11/08/2012 00:42 GMT+7

Kê khai tài sản còn hình thức

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 10-8, hội thảo “Vai trò của Quốc hội trong phòng chống tham nhũng” tại Hạ Long (ngày 9 và 10-8) do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tiếp tục ngày làm việc thứ hai.

Phát biểu tại hội thảo, một đại biểu Quốc hội cho biết trước khi Quốc hội bầu và phê chuẩn các thành viên Chính phủ, ông đọc các bản kê khai tài sản thì chỉ thấy một ứng cử viên khai có một ôtô, một ứng cử viên khai có hai căn nhà, một ứng cử viên khác khai có vài trăm triệu gửi tiết kiệm; đọc bản kê khai tài sản của các ứng cử viên trước khi bầu vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chỉ một người khai là có mấy hecta đất, còn lại các bản khai khác thì gần như không có tài sản gì đáng kể.

Kê khai nhưng chưa công khai

Theo ông Lê Văn Lân - phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, hạn chế lớn nhất của việc kê khai tài sản hiện nay là chưa công khai và việc kê khai thì vẫn còn rất hình thức. Nhưng theo nghị quyết trung ương 4 và kết luận hội nghị trung ương 5 thì bản kê khai phải công khai ở nơi công tác và nơi cư trú. Hi vọng là quan điểm chỉ đạo của trung ương sẽ được ghi nhận vào luật sửa đổi tới đây. “Ở Hàn Quốc, khoảng 30% bản kê khai được xác minh ngẫu nhiên, như vậy sẽ đảm bảo sự trung thực trong kê khai. Còn ở ta cho đến nay việc xác minh tài sản kê khai vẫn bị quan niệm nặng nề” - ông Lân dẫn chứng.

TS Nguyễn Ngọc Điện, phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), cho rằng đối với tài sản kê khai, vấn đề không phải là công khai hay không mà phải quy định việc khai lịch sử khối tài sản đó, chứ không phải là chỉ liệt kê tôi có những gì. Công khai không phải là dán ở nơi công cộng, công khai là có nơi để lưu giữ bản kê khai, những người có nhu cầu tiếp cận thì được đến xem thông qua thủ tục đơn giản, miễn phí.

“Giám sát đến cùng Vinashin thì sẽ không có Vinalines”

Gửi tham luận đến hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Đường - chuyên gia cao cấp của Quốc hội - cho rằng Quốc hội có những công cụ, chế tài hữu hiệu để chống tham nhũng nhưng chưa sử dụng. “Thực tiễn giám sát tối cao của Quốc hội, nhất là giám sát tối cao bằng phương thức chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều lúc chưa đi đến cùng trách nhiệm nên hiệu lực và hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực chưa cao; tham nhũng, tiêu cực có điều kiện tái diễn, lặp lại. Nếu như Vinashin giám sát đến cùng thì Vinalines có lẽ không xảy ra trong thời gian gần đây” - GS Đường nói.

Theo GS Đường, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội quy định chế tài của giám sát tối cao là: bỏ phiếu tín nhiệm đối với các cá nhân được Quốc hội bầu, phê chuẩn và thành lập ủy ban điều tra lâm thời để điều tra về một vấn đề cần thiết. Cả hai chế tài này đều được Hiến pháp và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội quy định, nhưng hơn mười năm nay chưa được áp dụng. Vì thế, xét về phương diện đấu tranh phòng chống tham nhũng đối với một cá nhân cụ thể, giám sát tối cao của Quốc hội chưa có tác dụng phòng ngừa một cách thiết thực.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, TS Nguyễn Ngọc Kỳ, Văn phòng Chủ tịch nước, cho rằng Quốc hội có vai trò rất lớn trong việc bít kín các khe hở của pháp luật để triệt tiêu tham nhũng. “Tham nhũng của dân thì vài trăm triệu là to rồi, nhưng muốn lấy hàng chục tỉ, trăm tỉ, thậm chí là hàng ngàn tỉ thì phải tham nhũng chính sách” - TS Kỳ khẳng định.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên