01/10/2015 12:01 GMT+7

Kẻ sĩ đất Quảng

 LÊ ĐỨC DỤC (leducduc@tuoitre.com.vn)
LÊ ĐỨC DỤC ([email protected])

TT - Những ngày này, khi sống lại với không khí của 70 năm trước, không thể không nhớ tới “cụ Huỳnh” như cách gọi của quốc dân đồng bào thuở ấy.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (bên phải Bác Hồ) trong những ngày đầu của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòaẢnh tư liệu
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (bên phải Bác Hồ) trong những ngày đầu của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa - Ảnh tư liệu

Đọc lại những gì cụ Huỳnh viết, cụ Huỳnh làm, lòng chợt bừng thức những cảm hứng đất nước truyền từ cụ Huỳnh!Những dòng viết này như để tưởng nhớ nhân ngày sinh của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng: 1-10-1876.

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập năm 1945, vị nhân sĩ đất Quảng ở tuổi 70 vẫn tận lòng vị quốc, nhận lời làm bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 31-5-1946, Hồ Chủ tịch sang Pháp đàm phán, cụ Huỳnh được tin cậy trao quyền Chủ tịch nước.

Thanh gươm và tấm bản đồ Việt Nam

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm trước, nhân chuyến công tác lên miền tây Quảng Nam, khi qua Tiên Phước chúng tôi không thể không ghé nhà lưu niệm cụ Huỳnh để dâng nén nhang tưởng nhớ cụ.

Mảnh vườn xưa qua bao dâu bể vẫn lưu dấu qua những dáng cây sau nhà, giậu chè tàu trên lối vào mướt xanh trong nắng sớm.

Nhắc đến ngày giỗ Tổ, bởi gần 70 năm trước, ngày giỗ Tổ Hùng Vương đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Huỳnh thay mặt quốc dân đồng bào làm chủ tế, lễ vật dâng lên Quốc tổ Hùng Vương là một thanh bảo kiếm và tấm bản đồ nước Việt, đó là ngày 10-3 âm lịch năm 1946.

Khi ấy, giặc Pháp đã quay lại tái chiếm Nam bộ, đất nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ ác liệt.

Hai báu vật mà cụ Huỳnh thay mặt Chính phủ dâng lên trong ngày giỗ tổ cũng là lời hứa trước anh linh tiên tổ quyết tâm giữ gìn trọn vẹn cõi bờ giang sơn.

Có phải thế chăng mà gần chín năm sau, khi cuộc kháng Pháp kết thúc thắng lợi với chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 19-9-1954 Hồ Chủ tịch khi nghỉ tại đền Giếng đã gặp các chiến sĩ đại đoàn Quân tiên phong (đại đoàn 308) với lời dặn dò bất hủ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Từ thanh gươm cụ Huỳnh dâng lên trong lễ giỗ Tổ Hùng Vương đến ngày Hồ Chủ tịch gặp và dặn dò đoàn quân chiến thắng cũng tại đền Hùng, dường cả hai câu chuyện đều muốn nhắn nhủ với hậu thế về một xúc cảm thiêng liêng và sự đồng cảm giữa hai con người của thời cuộc.

Cũng chính vì thế mà khi cụ Huỳnh mất, Hồ Chủ tịch - có lẽ là lần đầu tiên và duy nhất - đã có thư gửi cho quốc dân đồng bào:

“Hỡi đồng bào yêu quý, vị chiến sĩ lão tiền bối Huỳnh Thúc Kháng, bộ trưởng Bộ Nội vụ và hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân, vừa tạ thế.

Trước sự đau xót đó, Chính phủ ta đã ra lệnh làm quốc tang. Nhân dịp này, tôi có vài lời báo cáo cùng đồng bào. Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo.

Mười mấy năm trường gian nan cực khổ nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết”.

Đại diện báo Tuổi Trẻ thắp hương tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh ở Tiên Phước (Quảng Nam) - Ảnh: Tấn Vũ
Đại diện báo Tuổi Trẻ thắp hương tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh ở Tiên Phước (Quảng Nam) - Ảnh: Tấn Vũ

Khởi hành cùng Tiếng Dân

Từ cậu học trò Huỳnh Hanh nổi tiếng thông minh hay chữ, rồi thành ông tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng vào năm 1904, ở tuổi 28, lẽ ra đường hoạn lộ khởi đầu từ khoa cử của thời buổi ấy sẽ mở ra với Huỳnh Thúc Kháng.

Nhưng không! Chàng trai đất Quảng ấy chọn con đường đứng về phía nhân dân đang rên siết dưới gông xiềng nô lệ.

Cùng với Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đã dấy lên phong trào Duy Tân mà đỉnh điểm là phong trào chống thuế ở Trung kỳ khiến bộ máy cai trị của thực dân Pháp rúng động.

Bốn năm sau khi đỗ tiến sĩ, năm 1908 Huỳnh Thúc Kháng bị kết án chung thân và đày ra Côn Đảo vì tội “xúi giục dân chúng làm loạn”. Rồi thay vì chung thân, sau 13 năm lao tù, chí sĩ Huỳnh lại trở về tiếp tục cuộc tranh đấu không mệt mỏi.

Năm 1921 Huỳnh Thúc Kháng ra tù thì năm 1926, khi thực dân Pháp bấy giờ bắt đầu thay đổi cách cai trị, bãi bỏ hội đồng tư vấn bằng viện dân biểu, Huỳnh Thúc Kháng trở thành dân biểu Trung kỳ.

Chính sách mị dân của người Pháp hi vọng với uy tín của viện trưởng Viện Dân biểu Huỳnh Thúc Kháng sẽ thu phục được nhân sĩ trí thức và quảng đại quần chúng.

Nhưng người Pháp đâu hay rằng từ năm 28 tuổi, đỗ hoàng giáp tiến sĩ nhưng vị danh sĩ ấy đã từ chối quan trường để dấn thân vào cuộc tranh đấu cho dân tộc, nữa là bây giờ khi đã trải qua 13 năm khổ sai ở nhà tù Côn Đảo trở về.

Hi vọng dùng nghị trường để đấu tranh hợp pháp của cụ Huỳnh đã không thành, nhưng ngay khi nhậm chức viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, chính cụ đã khởi đầu cuộc tranh đấu của mình và những đồng sự bằng cuộc đấu tranh ngôn luận trực diện.

Việc xuất bản báo Tiếng Dân đã được cụ làm đơn gửi viên Toàn quyền Pierre Pasquier vào tháng 10-1926, xin phép xuất bản một tờ báo bằng chữ Việt mới với tên Tiếng Dân, đặt trụ sở tại Tourane (Đà Nẵng).

Tuy nhiên phải gần một năm sau, đến ngày 10-8-1927 tờ báo Tiếng Dân mới ra số đầu tiên tại Huế chứ không phải Đà Nẵng như dự định ban đầu.

Trong chương trình ra báo Tiếng Dân gửi Toàn quyền Pasquier với 16 điều, ở điều 4 cụ Huỳnh nêu rõ: “Khiến chính quyền biết được nguyện vọng của dân.

Đưa ra ánh sáng quyền lợi chung của dân chúng và những điều tệ hại khiến họ bị phiền nhiễu. Tiếp tay vào việc giáo dục đạo đức, tri thức, chính trị và kinh tế cho dân An Nam...” (tư liệu từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2, TP.HCM).

Có lẽ nếu không lợi dụng cái ghế viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, chưa chắc người Pháp đã đồng ý cho cụ Huỳnh ra báo. Đồng ý, nhưng người Pháp đã có cách quản lý và kiểm duyệt với tờ báo này.

Việc kiểm duyệt được hẳn chánh mật thám Léonard Sogny, bấy giờ là chánh Sở Liêm phóng An Nam, đệ trình kế hoạch kiểm soát tờ Tiếng Dân, trong đó nhấn mạnh việc “không được xúc phạm chủ quyền Pháp và chế độ thiết lập tại An Nam”.

“Phải nạp hai bản vỗ cho Sở Liêm phóng với bản dịch Pháp ngữ. Sau khi kiểm duyệt, một bản sẽ trả lại cho chủ nhiệm báo do đích thân Sogny ký với con dấu. Nếu Sogny vắng mặt, cần chữ ký của Dussaut, cò đặc biệt. Sẽ có câu “Visa pour publication” (cho phép xuất bản).

Báo ấn hành phải nạp hai bản: tại kho lưu trữ (dépôt légal) tòa khâm và kho lưu trữ cảnh sát (dépôt de police). (Tờ trình số 462, ngày 19-3-1927 - lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2).

Những trang báo có tuổi đời gần thế kỷ trên nền giấy ố vàng với chữ ký gốc của cụ Huỳnh khiến trong chúng tôi dâng lên những cảm xúc kỳ lạ.

Và càng khâm phục hơn khi làm báo dưới sự cai trị và kiểm duyệt của thực dân, nhưng vẫn là những bài báo khẳng khái đúng với tôn chỉ “tiếng nói của nhân dân”, vốn sống động và ắp đầy hơi thở cuộc sống.

Ai đó nói rằng tờ báo hôm nay sẽ là tờ giấy lộn ngày mai! Nhưng không, gần thế kỷ trôi qua rồi, trên những trang báo Tiếng Dân ố vàng chúng tôi vẫn nghe nhịp đập của một trái tim ái quốc và tấc lòng đau đáu cùng vận nước với đời dân của cụ Huỳnh.

_________________

Kỳ 2: Cất lên tiếng nói của nhân dân

LÊ ĐỨC DỤC ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên