Bà Nguyễn Thị Loan (ấp Bình Thạnh, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) than phải trữ nước vì thường xuyên bị cúp nước - Ảnh: Hữu Khoa |
Qua tìm hiểu của Tuổi Trẻ, có hiện tượng kê khống chỉ số nước sạch đang được ngân sách TP.HCM hỗ trợ thông qua bù giá và việc này cần phải được các cơ quan chức năng làm rõ.
Hiện nhiều nơi trên địa bàn huyện Cần Giờ đang được sà lan chở nước sạch tới cho người dân, do mạng lưới đường ống cấp nước chưa vươn tới. Năm 2015, ngân sách TP chi cho việc cấp bù giá nước sinh hoạt trên địa bàn là 32 tỉ đồng, còn những năm trước thì 50-60 tỉ đồng/năm.
Số liệu “ma”
Theo tìm hiểu, tại các biên bản xác nhận khối lượng nước vào tháng 3-2016 trên địa bàn các xã như Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn, Bình Khánh... có rất nhiều chỉ số “ma”.
Biên bản được người quản lý các khu vực cấp nước (tạm gọi là các chủ vệ tinh) chốt chỉ số nước qua đồng hồ tại các hộ dân với ba đơn vị cùng ký xác nhận là: chủ vệ tinh, UBND xã và Công ty TNHH MTV dịch vụ Công ích huyện Cần Giờ (Công ty Công ích Cần Giờ) - đơn vị quản lý cấp nước bằng sà lan trên địa bàn huyện. Biên bản trên là cơ sở để ngân sách TP cấp bù tiền trợ giá.
Từ biên bản, chúng tôi đã kiểm tra ngẫu nhiên tại nhiều hộ dân và phát hiện số lượng nước sử dụng qua đồng hồ được kê thêm từ hàng chục đến trăm mét khối, thậm chí nhiều đồng hồ không còn đọc được số nhưng trên giấy tờ vẫn có số liệu tiêu thụ hẳn hoi.
Cụ thể, tại hộ Nguyễn Chí Tâm ở ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, biên bản có ghi chỉ số đồng hồ là 1.012m3.
Tuy nhiên ngày 3-5, lượng nước sử dụng qua đồng hồ nước chỉ đạt 774m3, tức là chỉ số trong biên bản xác nhận để nhận tiền cấp bù hơn chỉ số thực tế tại đồng hồ là 238m3.
Đó là chưa kể thời gian chúng tôi kiểm tra thực tế chậm hơn 45 ngày so với thời điểm chốt chỉ số sử dụng nước, trong thời gian trên người dân vẫn xài nước sạch.
Tính theo đơn giá mà TP cấp bù nước sạch cho người dân ấp An Hòa là 22.442 đồng/m3 (quyết định 3235 - UBND TP về phương án bù giá nước cho Cần Giờ), với số lượng nước được kê thêm tại hộ ông Tâm tương ứng số tiền cấp bù hơn 5,3 triệu đồng.
Cùng ấp An Hòa, chỉ số đồng hồ nước của hộ dân Trương Văn Liềm cũng được kê thêm 157m3 so với thực tế. Hộ ông Huỳnh Văn Minh cùng ấp thì chỉ số nước thực tế ngày 3-5 là 556m3, còn báo cáo trước đó 45 ngày đã ghi chỉ số 564m3.
Tại khu vực ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, tình trạng kê khống chỉ số sử dụng nước cũng xảy ra tương tự. Ngày 3-5, chúng tôi trực tiếp xem đồng hồ nước tại hộ Đinh Hoàng Minh, chỉ số đồng hồ trên thực tế thấp hơn trong biên bản xác nhận tới 459m3.
Tương tự, tại hộ dân Phạm Thị Lệ chỉ số đồng hồ nước ở đây là 29m3, nhưng trong biên bản xác nhận khối lượng nước ngày 20-3 chỉ số qua đồng hồ được ghi là 494m3 (kê 465m3)... Với số lượng nước kê khống như trên, ngân sách TP phải tốn hàng chục triệu đồng cấp bù giá nước.
Trong khi đó tại khu vực ấp Bình Thạnh (xã Bình Khánh), người dân không nhận được hóa đơn tiền nước mà chỉ có phiếu xác nhận lượng nước tiêu thụ hằng tháng qua đồng hồ do Công ty Công ích Cần Giờ phát hành.
Đối chiếu số liệu thực tế trên đồng hồ và biên bản xác nhận thì chênh lệch quá lớn. Tại hộ Nguyễn Văn Cường, chỉ số đồng hồ nước ngày 3-5 là 260m3, thế nhưng trong biên bản ghi chỉ số 600m3, dư 340m3.
Như vậy với đơn giá cấp bù khu vực trên là 18.624 đồng/m3 nhân với lượng nước kê thêm thì tương ứng hơn 6,3 triệu đồng. Số liệu trong biên bản cũng được kê thêm so với thực tế tại hộ Trương Văn Bình 439m3, hộ Nguyễn Văn Năm 327m3.
Tại hộ của ông Nguyễn Văn Cường (ấp Bình Thạnh, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) ngày 8-5 chỉ số trên đồng hồ nước mới đạt 262m3, nhưng trong báo cáo xác nhận khối lượng nước của chủ vệ tinh vào ngày 20-3 lại là 600m3 - Ảnh: H.Khoa |
Kê khống bù... thất thoát?
Theo số liệu chúng tôi thu thập được, hiện việc cấp nước qua sà lan cho khu vực huyện Cần Giờ với khối lượng hơn 100.000 m3/tháng. Riêng trong tháng 3-2016 do nắng nóng, lượng nước qua sà lan tăng lên 132.000m3, tháng 4 lượng nước tiếp tục tăng lên 153.000m3.
Để vận chuyển nước về tới Cần Giờ, ngân sách TP phải chi cả chục ngàn đồng cấp bù (vận chuyển, quản lý...) cho mỗi mét khối nước.
Cụ thể, để đưa 1m3 nước sạch về tới Bình Khánh (khu vực có cự ly ngắn nhất), ngân sách TP phải bù 15.780 đồng/m3, còn đưa nước về ấp Đồng Hòa, xã Long Hòa thì ngân sách phải bù tới 40.928 đồng/m3.
Việc vận chuyển nước qua sà lan di chuyển từ các họng nước ở Q.7 về bơm vào các vệ tinh, từ đó nước vào các tuyến ống nhánh tỏa đi đến nhà các hộ dân. Quá trình vận hành này có tỉ lệ hao hụt nhất định.
Theo quy định, tỉ lệ thất thoát nước tối đa cho phép để nhận được tiền cấp bù là 3%, nếu vượt quá 3% thì tiền cấp bù sẽ bị cắt giảm tương ứng lượng thất thoát thực tế. Và để bù đắp lượng nước thất thoát, các đơn vị tìm cách kê khống chỉ số nước tại các hộ dân cho khớp với tỉ lệ thất thoát nước.
Trong các biên bản xác nhận khối lượng nước ngày 20-3 của các vệ tinh cấp nước tại huyện Cần Giờ, hầu hết đều có tỉ lệ thất thoát nước rất thấp.
Cụ thể, tại vệ tinh Võ Văn Diễn ở ấp Lý Hòa Hiệp (xã Lý Nhơn) có tỉ lệ thất thoát ở mức 2,84%, tại vệ tinh Huỳnh Văn Lòng cấp nước cho ấp Bình Thạnh (xã Bình Khánh) tỉ lệ thất thoát chỉ 1,67m3.
Tương tự, tại vệ tinh Võ Văn Vinh cấp nước cho các hộ ở ấp An Hòa, có chỉ số thất thoát là 1,79%... (trong khi tỉ lệ thất thoát nước của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên là 30%).
Một chủ quản lý vệ tinh cấp nước ở huyện Cần Giờ cho rằng để giữ mức tỉ lệ thất thoát dưới 3% trên mạng lưới cấp nước tư nhân rất khó. Trên thực tế, tỉ lệ thất thoát nước sạch trên mạng lưới thường duy trì mức 10-12%.
Chủ vệ tinh này cho rằng có thể đây là mức thất thoát trung bình của nhiều vệ tinh khác trên địa bàn huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, chủ vệ tinh trên cũng tiết lộ hình thức kê khống chỉ số nước sạch cũng là một trong những “thủ thuật” nhằm rút ruột ngân sách trợ giá.
Qua từng năm, chỉ số sử dụng nước qua đồng hồ của hộ dân càng chênh lệch lớn so với chỉ số trong các biên bản xác nhận giữa các đơn vị. Và theo vị này, muốn xóa dấu vết trên chỉ cần thay đồng hồ thì tất cả lại quay về số 0.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận