Lội nước cõng con đi học đã là chuyện thường xuyên của người dân sống gần đường Ấp Chiến Lược (Q.Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh: N.H. |
Để giải quyết tận gốc chuyện ngập ở TP.HCM, cần phải có giải pháp dài hạn như cách làm của các đô thị tiên tiến trên thế giới, khi mà đô thị được qui hoạch tốt và quản lý qui hoạch tốt thì chắc chắn sẽ hết ngập, không cần lo chống ngập nữa.
Đối với tình trạng ngập ở TP, cần phải tính đến những giải pháp cấp bách trước mắt và dài hạn như sau:
Ưu tiên giải quyết những khu vực ngập sâu
Đầu tiên, cần ưu tiên giải quyết trước hết những khu vực ngập sâu và những khu vực tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại cao như chập điện cao thế, lan truyền bệnh dịch hoặc ô nhiễm, và không an toàn cho sinh mạng người dân.
Cần di dời hoặc có giải pháp chống ngập cục bộ, đảm bảo các nguồn điện cao thế và nguồn có thể gây bệnh và thiệt hại nghiêm trọng được hoàn toàn cách ly khô ráo trong mọi tình huống.
Giải pháp ít tốn kém là chú ý việc đảm bảo khơi thông dòng chảy tốt về các nơi thu nước gần nhất của khu vực ngập nước.
Ví dụ, theo quan sát hiện trạng ở những khu vực ngập khi trời mưa gần chợ Bà Chiểu, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè... thì thấy nước trên đường ngập tới đầu gối nhưng mực nước dưới kênh còn thấp. Điều này chứng tỏ nước không thoát ra kênh được. Vậy đầu tiên phải kiểm tra lại hệ thống cống thoát nước và độ dốc thoát.
Cũng có thể vì mương ngầm bị nghẽn hoặc ở đầu vào bị nghẹt rác, hay vấn đề ở hố thu hoặc tiết diện ống quá nhỏ nên nước không thoát kịp, gây ngập ở ngay cạnh kênh.
Để giải quyết ngay vấn đề ngập ở những nơi này, thì có thể bổ sung các mương thoát ở vị trí lòng đường sát lề đường (trên làn xe máy, với nắp đậy bê tông có lỗ thu nước) để khơi thông dòng chảy về phía kênh hoặc khu vực thu nước gần đó.
Giải pháp tốn kém hơn nhưng hiệu quả cao là bổ sung sao cho đủ không gian thu nước cần thiết cho các khu vực thường bị ngập.
Bên cạnh không gian thu nước tự nhiên như sông hồ và kênh rạch, có thể bổ sung thêm các hồ nước cảnh quan hoặc hồ điều tiết kết nối với nhau qua hệ thống mương nổi hoặc ngầm.
Ở những nơi đô thị hóa quá cao tại TP.HCM hiện không còn đất để xây dựng hồ điều tiết, thì nên tham khảo giải pháp xây dựng các hồ chứa ngầm đang được áp dụng rất thành công tại Hong Kong và Tokyo để điều chỉnh thành các giải pháp phù hợp cho TP.HCM.
Ví dụ tại Tokyo, đã cho xây dựng hệ thống kênh xả ngầm vào năm 2006, bao gồm nhiều ống chứa nước ngập có đường kính gần 30m sâu dưới lòng đất và kết nối với nhau theo tuyến dài 6,3 km, để rút hết nước ngập vào một bể chứa có kiểm soát áp lực, rồi bơm xả dần dần vào sông.
Tại Tokyo, đã cho xây dựng hệ thống kênh xả ngầm vào năm 2006, bao gồm nhiều ống chứa nước ngập có đường kính gần 30m sâu dưới lòng đất và kết nối với nhau theo tuyến dài 6,3 km, để rút hết nước ngập vào một bể chứa có kiểm soát áp lực, rồi bơm xả dần dần vào sông |
Có giải pháp dài hạn
Về lâu dài, TP chỉ có thể giải quyết ngập bằng cơ cấu hợp tác đa ngành dưới một chiến lược chỉ đạo xuyên suốt, thay cho giải pháp giao riêng cho từng đơn vị chuyên ngành tự chịu trách nhiệm, nhưng thiếu cộng tác hiệu quả với nhau như từ trước đến nay.
TP có thể lập một Ban chỉ đạo Phát triển Đô thị mang tính đa ngành bao gồm đại diện lãnh đạo của các sở và ban ngành có liên quan (quy hoạch kiến trúc, hạ tầng, giao thông, môi trường, tài chính...) trong đó ngành qui hoạch chịu trách nhiệm chỉ đạo chung.
Ban này chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề bức xúc trong quá trình phát triển đô thị (như hạ tầng, bảo tồn và phát triển, bảo vệ môi trường…), trong đó bao gồm vấn đề ngập lụt.
Đơn vị này phải vạch ra được kế hoạch dài và ngắn hạn, bao gồm các giải pháp ứng phó các kịch bản tình huống có thể xảy ra trong thời gian ngắn hạn và dài hạn, để đảm bảo sự chủ động hoàn toàn trong việc giải quyết ngập cho TP theo từng phân kỳ, dần dần hoàn toàn giải quyết được vấn đề ngập lụt.
Họ được nhà nước cấp kinh phí để nghiên cứu, với trách nhiệm phải hoàn toàn nắm vững và giải trình được vấn đề xử lý ngập một các đồng bộ, có kế hoạch, có thông tin và hướng dẫn trước cho người dân, không để xảy ra tình trạng bị động và đổ lỗi cho nhau như hiện nay.
Nhờ vậy, các giải pháp xử lý được hiệu quả, đồng bộ, có kế hoạch giữa các ngành tham gia, tránh tình trạng chồng chéo, lãng phí, thậm chí tạo hiệu ứng triệt tiêu lẫn nhau trong quá trình thực hiện.
Cụ thể:
- Về mặt thông tin, những cơ quan chức năng phải thông báo trước cho dân biết những kịch bản về ngập của TP dựa trên những quan sát, đo lường, tính toán khoa học và có phương án đối phó cho từng kịch bản và lộ trình giải quyết vấn đề dần dần cho đến khi hết ngập.
Người dân sẽ được thông tin và hướng dẫn cách ứng phó và lập kế hoạch đón ngập một cách chủ động để không ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt, đời sống hàng ngày của họ.
- Về mặt thu nước, TP cần không những khơi thông lại sông rạch, trả lại diện tích mặt nước đã bị lấp để xây dựng công trình, bổ sung hồ nước điều tiết, bổ sung các khu vực sinh thái có chức năng thu nước, mà cũng cần giảm diện tích bê tông hóa trong đô thị. Nước mưa rơi xuống tràn hết xuống mặt đường vì gặp bề mặt bê tông, không có chỗ thấm nước.
Nhiều con đường ở khu vực trung tâm như Q.1, Q.3 trước đây có ngập nhẹ khi trời mưa lớn, nhưng từ khi cơ quan chức năng cải tạo một phần vỉa hè bê tông để trồng cây, cỏ thì các con đường này không còn ngập nữa.
Thực tế, những khu vực ngập nhiều, thường xuyên nhất ở TP cũng thường là những khu vực thiếu diện tích xanh như khu An Dương Vương ở phía tây TP, khu gần chợ Bà Chiểu...
- Về mặt quy hoạch cây xanh, việc quy hoạch lại để đảm bảo diện tích xanh trên đầu người đúng chuẩn quốc tế cũng gián tiếp làm giảm ngập. Vườn trên mái nhà và không gian xanh trong khu vực cũng có tác dụng thu nước cục bộ, giúp làm chậm dòng chảy của nước để giảm ngập.
- Về qui hoạch san nền và thoát nước cần xây dựng cốt nền chuẩn đảm bảo thoát nước tốt cho toàn TP, chứ không giải quyết cục bộ như trước. Vì bản chất của nước là chảy từ cao xuống thấp, nếu không có giải pháp toàn cục thì các giải pháp chỉ mang tính tình thế, chuyển diện tích ngập từ nơi này sang nơi khác chứ không thực sự giải quyết được vấn đề.
Sau đó, cần có biện pháp bảo vệ chuẩn cốt nền này, như ngành giao thông không thể tiếp tục cải tạo đường bằng cách đắp chồng lớp nhựa đường lên lớp cũ như trước, mà phải bóc lớp cũ ra để thay thế lớp mới.
Việc lắp ống cống thoát ngầm, trước mắt khi chưa có nhiều kinh phí thì nên áp dụng giải pháp mương thoát hở.
Tốc độ thoát nước cũng cần phải điều tiết, vì nếu có những nơi thoát nhanh chậm không đều, khu thoát nước chậm sẽ thành nơi ngập lụt rất nhanh sau khi có mưa lớn.
- Về mặt môi trường, cần phải phải kiểm tra bảo vệ rừng và diện tích xanh ở khu vực thượng nguồn, vì việc phá rừng làm cho nước mưa từ thượng nguồn xuống nhanh hơn, gây ngập.
Từ cái “nhọt” để thành “ung bướu” Nói một cách hình tượng, vấn đề ngập của TP ban đầu chỉ như một cái nhọt vào đầu thập niên 1990, đáng lẽ có thể trị lành sớm, nhưng chúng ta đã để quá lâu, nên nay nó đã phát triển thành khối ung bướu cần phải giải phẫu. Việc ngập của TP có nguyên nhân sâu xa việc coi nhẹ tầm quan trọng của quy hoạch san nền và thoát nước với giải pháp toàn cục, quy hoạch đô thị với việc đảm bảo tỷ lệ mảng xanh và không gian dành cho nước tương xứng với sự gia tăng mật độ xây dựng trên toàn TP, trong suốt một quá trình dài 25 năm phát triển đô thị từ khi đổi mới. |
Hiến kế chống ngập cho TP.HCM và các đô thị khác:
- Bạn có sáng kiến gì trong việc giúp chống ngập?
- Các đô thị khác nên rút ra những bài học gì để tránh rơi vào tình trạng ngập nặng như TP.HCM?
Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua email [email protected] hoặc bằng phần Ý kiến bạn đọc ngay bên dưới bài viết.
TTO
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận