Sự cố tàu Ever Given mắc cạn tại kênh đào Suez có thể làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế nhiều tháng - Ảnh: FleetMon
Dữ liệu vận tải biển của Công ty MarineTraffic, chuyên cung cấp thông tin về các tuyến đường biển và vị trí của các tàu thương mại có đăng ký với Tổ chức Hàng hải quốc tế, cho thấy có ít nhất 10 tàu chở dầu và chở hàng đã đổi hướng.
Theo CNBC, tàu chở khí gas thiên nhiên Maran Gas Andros LNG rời cảng Ingleside, Texas, Mỹ ngày 19-3 và tàu chở dầu Pan Americas LNG, rời cảng Sabine Pass, cũng ở Texas, Mỹ ngày 17-3 đều xác nhận đã đổi hướng ở giữa Bắc Đại Tây Dương và chọn đi vòng quanh mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.
Tàu hàng HMM Rotterdam đã quay đầu tránh đi vào kênh đào Suez ngay trước khi đi vào eo biển Gibraltar. Hiện tàu này đã đổi hướng đi vòng quanh châu Phi.
Một số lượng lớn tàu chở dầu thô của Mỹ và tàu hàng cũng đã cố tránh tuyến đi qua kênh đào Suez, thay vào đó hướng đến châu Âu hoặc chọn đi vòng mũi Hảo Vọng để sang châu Á.
Dẫn phân tích của các chuyên gia, Hãng tin Bloomberg cho biết đổi hướng vòng qua mũi Hảo Vọng khiến riêng chi phí nhiên liệu của tàu biển có thể tăng lên 300.000 USD, chưa kể các chi phi khác như tiền phạt giao hàng trễ.
Dữ liệu của ClipperData cho thấy nhiều tàu đã chất đầy hàng nhưng chưa rời bến, mà chờ ở cảng Port Said tại Ai Cập và vịnh Mexico của Mỹ. Có một số tàu neo ngoài khơi Ai Cập.
Peter Sand, trưởng bộ phận phân tích tàu biển của Công ty BIMCO, cho biết: "Chúng ta thấy không chỉ có các tàu hàng đổi hướng, mà cả các tàu chở khí thiên nhiên và tàu chở hàng khô cũng vậy. Những chiếc tàu này đã đổi hướng rất gắt sang phía phải ở giữa Đại Tây Dương, và hướng về phía nam đến mũi Hảo Vọng để tránh bị ùn tắc ở kênh đào Suez".
Nhiều tàu đã đổi hướng rất gắt sang phía phải ở giữa Đại Tây Dương, và hướng về phía nam đến mũi Hảo Vọng để tránh bị ách tắc ở kênh đào Suez - Ảnh: CNBC
Việc đổi hướng khiến hải trình dài thêm bao nhiêu ngày sẽ tùy thuộc vào vị trí xuất phát, nơi tàu cập bến và vị trí đổi hướng trên biển.
Với những nhà xuất khẩu từ vùng vịnh Mexico của Mỹ, đi vòng qua mũi Hảo Vọng chỉ mất thêm khoảng 3 ngày để đến cảng Tokyo của Nhật Bản. Nhưng với các tàu xuất phát từ Doha, Qatar đi đến tây bắc châu Âu, hành trình sẽ kéo dài thêm 10 ngày.
Còn những tàu đi từ vịnh Mexico và bị kẹt ở Địa Trung Hải thì hành trình có thể bị kéo dài thêm 10 ngày thay vì 3 ngày.
Công ty vận tải biển MSC Mediterranean cho biết 11 tàu trong đội tàu của họ đang đổi hướng, 19 tàu đang thả neo ở cả hai phía của kênh đào Suez và 2 tàu đã quay lại cảng chiều 26-3.
Caroline Becquart, phó chủ tịch cấp cao của MSC, cho biết tắc nghẽn ở kênh đào Suez là một trong những sự cố gián đoạn thương mại toàn cầu lớn nhất những năm gần đây.
Bà dự đoán quý 2-2021 sẽ có nhiều sự gián đoạn hơn so với quý 1, và tình hình vận tải biển sẽ còn nhiều thách thức hơn so với cuối năm ngoái. Do đó, các công ty nên chuẩn bị cho tình huống năng lực vận chuyển bị hạn chế, độ tin cậy của chuỗi cung ứng bị giảm trong những tháng tới.
Với hơn 300 tàu hàng đang bị ách tắc ở kênh đào Suez, theo trang Politico, thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu là khoảng 400 triệu USD mỗi giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận