30/09/2013 09:30 GMT+7

"Kết duyên" với doanh nghiệp Nhật

NHƯ BÌNH thực hiện
NHƯ BÌNH thực hiện

TT - Nhật Bản hiện đứng đầu về giá trị thực hiện cũng như số lượng các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) tại VN. Tuy nhiên, theo ông Hiroshi Nishiyama - giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Iwakaze (Nhật Bản), tiềm năng thực tế của thị trường M&A giữa Việt Nam và Nhật còn lớn gấp nhiều lần.

U4QqQ1pw.jpgPhóng to
Tập đoàn Sumitomo vừa đầu tư vào Công ty thương mại điện tử Tiki.vn để sở hữu 30% cổ phần. Trong ảnh: buổi ký kết hợp tác chiến lược giữa hai doanh nghiệp vào cuối tháng 8-2013 - Ảnh: N.B.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hiroshi Nishiyama cho biết:

"Có nhiều doanh nghiệp VN đang cần sự đầu tư từ Nhật để tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như nâng cấp năng lực quản trị, điều hành hoạt động doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn"

Ông Hiroshi Nishiyama

- Hiện tại chúng tôi đang trong quá trình kết nối hai doanh nghiệp Nhật Bản sang đầu tư, làm ăn tại VN. Một thương vụ là doanh nghiệp Nhật đang tìm kiếm đối tác để mở nhà máy sản xuất, thương vụ thứ hai là trong lĩnh vực tài chính. Cả hai đang trong quá trình đàm phán và đây đều là những doanh nghiệp lớn của Nhật. Ngoài ra, công việc của chúng tôi hiện nay là tiếp tục tìm kiếm những dự án mới trong lĩnh vực M&A, kết nối các doanh nghiệp VN và Nhật Bản.

* Đã có hơn 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại VN, phần lớn là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và không ít công ty có tên tuổi, liệu xu hướng đầu tư tiếp theo sẽ đến từ doanh nghiệp vừa và nhỏ?

- Chính xác là một số công ty danh tiếng của Nhật đã có mặt tại VN, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể chờ thêm nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật sẽ tiếp tục đến VN, quan trọng là VN cần có những doanh nghiệp tốt tương xứng để tiếp nhận các khoản đầu tư đó. Xu hướng cho thấy hoạt động M&A ở VN đang phát triển và tăng nhanh, tuy nhiên vẫn chưa phản ánh hết tiềm năng của thị trường VN.

Năm 2012 có khoảng 17 thương vụ M&A giữa doanh nghiệp Nhật Bản và VN với giá trị hơn 1 tỉ USD, trong đó có hai thương vụ rất lớn là Bank of Tokyo - Mitsubishi mua 20% số cổ phần của VietinBank, trị giá 743 triệu USD, hay Công ty bảo hiểm nhân thọ Sumitomo Life mua lại 18% cổ phần của Bảo Việt từ Ngân hàng HSBC, tổng trị giá 341 triệu USD. Các thương vụ còn lại chỉ chiếm một giá trị rất khiêm tốn, trung bình 5,7 triệu USD/thương vụ. Năm nay giá trị các thương vụ M&A đến từ Nhật không lớn lắm, tôi nghĩ đây sẽ là xu hướng chính của hoạt động M&A sắp tới.

Dypvgclu.jpgPhóng to
Ông Hiroshi Nishiyama

* Người Nhật đang được nhắc đến nhiều nhất trong các thương vụ M&A ở VN hiện nay, nhưng những con số ông đưa ra cho thấy vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, vì sao vậy?

- Hiện nay vẫn có nhiều vấn đề cản trở hoạt động mua bán sáp nhập ở VN và Nhật. Thứ nhất là báo cáo tài chính của doanh nghiệp VN đôi khi còn chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, hay giấu giếm. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả đàm phán.

Thứ hai là hệ thống pháp luật dành cho hoạt động M&A còn nhiều bất cập. Phần lớn công ty đại chúng hiện nay đang bị khống chế mức 49% tỉ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng hoạt động, tăng vốn của nhà đầu tư. Thậm chí ở những công ty chưa đại chúng, khi nhà đầu tư nước ngoài tăng tỉ lệ sở hữu trên 49%, họ gặp nhiều rắc rối trong việc làm thủ tục với cơ quan quản lý.

Thứ ba là từ phía doanh nghiệp Nhật Bản, bản thân nhà đầu tư Nhật Bản luôn được xem là những nhà đầu tư thận trọng, chậm rãi, thậm chí kém năng động. Họ rất cẩn trọng trong các thương vụ làm ăn và dành thời gian khá lâu để nghiên cứu đối tác nước ngoài của mình. Trong khi đó, thị trường VN vẫn còn mới mẻ, doanh nghiệp Nhật vẫn khó khăn tiếp cận các chính sách, thông tin mà họ quan tâm để thực hiện thương vụ. Điều này dẫn đến sự thận trọng khi thực hiện một thương vụ nào đó, doanh nghiệp Nhật có thể mất năm năm hay mười năm để chọn một đối tác.

Hiện Nhật Bản đứng đầu danh sách về giá trị lẫn số lượng thương vụ M&A ở VN, nhưng tôi cho rằng tiềm năng thực tế còn lớn hơn nhiều. Nó đáng ra còn tăng mạnh mẽ hơn. Ở các nước xung quanh, con số này luôn tăng thẳng đứng. Tôi nghĩ để đẩy mạnh hoạt động M&A, hệ thống pháp luật nên thay đổi trước tiên. Nếu hệ thống pháp luật VN rõ ràng, minh bạch hơn nữa thì sẽ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đến nhiều hơn. Đặc biệt là những khoản chi phí không chính thức trong nhiều trường hợp, điều này không có ở Nhật.

* Vậy ông kỳ vọng gì từ hội thảo về M&A do báo Tuổi Trẻ kết hợp với báo Mainichi tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 11?

- Chúng tôi đều thấy có rất nhiều cơ hội để kết nối doanh nghiệp hai nước. Quan hệ kinh tế giữa hai nước đang rất thuận lợi, phía VN sẽ có cơ hội nhiều trong dịp này. Nhiều doanh nghiệp VN đang cần sự đầu tư từ Nhật để tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như nâng cấp năng lực quản trị, điều hành hoạt động doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn. Vấn đề là các doanh nghiệp VN cần phải biết cách “chào hàng”, biết giới thiệu mình một cách hấp dẫn, thu hút các công ty Nhật bằng những báo cáo tài chính, thuế minh bạch và tiềm năng phát triển mà họ có.

Cuộc khảo sát mới đây tại Nhật Bản cho thấy khoảng 74% công ty Nhật tìm kiếm đầu tư ra nước ngoài thông qua hình thức M&A. Nhưng khảo sát khác cũng thông tin rằng hiện VN đứng thứ năm trong các công ty mà doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng đầu tư, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Rõ ràng VN đang phải cạnh tranh để thu hút đầu tư từ Nhật.

* Theo ông, doanh nghiệp VN cần chuẩn bị gì để đón dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản thông qua phương thức M&A?

- Điều doanh nghiệp VN cần làm là thông tin về hoạt động tài chính doanh nghiệp càng rõ ràng càng tốt. Về chính sách, nhà đầu tư nước ngoài vẫn trông chờ vào những thay đổi từ phía cơ quan quản lý. Một vài lĩnh vực hiện nay ở VN được xem là “hết chỗ” như sản xuất, ngân hàng... Những lĩnh vực doanh nghiệp Nhật đang nhắm đến tại thị trường VN là dịch vụ, thực phẩm, phân phối, bán lẻ, dịch vụ hậu cần và giáo dục. Số trẻ em đang tăng nhanh tại VN trong khi dịch vụ giáo dục ở VN còn hạn chế, các chương trình thiên về kỹ năng từ Nhật Bản đang rất được ưa chuộng ở VN nên tôi nghĩ giáo dục sẽ là lĩnh vực rất được quan tâm.

Hội thảo “M&A tại VN - sức hút từ thị trường Nhật”

Tham gia chuỗi sự kiện đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, vào ngày 12-11-2013 tại Tokyo, Nhật, báo Tuổi Trẻ và báo Mainichi (Nhật) sẽ phối hợp tổ chức hội thảo kết nối đầu tư “M&A tại VN - sức hút từ thị trường Nhật”. Hai đơn vị hỗ trợ thực hiện là Quỹ đầu tư Iwakaze và Công ty BWLaws.

Mục đích lớn nhất của hội thảo lần này là cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật về thị trường M&A tại VN cũng như dự báo về xu hướng các lĩnh vực, ngành hàng đang và sẽ được các nhà đầu tư quan tâm hiện nay. Đồng thời kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước gặp gỡ, trao đổi thông tin, từ đó thúc đẩy hoạt động M&A giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn.

Dự kiến khoảng 200 doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tập đoàn lớn của Nhật và khoảng 30 doanh nghiệp VN sẽ tham dự hội thảo và tìm kiếm đối tác chiến lược trong dịp này. Thông qua báo Mainichi tại Nhật Bản và báo Tuổi Trẻ tại VN, hiện ban tổ chức đã tiếp nhận thông tin tham dự và tìm kiếm đối tác chiến lược của một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: tài chính - ngân hàng, sản xuất hàng tiêu dùng - thủy sản, phân phối - bán lẻ, bất động sản, logistics...

Tại VN, các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia và tìm kiếm đối tác chiến lược trong dịp này có thể liên hệ với ban tổ chức: cô Trang: 0938946936 (Công ty BWLaws); hoặc email về cho ông Xuân Toàn: [email protected], địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

X.T.

NHƯ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên