Phở là món ăn mang nhiều cảm xúc - Ảnh DUYÊN PHAN
Và đặc biệt ở chỗ, món ăn này mang nhiều cảm xúc đến nỗi từ nhà thơ, nhà văn cho tới giới trẻ ngày nay đều viết về phở với tình yêu dạt dào.
Từ lâu người Việt đã biết tới những câu viết về phở của nhà văn Thạch Lam trong tập sách "Hà Nội 36 phố phường". Đối với Thạch Lam, một bát phở ngon là: "Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ".
Còn bát phở ngon nhất đối với Nguyễn Tuân luôn luôn là một "bát phở cổ truyền Hà Nội ăn ngay bên lò than quả bàng đỏ lửa giữa ngàn năm văn vật".
Theo Vũ Bằng, bát phở ngon là một "bài thơ phở": "Cứ nhìn bát phở không thôi cũng thú. Một nhúm bánh phở, một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau xanh thơm biêng biếc; mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu…
Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm…
Rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ đi, ngọt một cách hiền lành êm dịu, ngọt một cách thành thực thiên nhiên, không có chất gì là hóa học…".
Nhà thơ Tú Mỡ thì hào hứng đến tột cùng với từng câu chữ trong bài thơ "Phở đức tụng": "Trong các món ăn "quân tử vị" / Phở là quà đáng quý trên đời / Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi / Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ / Này bánh cuốn này thịt bò, này nước dùng sao nhánh mỡ / Ngọn rau thơm, hành củ thái trên / Nước mắm, hồ tiêu cùng dấm ớt điểm thêm / Khói nghi ngút đưa lên thơm ngát mũi / Như xúc động tới ruột gan bàn phổi / Như giục khơi cái đói của con tì / Dẫu sơn hào, hải vị khôn bì / Xới một bát nhiều khi chưa thích miệng / Kẻ phú quý cho chí người bần tiện / Hỏi ai là đã nếm không ưa…".
Ai cũng có thể thưởng thức phở, giờ nào và ở đâu cũng có thể ăn phở. Và điều tuyệt vời là ai cũng có thể kể chuyện về phở, bằng thơ, bằng văn hay như ngày nay là các bài review, các hình ảnh và clip thú vị.
Người đó có thể là chính bạn, với những câu chuyện thú vị quanh bát phở. Những điều ưa thích, địa điểm đáng nhớ và cả những người đáng quý nhất từng cùng bạn bên bát phở ngày ấy. Tất cả đều có thể chia sẻ và góp phần tôn vinh món ăn ưa thích của người Việt.
Hãy chia sẻ với Tuổi Trẻ và bạn đọc khắp nơi về những kỷ niệm, những điều thú vị cùng phở ngay từ hôm nay!
Quanh bát phở là nhiều kỷ niệm khó quên. Trong ảnh: các tiệm phở tham gia nấu phở phục vụ nhân viên y tế và bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến TP.HCM thời giãn cách vì COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
THỂ LỆ CUỘC THI VIẾT "KỂ CHUYỆN VỀ PHỞ"
Ngày của phở 12-12 là chuỗi sự kiện do Báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ năm 2017, phối hợp tổ chức cùng Hiệp Hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam. Năm nay, gala chuỗi sự kiện dự kiến tổ chức tại Nam Định từ 10 đến 12-12, với sự phối hợp tổ chức của UBND tỉnh Nam Định, cùng sự đồng hành chính thức của Acecook Việt Nam, cùng các đơn vị đồng hành: No.1, Sasco, tương ớt CHINSU, Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5, Công ty Quân Phạm…
Nhằm tôn vinh văn hóa ẩm thực Việt thông qua việc quảng bá phở - món ăn quốc hồn quốc túy của người Việt, cũng như nhận được những ý tưởng góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn cho , năm nay, báo Tuổi Trẻ phát động cuộc thi viết về phở với chủ đề "Kể chuyện về phở".
I- THÔNG TIN CHUNG CUỘC THI
- Những kỷ niệm, ký ức; những điều mắt thấy tai nghe về mọi điều thú vị của phở đều có thể tham gia sân chơi "Kể chuyện về phở", với hai cách thể hiện bằng ngôn ngữ viết và kể (đối với các tác phẩm lọt vào vòng chung kết). Mục tiêu của sân chơi này là nhằm quảng bá, lan tỏa món Phở độc đáo của người Việt.
- Bài viết được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, tối đa 1.000 chữ, đánh máy rõ ràng trên một mặt giấy A4, hoặc gửi bằng thư điện tử. Ưu tiên bài dự thi gửi bằng thư điện tử.
- Lưu ý: Cung cấp thông tin cụ thể nhân vật trong bài (nếu viết về nhân vật).
- Những bài được chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ đều được chấm nhuận bút.
- Bài dự thi chưa từng đăng tải nơi nào khác, và tác giả chịu trách nhiệm về bản quyền, không chấp nhận sự trích dẫn tài liệu mà không ghi rõ nguồn gốc.
- 3 thí sinh xuất sắc nhất sẽ được mời đến kể chuyện trực tiếp tại đêm Gala (ngày 11-12-2022).
- Bài dự thi cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" vui lòng gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ, ngoài bì thư ghi rõ tham gia Cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" (Đ/c: 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc gửi email theo địa chỉ: [email protected].
II-THỂ LỆ CHUNG:
- Cuộc thi dành cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp (ngoại trừ phóng viên, cán bộ công nhân viên báo Tuổi Trẻ).
- Một tác giả có thể gửi tối đa ba (03) tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có), xin ghi rõ tên thật, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Đối với bài thì viết mỗi bài viết khuyến khích gửi kèm một (01) đến ba (03) tấm ảnh liên quan chủ đề hoặc nhân vật bài viết.
- Thời gian đăng ký và nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 28-10-2022 đến hết ngày 5-12-2022.
- Đối với 3 tác phẩm đoạt giải cao nhất trong vòng chung kết: Tác giả sẽ được mời ra Nam Định dự Gala Ngày của phở 12-12 và sẽ thực hiện phần thi "Kể chuyện về phở" trực tiếp tại sự kiện, để ban giám khảo chọn ra người viết và kể chuyện về phở xuất sắc nhất.
- Các giải thưởng sẽ được công bố tại Gala chương trình , diễn ra ngày 11-12-2022 tại Nam Định, bao gồm:
- 1 giải nhất cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 10 triệu đồng/giải
- 1 giải nhì cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 5 triệu đồng/giải
- 1 giải ba cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 3 triệu đồng/giải
- 10 giải khuyến khích cuộc thi viết "Kể chuyện về phở" trị giá 1 triệu đồng/giải.
III- THÔNG TIN LIÊN LẠC:
Mr. Thịnh: 0906 548 571/ [email protected]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận