 triệu lít, tương đương giá trị xăng thật là hơn 3.570 tỉ đồng.
Khối lượng dầu DO giả mà Trịnh Sướng phải chịu trách nhiệm hình sự là hơn 15 triệu lít, tương đương giá trị dầu DO thật là hơn 264 tỉ đồng.
Tổng số lượng hàng giả tương đương giá trị hàng thật là hơn 3.835 tỉ đồng. Trịnh Sướng đã bán ra thị trường là hơn 188 triệu lít xăng giả và hơn 15 triệu lít dầu DO giả.
Theo điều tra, mỗi lít xăng giả sau khi pha chế bán ra thị trường, ông Sướng hưởng lợi 8.000 đồng; mỗi lít dầu giả sau khi pha chế bán ra thị trường, hưởng lợi 300 đồng. Qua đó, cơ quan điều tra xác định ông này thu lợi bất chính hơn 155,8 tỉ đồng.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm 2019, Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu giả tại Đắk Nông, Sóc Trăng, Cần Thơ, TP.HCM… Có 39 bị cáo ở 18 tỉnh, thành bị cơ quan tố tụng tại Đắk Nông truy tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Trong số đó, Trịnh Sướng cùng 11 người có liên quan sản xuất và buôn bán xăng giả ở Sóc Trăng, Cần Thơ.
Các nhóm còn lại của Đinh Chí Dũng, Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyễn Ngọc Quan là các nhóm hoạt động riêng rẽ, sản xuất buôn bán xăng giả ở các tỉnh thành Hậu Giang, TP.HCM và Đắk Nông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận