TTCT - "Chúng ta lôi tượng lên từ hồ nước, đặt lại lên bệ, vòng dây cáp xung quanh cổ tượng và chúng ta đặt làm thêm những bức tượng đồng người biểu tình, kích cỡ thực, đang kéo tượng Colston xuống đất. Ai cũng hài lòng...". Bị giật đổ, bị ném xuống nước, bị cắt cụt một phần thân thể hay bị tưới phẩm màu lên mặt… Nhiều bức tượng của những nhân vật “làm nên lịch sử” đã bị các công dân của thế kỷ 21 hạ bệ như vậy.Đó là tượng thương nhân nô lệ Edward Colston, vua vương quốc Bỉ Léopold II, nhà thám hiểm James Cook hay Christophe Colomb, doanh nhân - chính trị gia Cecil Rhodes, tể tướng Colbert dưới thời vua Louis XIV…Chân tượng đài thuyền trưởng James Cook tại công viên Hyde (Sidney, Úc) bị xịt sơn đen với dòng chữ "Diệt chủng thì có gì đáng tự hào". Bức tượng này đã là tâm điểm của một cuộc tranh cãi nẩy lửa tại Úc về vai trò của James Cook như một nhà thám hiểm với vùng đất Úc và lịch sử đã được biên chép theo cách xóa sổ sự hiện diện và lịch sử trước đó của người bản địa Aboriginal. Bùng nổ từ đầu tháng 6-2020 dưới tác động của sự kiện người Mỹ da màu George Floyd bị cảnh sát giết ở Minneapolis ngày 25-5, “phong trào” nhanh chóng mang tính chất xuyên quốc gia (Pháp, Bỉ, Anh, Mỹ ), ở những nước từng là đế chế hay đế quốc xâm lược và ngày nay phải đối diện với nạn phân biệt chủng tộc, nhập cư, bất bình đẳng như là những hệ quả của quá khứ đó.Thông điệp của những hành động hạ bệ này đã rõ: lật đổ tượng là biểu tượng cho việc lật đổ một thứ huyền sử quốc gia được viết bởi kẻ thống trị và thắng cuộc.Một quá khứ nô lệ và thực dânThống trị, bạo lực, đàn áp và lợi nhuận là những nguyên liệu làm nên một hệ thống chà đạp lên quyền và nhân phẩm con người, ngày nay chúng ta gọi là tội ác nhân loại, nó mang tên chế độ nô lệ. Sau sự sụp đổ của thành Rome năm 476, các tộc người Wisigoth, Ostrogoth, Berbère, Slave, Byzantin, Nubien và Ả Rập tranh cãi nhau trên phế tích của đế chế La Mã và đều tiến hành quá trình nô lệ hóa.Đến thế kỷ thứ 7, đế chế Ả Rập nổi lên, theo hành trình của những cuộc chinh phạt của đế chế này, một mạng lưới buôn bán nô lệ khổng lồ đã được nối liền giữa Phi châu và Trung Đông. Cung và cầu về “hàng buôn” mới này không ngừng tăng khiến Bagdad trở thành trung tâm buôn bán nhộn nhịp nhất thế giới lúc đó. Cairo ở phía Bắc và Tombouctou phía Nam trở thành hai thị trường buôn người sầm uất.Dần dần theo chiều dài thế kỷ, các tộc người thuộc hạ vực sa mạc Sahara biến thành “nguồn hàng” chính cho nền công nghiệp “mậu dịch người” tàn ác này. Và chế độ thương nghiệp này trở thành hiện tượng toàn cầu, nói theo thuật ngữ ngày nay là toàn cầu hóa, ở ít nhất ba châu lục Phi, Âu và Mỹ, nơi cung cấp nguồn hàng, nơi trung chuyển và nơi tiêu thụ.Những nhân vật như Colbert hay Edward Colston đã tích cực phát triển và thiết chế hóa chế độ nô lệ này. Một chế độ được cấu thành bởi các nhân tố: lợi nhuận thương mại, sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản, sự gây dựng trên phương diện chính trị và tư tưởng của thuyết chủng tộc. Kết quả để lại là cuộc trục xuất và lưu đày lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Bên thua cuộc, yếu thế nhận lại được là ly tán, bạo lực và bạo hành.Khủng khiếp hơn là sự kết thúc của chế độ nô lệ lại tạo điều kiện sản sinh ra chế độ thuộc địa trong cuộc chạy đua của chế độ tư bản giữa các cường quốc Âu châu. Không buôn bán và vận chuyển “hàng hóa người” được nữa, tư bản thực dân chuyển sang tìm kiếm thị trường nguyên liệu và tiêu thụ mới ở những xứ sở xa xôi cách vài ngàn đến mười ngàn kilômet.Để “chinh phục con tim” của những xứ dân “hạ đẳng” này, chủ nghĩa thực dân Pháp phát minh ra “bổn phận khai hóa văn minh”.Bổn phận này được truyền bá cơ bản trên những thông điệp như: Chúng tôi, những người da trắng “thượng đẳng”, đến đây để “khai hóa”, để đưa các tộc người “hạ đẳng” tiệm cận văn minh, tiến bộ, nhưng phải trong điều kiện: chúng tôi sẽ không bao giờ cho phát triển công nghiệp, công thương; chúng tôi không bao giờ cho phát triển giáo dục vì đó là con dao hai lưỡi sẽ phản lại chúng tôi. Trong trường hợp Việt Nam, nó còn là sự xóa sổ ngôn ngữ (chữ Nôm) để thay thế bằng chữ quốc ngữ cho tiện phục vụ mục đích cai trị.Năm 1788, thuyền trưởng Arthur Phillip và 1.500 tù khổ sai, thủy thủ đoàn và công chức đến vịnh Sydney. Trong 10 năm sau đó, ước tính dân số người Úc bản địa sụt giảm 90. (Ảnh: Australiatogether.org)Rồi các dân tộc bị đô hộ vùng lên giành độc lập chủ quyền bằng tuyên ngôn và bằng cả máu. Tại Mỹ, các thế hệ hậu duệ tiếp tục sống tại nơi cha ông mình từng bị nô lệ hóa hoặc là chủ sở hữu nô lệ.Hơn 150 năm sau, cuộc nội chiến (1861 - 1865) vẫn còn để lại dư chấn ở miền Nam Hoa Kỳ. Các tượng đài và công trình mang niềm tự hào của tinh thần Nam phái (sudist) được dựng lên vào cuối thế kỷ 19 cùng lúc với việc một số bang ly khai thuộc Liên minh miền Nam thiết lập chính sách tách biệt chủng tộc kéo dài đến tận thập niên 1960.Năm 2015, khảo sát của The Washington Post cho thấy vẫn còn 7 lá cờ biểu tượng cho các bang ly khai tiếp tục được sử dụng như cờ hiệu chính thức ở Alabama, Arkansas, Florida, Georgia, Mississippi, Bắc Caroline và Tennessee.Ở đại lục Âu - Á và châu Phi, dòng người di cư - nhập cư từ những nước cựu bị trị vào những quốc gia cựu thực dân kể từ giai đoạn giải thực dân (thập niên 1960) diễn tiếp đến ngày nay: người Ấn nhập cư vào Anh, người Bắc Phi và Nam Phi nhập cư sang Pháp, Bỉ, Đức…Hòa vào dòng chảy của vết tích cuộc nội chiến chưa được hàn gắn (như ở Mỹ), cuốn theo cơn xoáy những dòng nhập cư trong nhiều thập kỷ (như tại châu Âu), va đập trong bất bình đẳng xã hội và kinh tế thời hiện tại, những thế hệ hậu duệ này phải thừa kế một di sản quá khứ chưa bao giờ được giải quyết một cách triệt để bởi thế hệ đi trước.Công dân trẻ Pháp hay người ngoại quốc yêu văn chương Pháp liệu có biết rằng đại thi hào của chủ nghĩa lãng mạn Victor Hugo, cha đẻ của tác phẩm "Những kẻ khốn khổ" cũng là người nhiệt tình ủng hộ chế độ thuộc địa vì ông tin vào thuyết “khai hóa văn minh” về sự thượng đẳng của người da trắng?!Tượng đài: tác phẩm hay công cụ?Nếu lịch sử có được viết ra, kể lại hay giảng dạy ở trường học thì là lịch sử của bên chiến thắng, được nhìn nhận và đúc kết trên trải nghiệm của những người từng nắm quyền lực.Trong một chừng mực nào đó, các bức tượng hay công trình tưởng niệm cũng là cách tái hiện lịch sử và tô hồng công trạng của kẻ mạnh. Tượng đài, dù có là tác phẩm điêu khắc thì cũng không đơn thuần mang tính nghệ thuật, mà còn không trung tính cả trên phương diện chính trị và đạo đức. Vì nó được đặt hàng và dựng ở những không gian công cộng nhằm ghi danh tên tuổi, tưởng niệm chiến thắng hay biểu dương công trạng. Các “di thể lịch sử” này còn là tên các đại lộ, tên trường học, tên sân bay hay các tòa nhà của nhà nước, của trường đại học…Vấn đề và mầm mống của xung đột nằm ở chính đây: các công trình này không chỉ chuyển tải một tư tưởng hơn là một công trạng mà còn bao hàm việc định giá các giá trị, tư tưởng hay quan điểm về lịch sử. Nói một cách khác, chúng là hiện thân cho “một lý tưởng cần noi theo và một nguồn gốc cần công nhận” (Guillaume von der Weid, GS Triết, ĐH Sciences Po, Pháp).Tuy nhiên, nếu có những bức tượng có thể chọc vào nỗi đau của nhiều hậu duệ hay xoáy vào vết thương lịch sử vì chúng lưu giữ hồi ức của kẻ thống trị thì vẫn có thể giữ chúng lại như những bài học, lời nhắc nhở cho hiện tại về quá khứ đau thương để cho thế hệ sau không lặp lại sai lầm, tội lỗi và thậm chí tội ác của tiền nhân.Ví dụ ở Fort-de-France, thủ phủ của đảo Martinique (lãnh thổ hải ngoại của Pháp), tượng của Joséphine de Beauharnais, vợ vua Napoléon, đã bị chặt cụt đầu trong thập niên 1970.Tượng Joséphine de Beauharnais, vợ vua Napoléon, nguyên vẹn. Và đã bị chặt cụt đầu trong thập niên 1970:Bức tượng được để nguyên trong sự tàn phá đó để tạo dựng nên một câu chuyện kể mới cho lịch sử MartiniqueBà xuất thân từ tầng lớp sở hữu nô lệ ở chính đảo này, quân vương của bà lại cho tái lập chế độ nô lệ sau khi chế độ này đã được bãi bỏ trong Cách mạng Pháp.Aimé Césaire, văn sĩ, chính trị gia, nhà tư tưởng chống thực dân, đồng thời là thị trưởng của thành phố này đã cho để nguyên bức tượng cụt đầu, phủ lên cổ và vai màu sơn đỏ, tượng trưng cho máu của nô lệ. Bằng cách này, ông đã tạo dựng nên một câu chuyện kể mới cho lịch sử Martinique. Đôi khi sự trống trơn hay thiếu hụt của vật thể cũng tạo nên suy ngẫm và chất vấn trước lịch sử.Hòa giải lịch sử và hồi ứcLịch sử được viết ra và lưu truyền thường là lịch sử của kẻ thắng. Ký ức đau thương tủi nhục thường bị chính kẻ yếu chôn vùi và câm nín. Lịch sử tiếp biến và tiếp diễn, được định giá và đánh giá lại theo thời gian. Ký ức cá nhân hay tập thể thường “đóng băng” vì nó gắn với cảm xúc, tình cảm liên thế hệ.Các thế hệ hậu duệ xuất thân từ hai phe yếu thua - mạnh thắng này cùng phải sinh trưởng và đồng hành trong một thế giới hòa bình. Dù muốn hay không, họ là những người thừa kế “bất đắc dĩ” của những quá khứ xung đột. Nếu như những thanh niên thuộc nhiều thành phần và màu da khác nhau lật đổ hay hất sơn lên các tượng đài trong những tuần qua thì hành vi này chứng tỏ họ được kết nối bởi nỗi lo lắng về những hố sâu trên phương diện chính trị, xã hội, kinh tế và sinh thái và bởi viễn cảnh đe dọa tương lai nhân loại.Vấn đề cấp thiết với thế hệ trẻ ngày nay là nới rộng biên độ ký ức của quá khứ chung và cùng kiến tạo tương lai. Để sao cho sức nặng của quá khứ không tiếp diễn ở hiện tại qua sự tồn tại dai dẳng của thứ chủ nghĩa chủng tộc hay sự trỗi dậy của các đảng cực hữu trên chính trường và trong đời thường. Viết lại sách giáo khoa lịch sử cũng là cách giúp các công dân tương lai nhìn nhận đúng về quá khứ phức hợp của quốc gia mình.Lập các bảo tàng lịch sử thuộc địa và đưa tượng những nhân vật gây tranh cãi vào bảo tàng thay vì đặt tại không gian công cộng để cho nhân vật đó được đặt đúng bối cảnh của mình với cả phần tối - sáng, phần công - tội.Đối thoại và giải thích tường tận trong những không gian công cộng không chỉ là cách thức để hòa giải, mà hơn thế, đó còn là sự đòi hỏi công lý và bình đẳng trên tinh thần công dân. Ví dụ, dựng những tấm bảng giải thích thân thế và hành vi của nhân vật được đúc tượng ở ngay chân tượng hay gắn ở trước cổng trường học mang tên nhân vật đó.Nantes và Bordeaux là hai thành phố của Pháp giàu mạnh lên từ nhiều thế kỷ trước vì là thương cảng buôn nô lệ. Kể từ năm 2012 đến nay, hai thành phố này đưa ra nhiều sáng kiến để hàn gắn quá khứ: họ dựng đài tưởng niệm xóa bỏ chế độ nô lệ, đóng các tấm bảng giải thích bên cạnh biển hiệu tên phố là tên những thương nhân, lái buôn nô lệ.Nhiều thành phố thương cảng khác như Biarritz, La Rochelle, Le Havre, Marseille cũng đang noi theo. Chính phủ Pháp vừa tuyên bố sẽ cho dựng tượng đài quốc gia tưởng niệm nạn nhân nô lệ trong vườn Tuileries, cạnh Bảo tàng Louvre.Những động thái này đến từ cấp chính phủ hay từ xã hội công dân thông qua các hiệp hội cũng là cách người đương thời chịu trách nhiệm trước quá khứ thay vì che giấu hay xóa bỏ nó.■(*) Phó Giám đốC EDUNET - Tổ ChứC AVSE GLOBAL. Chính quyền bang New South Wales (Úc) đang xem xét việc tăng mức độ cứng rắn của luật chống phá hoại công cộng sau khi bức tượng thuyền trưởng James Cook ở công viên Hyde (TP Sydney) mới đây bị phun sơn đen với dòng chữ “diệt chủng thì có gì mà tự hào”.Sau vụ kéo đổ bức tượng của tổng thống thứ 18 nước Mỹ Ulysses S. Grant hôm 20-6 ở San Francisco, ngày 26-6, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để bảo vệ các di tích, đài tưởng niệm và tượng, đe dọa sẽ thực thi ở mức tối đa luật liên bang Mỹ (vốn đã quy định bất kỳ ai phá hoại một di tích, đài tưởng niệm hay tượng có thể bị kết án tới 10 năm tù).Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 12-6 đã khuấy động một cuộc chiến văn hóa khi ông gọi những người phá hoại một số bức tượng biểu tượng của nước Anh là “những người tìm cách kiểm duyệt quá khứ” và đó là những hành vi đáng xấu hổ. Một bức tượng của Winston Churchill phải được che phủ lại để bảo vệ khỏi những người định phá hoại nó.Bansky, nghệ sĩ street art người Anh, gợi ý dựng lại các bức tượng đã bị đánh đổ, như tượng của Edward Colston ở Bristol, bằng cách dựng lại cảnh tượng thật với giọng hài hước: “Chúng ta lôi tượng lên từ hồ nước, đặt lại lên bệ, vòng dây cáp xung quanh cổ tượng và chúng ta đặt làm thêm những bức tượng đồng người biểu tình, kích cỡ thực, đang kéo tượng Colston xuống đất. Ai cũng hài lòng. Một ngày đáng nhớ như vậy đáng được tưởng niệm”.Sáng tác của Bansky. Tags: Nô lệThuộc địaGiật đổ tượngXóa sổ quá khứHàn gắn quá khứGiải thích lịch sửViết lại lịch sửĐế quốc
200 y bác sĩ ở TP.HCM xuyên đêm ghép tạng cứu 4 người TTXVN 26/01/2025 Những ngày cận Tết bận rộn, hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã chạy đua lấy và ghép tạng cho 4 bệnh nhân từ một người hiến chết não.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Vụ sầu riêng gặp khó xuất khẩu sang Trung Quốc: Tuyệt đối không sử dụng vàng O để sơ chế CHÍ TUỆ 26/01/2025 Dù có 7 trung tâm xét nghiệm chất vàng O được Trung Quốc công nhận nhưng để xuất khẩu sầu riêng được thuận lợi thì các doanh nghiệp tuyệt đối không sử dụng chất vàng O để sơ chế, đóng gói.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.