Hình ảnh mô phỏng thiên thạch lao về phía trái đất - Ảnh: AFP
"Bỗng nhiên khi nhìn về hướng bắc, thấy bầu trời vỡ toác ra ngay bên trên một cánh rừng, cả một khu vực dường như đang bốc cháy ngùn ngụt. Rồi một tiếng nổ long trời, ầm vang… Tiếp theo sau là một tiếng động nghe như thể đất đá rơi vải từ trên trời xuống, mà cũng giống như tiếng đạn bắn liên hồi. Mặt đất rung chuyển".
Đây không phải là đoạn mở đầu của một quyển tiểu thuyết khoa học viễn tưởng mà là tường thuật về khoảnh khắc thiên tai tại Tunguska cách nay đã 110 năm, vào ngày 30-6-1908, ở vùng Siberia của nước Nga, do một nhân chứng cách đó gần 65 km kể lại.
Một quả cầu lửa kích cỡ 50 đến 100 mét có sức công phá bằng 185 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima đã phá trụi 80 triệu gốc cây trên một diện tích rừng 2.000 m2.
Trong một thời gian dài sau thảm họa, không ai biết được nguyên nhân của vụ nổ trên là gì, tất cả vẫn là một bí ẩn lớn bao trùm, nhưng nay thì mọi chuyện đã rõ. Đã có một thiên thạch đường kính khoảng 35 mét bị bốc cháy trong khu rừng đó khi lao xuống bầu khí quyển Trái đất.
Vào tháng 12-2016, nhân dịp kỷ niệm nhắc lại sự kiện này, Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 30-6 hàng năm làm ngày quốc tế các thiên thạch, trong mục đích "thông tin đến đông đảo công chúng những biện pháp có thể thực hiện" để đối phó với một thảm họa tương tự, hoặc lớn hơn.
Nói một cách ngắn gọn là chúng ta sẽ phải làm gì khi có một thiên thạch va vào Trái đất? Một báo cáo của Nhà Trắng được công bố vào tháng 6 đã nêu ra những biện pháp tổng quát để đối phó.
Có nhiều thiên thạch đang "ẩn mình" trong vũ trụ
Từ nhiều thập niên qua, các cơ quan hàng không vũ trụ khác nhau trên thế giới đang ra sức thống kê và phân loại tất cả những vật thể bay trên quỹ đạo trong hệ Mặt trời nhằm đánh giá những nguy cơ va chạm với Trái đất đang tiềm ẩn.
Bản báo cáo chỉ rõ rằng tất cả những thiên thạch có đường kính trên 1 km sẽ có khả năng tiêu diệt toàn bộ nhân loại trên hành tinh chúng ta, và chúng đã được Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) "nhận dạng" tất cả rồi.
Và nếu tính trên xác suất khả dĩ thì sẽ không có một thiên thạch "ông kẹ" lớn cỡ này có thể tạo ra nguy cơ ngày tận thế đối với Trái đất.
Nhưng những tiểu hành tinh nhỏ hơn thì lại có thể "làm nên chuyện", như trong biểu đồ dưới đây:
Đường cong màu đỏ chỉ số lượng ước tính những tiểu hành tinh bay ngang qua gần Trái đất. Đường cong màu xanh dương cho biết tỷ lệ của những tiểu hành tinh này do NASA phát hiện ra. Mũi tên đầu tiên bên dưới phía trái là kích thước của khối thiên thạch (15-17 mét) đã nổ trên bầu trời nước Nga vào năm 2013, làm bị thương khoảng 1.000 người. Mũi tên thứ hai là kích thước của khối thiên thạch đã bốc cháy trên bầu trời Tunguska vào năm 1908.
Theo cơ quan NASA, có 300.000 thiên thạch có kích thước tương tự, tức đường kính khoảng 50 mét, rất có khả năng bay qua rất gần Trái đất, mà nếu vị trí thảm họa đó là một thành phố thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Tháng vừa rồi, đã có một thiên thạch có đường kính vài chục mét di chuyển giữa Trái đất và mặt trăng trong khi chúng ta đã mất dấu nó từ 8 năm qua. Trước đó vào tháng 4, một thiên thạch khác có đường kính khoảng 50-110 mét cũng đã xuất hiện ở khoảng cách gần chúng ta như thế trong khi chúng ta chưa từng nhận diện được "người bạn" này.
Cơ quan NASA cho biết, con số những tiểu hành tinh lớn hơn với đường kính từ 140 mét đến 1 km thì con số ít hơn nhiều, chỉ khoảng 25.000 mà thôi. Và 1/3 trong số đó là được lên danh sách để theo dõi. Việc phát hiện ra những thiên thạch này đã được thực hiện khá tốt vào thế kỷ 21, nhưng đội ngũ khoa học sẽ cần phải có nhiều trang thiết bị hiện đại hơn để hoàn chỉnh ngân hàng dữ liệu này.
Làm sao chuyển hướng thiên thạch?
Khác với những nguy cơ thảm họa khác, mối đe dọa từ một thiên thạch là hoàn toàn có thể được dự báo trước khá chính xác. Nhà Trắng đã đưa ra khuyến cáo với 5 nguyên tắc hành động để có thể đối phó tốt hơn trước tình huống này, đó là:
• Phát hiện kịp thời và theo dõi đường đi của thiên thạch
• Cải tiến hệ thống cảnh báo để biết chính xác quỹ đạo của thiên thạch
• Phát triển các công nghệ làm lệch hướng di chuyển của thiên thạch
• Tăng cường hợp tác quốc tế để các nước có khả năng chuẩn bị tốt trước mọi tình huống
• Tổ chức những đợt tập huấn kỹ thuật để chuẩn bị đối phó tốt khi xảy ra một vụ va chạm của thiên thạch vào Trái đất.
Thiên thạch cỡ lớn rơi xuống địa cầu từng xảy ra - Ảnh: AFP
Nhà Trắng đã đề ra mục tiêu cụ thể là hoàn thiện những công nghệ tiên tiến để có thể phóng đi tàu thăm dò nhằm thu thập chính xác dữ liệu về kích thước và quỹ đạo của thiên thạch. Song song đó, cơ quan NASA và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã nghĩ đến những kỹ thuật hiện đại để ngăn chặn thiên thạch va vào Trái đất, như dùng tên lửa đánh chặn, bom hạt nhân hoặc có thể là đơn giản sử dụng lực hấp dẫn của các tàu vũ trụ để từng bước làm lệch hướng di chuyển của thiên thạch.
Ngoài ra, sứ mạng mang tên "Osiris-Rex" của NASA là tiếp cận thiên thạch Bennu vào tháng 8 năm nay cũng nằm trong mục đích tìm hiểu sâu hơn về quỹ đạo bay và thành phần cấu tạo của thiên thạch này để chúng ta có thể có thêm kiến thức về những "đồng hương" của thiên thạch Bennu.
Và thời điểm "ngày hôm sau"
Hẳn nhiên là khi phát hiện ra một tiểu hành tinh đang có nguy cơ lao vào bầu khí quyển Trái đất thì việc đầu tiên là các cơ quan hữu quan của Mỹ phải thông tin kịp thời và đầy đủ cho nhau, rồi phát thông báo cho các quốc gia khác và thông tin đến công chúng.
Tuy nhiên, những thông tin này phải được đảm bảo là "được kiểm chứng" và "chính xác chiếu theo các dữ liệu thu thập được". Và công chúng thì cần phải được thông báo về những nguyên nhân và hậu quả có thể có từ một vụ va chạm như thế và họ phải được thông báo sớm ngay khi mối đe dọa còn chưa rõ ràng để đề phòng mọi bất trắc.
Cuối cùng, bản báo cáo của Nhà Trắng cũng nhắc đến thời điểm "ngày hôm sau". Một vụ va chạm thiên thạch hoàn toàn khác với một cơn bão, và tất cả phụ thuộc vào vị trí của va chạm. Một thiên thạch sẽ rơi xuống giữa biển khơi? Rơi gần một bãi biển? Rơi trên đất liền? Hậu quả và sự tàn phá là hoàn toàn khác nhau.
Và để chuẩn bị đối phó, chúng ta phải đưa ra nhiều kịch bản khác nhau tùy tình huống, nhưng hy vọng lớn nhất của chúng ta hiện nay là : con người sẽ không bao giờ phải triển khai một kịch bản nào cả trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận