30/03/2022 11:04 GMT+7

Kềm giá, nhiệm vụ mới

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Giá nhiều mặt hàng tăng khi giá xăng sát 30.000 đồng/lít. Giá thép, ximăng trong nửa đầu tháng đã 3 lần tăng, nhà thầu xây dựng càng làm càng lỗ.


Kềm giá, nhiệm vụ mới - Ảnh 1.

Cần những giải pháp đặc biệt hơn, mạnh hơn để hóa giải bớt sức ép tăng giá - Ảnhh: Q.ĐỊNH

Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản vừa đề xuất tăng giá bán than, ít nhiều ảnh hưởng đến giá điện... Thực tế này có phần trái ngược với bức tranh kinh tế quý 1 vừa được Tổng cục Thống kê công bố.

Với con số CPI trong quý 1 chỉ tăng 1,92%, dường như giá cả tăng chưa được cơ quan thống kê ghi nhận trong quý 1-2022. Và như vậy, sức nóng giá cả sẽ được phản ánh vào kỳ thống kê CPI của những tháng tới, quý tới.

Tuy chỉ tăng 1,92% nhưng giá cả tăng trong quý 1-2022 đè nặng túi tiền của người tiêu dùng. Giá tăng phản ánh vào CPI quý 1-2022 đều là những hàng hóa, dịch vụ sát sườn với người dân. 

Giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng so với tháng trước...

Bước vào quý 2-2022, sức ép lên giá cả vẫn còn đó, thậm chí có phần tăng thêm. Vẫn chưa thấy giá xăng dầu hạ nhiệt. Yếu tố tâm lý lo ngại giá cả tăng có xu hướng loang rộng, kiểu tăng giá té nước theo mưa sẽ hoành hành trong những tháng tới. 

Đặc biệt, trong quý 2-2022 có những kỳ nghỉ lễ mà thông thường nhu cầu và giá dịch vụ trong những dịp này sẽ tăng cao hơn bình thường. Ngoài ra cũng tính đến tình huống nhập khẩu lạm phát, ngoài xăng dầu, do giá hàng hóa và lương thực - thực phẩm trên thế giới tăng. Nhiều nước trên thế giới đã cảnh báo "thảm họa" giá lương thực do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi xung đột. 

Đó là lợi thế cho Việt Nam nhưng cũng làm cho mặt bằng giá lương thực trong nước tăng lên như từng diễn ra trong những tháng đầu năm. Và đặc biệt, khi giá phân bón tăng không mệt mỏi, khó lòng có được mức giá lương thực dễ chịu với người dân. Với những tình huống đặc biệt ấy, rất cần những giải pháp đặc biệt hơn, mạnh hơn để hóa giải bớt sức ép tăng giá...

Chúng ta có thể tạm hài lòng với những giải pháp hạ nhiệt đà tăng giá cả như hỗ trợ tiền thuê nhà cho một số đối tượng người lao động, giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất một số đối tượng... Nhưng các giải pháp này mục tiêu là nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi thực tế lại phát sinh tình huống mới, đó là cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá cả hàng hóa leo thang vì thế cần giải pháp mới.

Chúng ta đã giảm 50% thuế môi trường, không tăng giá những mặt hàng do Nhà nước ấn định giá như điện, nước... Vậy đã đủ chưa? Các cơ quan chức năng đang nỗ lực kiểm soát CPI ở mức khoảng 4% như Quốc hội đã đề ra. 

Đó là một nhiệm vụ nặng nề. Nhưng ngăn giá cả leo thang trong tình huống mới sẽ cực kỳ khó nếu không có giải pháp chủ động, mạnh, thiết thực. Mạnh cỡ nào? Như một số chuyên gia đã đề xuất, tạm thời bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng để hỗ trợ túi tiền của đại đa số người dân sống ở đô thị.

Trong tình hình này, CPI những tháng tới, quý tới không nhẹ nhàng như quý 1-2022. Vì vậy, chỉ có tăng tốc tìm giải pháp kiểu tiền tươi thóc thật mới hóa giải bớt sức nóng tăng giá phả vào mâm cơm, túi tiền của hàng chục triệu người dân.

Tăng giá lan ra nhiều mặt hàng Tăng giá lan ra nhiều mặt hàng

TTO - Nhiều doanh nghiệp cho biết áp lực tăng giá hàng hóa ngày càng lớn. Những mặt hàng thiết yếu như mì, dầu ăn, đường, bột, sữa... đã điều chỉnh tăng giá dưới sức ép của giá xăng, dầu tăng mạnh.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên