Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIV, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ không để lọt vào trung ương "những người có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà đất, tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc", kể cả những người mà "bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức vụ để thu lợi bất chính".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có lý do để nhấn mạnh điều này. Đây cũng là vấn đề đang được xã hội rất quan tâm, bởi từng có người là ủy viên trung ương bị xử lý do thiếu trung thực trong kê khai tài sản.
Chúng ta thực hiện kê khai tài sản đã nhiều năm, nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận là vẫn còn nhiều vướng mắc, lúng túng, kết quả chưa phản ánh đúng thực tế.
Công cuộc chống tham nhũng vừa qua cho thấy có không ít trường hợp lọt qua cửa kê khai tài sản để thăng tiến lên vị trí lãnh đạo cấp cao, chỉ đến khi bị bắt mới lộ ra lối sống xa hoa với khối tài sản khổng lồ.
Vậy còn bao nhiêu vị "chưa bị lộ"? Theo công bố chính thức của cơ quan chức năng, số người kê khai tài sản thiếu trung thực chiếm tỉ lệ rất nhỏ, có thể nói là không đáng kể. Nhưng niềm tin vào con số ấy quả là quá mong manh.
Nhiều người dân vẫn băn khoăn khi hiển hiện trước mắt họ là một bộ phận không nhỏ cán bộ đang sống trong hoàn cảnh vượt xa khả năng thu nhập, thậm chí rất sang giàu với những tòa biệt thự lộng lẫy, đất đai bạt ngàn, xe hơi đắt tiền...
Đúng là biết rõ được tài sản của một người là vô cùng khó, xác định được nguồn gốc của tài sản đó lại càng khó hơn, nhất là trong điều kiện mà không ít người luôn tìm muôn ngàn kế nhằm xóa nhòa, che giấu khối tài sản sở hữu.
Nhưng khó không có nghĩa là "bó tay". Trước hết là phải rà soát lại các quy định, các biện pháp triển khai. Chỗ nào bất cập, sơ hở, lỗi thời thì phải chấn chỉnh hay bịt lại.
Quan trọng hơn cả là nên công khai rộng rãi các bản kê khai tài sản, nếu không thể công khai đại trà thì ít nhất cũng công khai trong một giới hạn cho phép như tổ chức Đảng các cấp, cơ quan làm việc, ban - ngành liên quan, dân cư nơi thường trú...
Cũng như chưa công khai hết tất cả các trường hợp kê khai thì cần công khai tài sản các cán bộ ở vị trí cao.
Công khai là một cách giám sát sự trung thực, gian lận không dễ qua mặt con mắt soi rọi của số đông. Đừng sợ vi phạm bí mật cá nhân. Người nào chấp nhận tham gia kê khai tài sản tức là phải thông báo rõ ràng những cái mình có, vậy thì có cần thiết giữ bí mật không?
Cùng với công khai là cần thực hiện "kê" đi đôi với "kiểm". "Kê" rồi bỏ đó thì... như không. Rất cần phải kiểm tra, kiểm kê, kiểm soát để xác minh những bản kê khai.
Nên "kiểm" cả tài sản của vợ hoặc chồng, con cái, người thân ruột thịt... Không chỉ "kiểm" tài sản nổi - chìm, "kiểm" cả dư luận, "kiểm" luôn lối sống. "Kiểm" qua bộ máy Đảng và Nhà nước, qua biện pháp nghiệp vụ, qua ý kiến của quần chúng, nhân dân.
Có thể chưa đủ lực để "kiểm" tất cả người kê khai, nhưng phải chú trọng vào những người nắm chức vụ cao... Những ai không chịu cho "kiểm" thì coi như tự loại khỏi "cuộc chơi", bị đặt dấu hỏi về sự trong sạch, tính trung thực.
Không ai cấm cán bộ làm giàu. Nếu làm giàu chính đáng thì tốt thôi, cần khuyến khích. Nhưng phải cảnh giác với những cái giàu bất thường, giàu do tham ô, hối lộ. Kê khai tài sản là một trong các vũ khí chống tham nhũng hiệu quả, góp phần kịp thời ngăn chặn các thành phần xấu "leo cao, chui sâu".
Bài học của những trường hợp đến khi đối mặt với pháp luật mới phát hiện khối tài sản khủng cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thực hiện và giám sát kê khai tài sản, đừng để "càng rút càng dài ra".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận