Lính bảo an người Việt đào giếng lấy nước ngọt trên đảo Ảnh chụp năm 1938 - nguồn UBND huyện
Tôi còn nhớ cách đây gần 5 năm, vào chiều 20-6-2014, tại hội thảo quốc tế " - Trường Sa: Sự thật lịch sử" do Đại học Đà Nẵng và Đại học Phạm Văn Đồng phối hợp tổ chức, tôi thay mặt giới sử học Đà Nẵng giới thiệu bản đồ địa giới xã Hòa Long mới ban hành, kèm theo nghị định số 709-BNV/HCĐP/26 ngày 21-10-1969 của Chính phủ Việt Nam cộng hòa.
Tấm bản đồ có kẻ một hình chữ nhật màu mực đỏ nối xã Định Hải/quần đảo Hoàng Sa ngoài Biển Đông với xã Hòa Long trong đất liền, nhấn mạnh ý tưởng "kéo Hoàng Sa vào đất liền" trước nhiều học giả trong nước và nước ngoài.
Trong số đó có GS Erik Franckx, trưởng khoa luật quốc tế và luật châu Âu Đại học VrijeUniversiteit Brussel (VUB), trọng tài viên của Tòa trọng tài thường trực La Haye - là người đăng đàn trước tôi, khẳng định: chỉ có những bản đồ kèm theo các quyết định hành chính mới có giá trị pháp lý trong tranh tụng quốc tế.
Tôi đã bắt đầu tham luận của mình bằng cách nhắc lại ý kiến ấy của GS Erik Franckx và nhấn mạnh rằng tấm bản đồ sắp được giới thiệu chắc chắn sẽ đáp ứng yêu cầu tranh tụng quốc tế mà GS Erik Franckx vừa lưu ý.
Cái hình chữ nhật màu mực đỏ trên tấm bản đồ năm xưa không chỉ "kéo Hoàng Sa vào đất liền" trên một bằng chứng vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý, mà còn "kéo Hoàng Sa vào đất liền" trong trái tim yêu nước của người Đà Nẵng và những người dân Việt.
Chính vì thế mà mỗi khi nghĩ về sự kiện quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép, người Đà Nẵng luôn cảm thấy bị tổn thương trước một thực tế đau lòng: tuy được giải phóng vào ngày 29-3-1975 nhưng 45 năm qua Đà Nẵng vẫn là địa phương duy nhất trong cả nước có nguyên một huyện - huyện đảo Hoàng Sa - còn bị ngoại bang chiếm đóng.
Đương nhiên người Đà Nẵng cũng ý thức rằng từ năm 1975 đến nay, Đà Nẵng đi đầu trong cuộc đấu tranh khẳng định, bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa với sức mạnh của một đất nước thống nhất.
Và khi cầm trên tay quyết định số 194/HĐBT ngày 11-2-1982 của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc thành lập huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đọc dòng chữ "bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trước đây thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng", người Đà Nẵng nhận ra ngay hàm ý có một sự tiếp nối bất thành văn giữa nghị định số 709-BNV/HCĐP/26 năm 1969 với quyết định số 194/HĐBT năm 1982.
Và cũng chính do được gợi ý từ cái hình chữ nhật màu mực đỏ trên tấm bản đồ năm xưa, từ nhiều năm qua giới sử học Đà Nẵng không ngừng hiến kế cho lãnh đạo Nhà nước cũng như chính quyền Đà Nẵng về việc thành lập đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng - vào một số phường ven biển của quận Sơn Trà, là nơi đang đặt trụ sở UBND huyện Hoàng Sa, cũng là nơi có con đường Hoàng Sa chạy dọc Biển Đông, có một trường học mang tên Hoàng Sa và có một bảo tàng mang tên Nhà trưng bày Hoàng Sa...
Nếu ý tưởng này sớm thành hiện thực, huyện đảo Hoàng Sa có đất có dân sẽ góp phần tích cực và hiệu quả hơn nhiều trong công cuộc đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa bằng giải pháp hòa bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận