Ngày 11-5, giá vàng miếng SJC đã rơi từ đỉnh xuống 91,3 triệu đồng/lượng sau chỉ đạo nóng từ Chính phủ. Tuy nhiên đây vẫn là mức giá cao vô lý. Để hạ nhiệt giá vàng, các chuyên gia cho rằng cần thêm nhiều giải pháp khác chứ không chỉ có đấu thầu vàng.
Giá vàng trong nước cao hơn thế giới 17 - 18 triệu đồng
Ngày 11-5, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Sau chỉ đạo này, giá vàng miếng SJC đã sập mạnh. Công ty SJC niêm yết giá bán vàng trưa 11-5 ở mức 91,3 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng, trong khi giá mua vào ở mức 88,8 triệu đồng/lượng.
Người nắm giữ vàng từ chỗ neo lại chờ giá cao hơn đã đẩy ra bán, khiến cho các tiệm vàng phải liên tục hạ giá mua bán. Tại tiệm vàng Mi Hồng, giá bán vàng miếng SJC buổi trưa rơi xuống mức 90,5 triệu đồng/lượng, sau đó đầu giờ chiều giảm mạnh hơn, bán ra còn 88,5 triệu đồng/lượng, mua vào 86,5 triệu đồng/lượng, giảm hơn 3 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh ngày 10-5. Đến cuối ngày giá bán vàng miếng SJC hồi phục lên 89,3 triệu đồng/lượng, mua vào 86,8 triệu đồng/lượng.
Cuối ngày 11-5, Công ty Bảo Tín Minh Châu và Công ty Phú Quý cùng đưa giá bán vàng miếng SJC về mức 90,1 triệu đồng/lượng. Trong khi Công ty PNJ niêm giá bán vàng miếng SJC ở mức 91,3 triệu đồng/lượng. Còn Công ty DOJI đang bán ra ở mức 89,2 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua vào, mức giá phổ biến ở quanh mức 88 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đã kết thúc tuần giao dịch ở mức 2.360,7 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 72,53 triệu đồng/lượng. Như vậy so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 17 - 18,77 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng nhẫn hôm nay vẫn ổn định ở mức 76,55 triệu đồng/lượng (bán ra), mua vào 74,85 triệu đồng/lượng.
"Không thể tưởng tượng được"
Tại Hà Nội, theo ghi nhận, ngày 11-5, nhiều cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông khá vắng vẻ, không còn cảnh khách xếp hàng ngoài vỉa hè đội nắng chờ để mua - bán vàng như ba ngày trước nữa. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hầu hết khách vào trong quầy giao dịch là bán vàng, khách mua rất hiếm.
Đáng chú ý, tại Hà Nội còn hạn chế cả số lượng được mua vàng miếng SJC. Có khách đến mua vàng miếng SJC nhưng cửa hàng báo hết hàng, hoặc nếu cửa hàng nào còn hàng bán thì tối đa mỗi người chỉ được mua 1 lượng.
Cần phải mua 2 lượng vàng miếng SJC để trả nợ cho người thân, chị Nguyễn Thu Huệ (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết nóng hết ruột vì giá vàng tăng "điên cuồng" trong mấy ngày hôm nay. Chị kể chiều 10-5 cũng ra cửa hàng vàng nhưng chưa mua vì thấy giá tăng vô lý quá. Không thể tưởng tượng được vàng miếng SJC lại lên đến hơn 92 triệu đồng/lượng.
"Sáng 11-5 tôi ra để mua thì may giá xuống hơn 1 triệu đồng/lượng so với hôm qua. Nhưng tôi lại quyết định chưa mua vì hy vọng giá vàng miếng SJC sẽ xuống tiếp", chị Huệ chia sẻ.
Khác hẳn với tâm lý của người đi mua, hầu hết những người đi bán vàng hôm 11-5 rất phấn khởi vì đã có lãi khá đậm.
Cầm 20 lượng vàng miếng SJC đi bán, bà Nguyễn Thị Nguyệt (Hà Đông, Hà Nội) cho biết nếu hôm qua đi bán thì được giá 90 triệu đồng/lượng nhưng nay giá còn 88,8 cũng là quá tốt rồi. Bà kể số vàng này mua từ hơn chục năm nay, lúc giá 35 triệu đồng/lượng cũng có, giá 60 triệu đồng/lượng cũng có.
"Tôi có nằm mơ cũng không nghĩ có ngày vàng lên đến giá 90 triệu đồng/lượng. Sáng nay, tôi quyết định bán toàn bộ số vàng tích cóp được. Vì với mức giá 88,8 triệu đồng/lượng là quá lãi rồi. Hơn nữa giờ Chính phủ quản lý chặt, yêu cầu thanh tra, kiểm tra thị trường, sắp tới lại sửa chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng, nên giá sẽ không thể lên mãi được", bà Nguyệt nói.
Tăng cung vàng ra thị trường, cách nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ về nguyên nhân giá vàng miếng SJC bị đẩy lên cao như hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), cho hay do tâm lý thị trường, nhất là sau khi biện pháp can thiệp thị trường vàng thông qua đấu thầu không phát huy hiệu quả.
"Thị trường vàng nhẫn hiện quá khan hiếm, có thể nói gần như tê liệt vì không có nguồn nguyên liệu nên nhà đầu tư chỉ còn một lựa chọn là vàng miếng SJC, từ đó cũng làm cho giá vàng miếng SJC bị thổi lên", ông Trọng nói.
Nhìn ở góc độ lâu dài, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa giải thích thêm sau 5 phiên đấu thầu vàng, chỉ có 6.800 lượng vàng được đưa ra thị trường, 3/5 phiên phải hủy thầu. Cứ sau mỗi phiên đấu thầu/hủy thầu thì giá vàng lại tăng cao thêm. Do đó theo ông Nghĩa, để tăng cung, đấu thầu vàng không phải là biện pháp.
Cần có các biện pháp mạnh hơn, biện pháp quan trọng nhất là cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng được nhập khẩu và xuất khẩu vàng một cách bình thường. Nhà nước kiểm soát bằng thuế.
"Có thể cơ quan quản lý lo ngại yếu tố tỉ giá cũng như quản lý khi cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng chính ngạch. Nhưng tôi cho rằng công cụ quản lý của Nhà nước là bằng thuế.
Nếu không khuyến khích nhập khẩu mặt hàng nào đó, trong đó có vàng thì Nhà nước đánh thuế thật cao và ngược lại khuyến khích nhập khẩu và chống buôn lậu thì đánh thuế thật thấp. Đánh thuế thấp thì không ai dám đi buôn lậu vì khi đó thị trường vàng trong nước và thế giới liên thông, chênh lệch thấp không còn hấp dẫn nữa", ông Nghĩa nói.
Dẫn số liệu thống kê của Hội đồng vàng thế giới, ông Nghĩa thông tin thêm mỗi năm Việt Nam vẫn tiêu thụ khoảng 50 tấn vàng, trị giá khoảng 3 tỉ USD dù hơn 10 năm nay Việt Nam không cấp phép nhập vàng theo đường chính ngạch. Như vậy Nhà nước bị mất thuế, còn thị trường thì méo mó.
Và ông Nghĩa kiến nghị Chính phủ nên xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, trả lại thương hiệu SJC cho Công ty SJC trong nghị định mới sửa đổi nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Đấu thầu vàng không hiệu quả
Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể kiểm soát thị trường vàng bằng cách giảm mức chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới bằng nhiều biện pháp khác, chứ không chỉ trông chờ tổ chức đấu thầu vàng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh (giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế, xã hội - MASSEI):
Đấu thầu không mang lại hiệu quả
Việc đấu thầu vàng chỉ để tăng cung, nhưng số lượng trúng thầu quá thấp, không thể đem lại hiệu quả. Can thiệp bây giờ là để kim loại quý này liên thông với quốc tế. Không để giá vàng miếng SJC "một mình một chợ" như hiện nay khi cách biệt giá thế giới tới 19 triệu đồng.
Nếu bỏ độc quyền vàng SJC và thêm các thương hiệu vàng miếng khác, nhưng nhập khẩu không tăng, cũng khó giải quyết vấn đề chênh lệch. Song nếu tăng nhập khẩu, sẽ tốn ngoại tệ, gây áp lực lên tỉ giá, gây rủi ro tới nền kinh tế vĩ mô.
GS.TS Hoàng Văn Cường (ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội):
Nên có sàn giao dịch vàng
Tôi cho rằng cần lập sàn giao dịch vàng. Bởi khi giao dịch vàng trên tài khoản sẽ giúp giảm bớt phụ thuộc việc nhập vàng về mới có bù cho thị trường. Người dân yên tâm vẫn có vàng nếu muốn dự trữ, lại đảm bảo được ngoại tệ. Tuy nhiên cần lưu ý thêm vàng là hàng hóa đặc biệt, do vậy phương thức quản lý như thế nào khi lập sàn cần được nghiên cứu kỹ.
TS Nguyễn Thế Hùng (phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam):
Đấu thầu vàng mang bản chất kinh doanh
Với cách đấu thầu vàng vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, bản chất giống "kinh doanh" hơn là bình ổn thị trường. Không chỉ giá sàn quá cao, khối lượng tối thiểu doanh nghiệp phải mua cũng rất lớn (1.400 lượng), đó là rào cản. Bởi vậy trong các buổi đấu giá vàng vừa qua rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia được khi ít nhất phải sẵn có hơn 100 tỉ đồng.
Cần xem xét dừng lại cơ chế đấu thầu vàng như thời gian vừa qua. Thay vào đó Ngân hàng Nhà nước nên chào bán cho các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng từng đợt với số lượng nhỏ hơn.
Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cần ấn định giá bán vàng SJC ra thị trường đối với các tổ chức kinh doanh vàng được mua. Các doanh nghiệp mua từ Ngân hàng Nhà nước bán vàng ra cũng chỉ được hưởng hoa hồng nhất định khoảng 300.000 - 500.000 đồng/lượng, ai ăn chênh lớn hơn sẽ bị xử phạt.
Trung Quốc và Ấn Độ quản lý thị trường vàng ra sao?
Tại Trung Quốc các hoạt động giao dịch vàng đều thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC).
Năm 2002, Sở giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) được thành lập. PBOC là cơ quan quản lý toàn bộ hoạt động của SGE. Và từ năm 2006 đến nay, PBOC cho phép nhà đầu tư cá nhân thực hiện các giao dịch vàng trên SGE. Nhờ quy định này, vàng trở thành một trong những kênh đầu tư tài chính bền vững cho các nhà đầu tư tại Trung Quốc.
Đặc biệt, nguồn cung chính của thị trường vàng nội địa Trung Quốc đến từ việc nhập khẩu vàng, thông qua các ngân hàng được PBOC phê duyệt. Và theo quy định, mức giá bán ra từ các đơn vị kinh doanh phải cộng thêm 15% dựa trên mức giá sàn mà SGE công bố hằng ngày.
Tương tự Trung Quốc, Ấn Độ có mức tiêu thụ vàng cao nhất trên thế giới. Nguồn cung chủ yếu của Ấn Độ cũng đến từ nguồn vàng nhập khẩu. Năm 2003, Ấn Độ thành lập Sở Giao dịch hàng hóa Ấn Độ (MCX), đồng thời quy định tất cả các giao dịch vàng trên cả nước sẽ thực hiện dưới sự kiểm soát của MCX.
Vào năm 2015, Ấn Độ đã thực thi Chương trình kiếm tiền từ vàng (GMS) nhằm biến số vàng trong các hộ gia đình thành tài sản sản xuất trong bối cảnh số lượng vàng dự trữ tại các hộ gia đình và cơ sở tôn giáo trên toàn quốc vượt mức cho phép.
Mục đích của kế hoạch trên là giảm thiểu sự phụ thuộc của Ấn Độ vào nhập khẩu vàng, cũng như hạn chế việc mua vàng cho mục đích đầu cơ. Tại Ấn Độ, Hiệp hội Vàng và kinh doanh kim hoàn Ấn Độ (IBJA) chịu trách nhiệm công bố giá vàng mỗi ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận