26/06/2019 10:14 GMT+7

Kể chuyện gian lận thi năm 2018 - Kỳ 3: Hoài nghi và sự thật

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Sau thông tin rúng động ở Hà Giang vào tháng 7-2018, câu chuyện gian lận thi tiếp tục tăng nhiệt. Các phân tích dữ liệu điểm thi cho thấy nhiều tỉnh, thành khác cũng có điểm cao bất thường.

Kể chuyện gian lận thi năm 2018 - Kỳ 3: Hoài nghi và sự thật - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - kiểm tra quy trình làm phách tại hội đồng chấm thi ở Hòa Bình, trước khi vụ gian lận bị phanh phui - Ảnh: VĨNH HÀ

Sau gần một năm trôi qua, vẫn có một điểm mờ nào đó khiến hoài nghi về sự bất thường ở Lạng Sơn chưa hoàn toàn được giải tỏa.

Trong lúc Sơn La bắt đầu hé mở dấu vết gian lận thì Lạng Sơn và Hòa Bình cũng trở thành điểm nóng với nhiều nghi vấn.

Gian lận thi ở Lạng Sơn?

Điểm bất thường ở Lạng Sơn trong kỳ thi năm 2018 chỉ tập trung ở một hội đồng thi THPT Chu Văn An, nơi có 35/112 chiến sĩ tiểu đoàn 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động-K20 dự thi theo diện thí sinh tự do.

Khi điểm thi công bố, dư luận cả nước đã xôn xao vì điểm thi của 35 thí sinh. Họ đều là công an nghĩa vụ của tiểu đoàn 2, có mức điểm cao bất thường ở các môn văn, sử. Cụ thể môn văn, cả nước chỉ có 1.706 thí sinh đạt điểm 9 thì có 5/35 chiến sĩ ở Lạng Sơn đạt điểm 9 môn này.

Với tổ hợp xét tuyển toán, văn, sử, cả 35 chiến sĩ này đều đạt mức điểm từ 24 trở lên. Có người đạt trên 27 điểm.

Nghi vấn ở Lạng Sơn khiến người dân càng hoang mang về kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Khác với Hà Giang, Sơn La, việc điều tra nghi vấn gian lận ở Lạng Sơn chỉ tập trung vào hội đồng thi THPT Chu Văn An.

So với Hà Giang, Sơn La, số phóng viên tập trung ở Lạng Sơn có phần đông hơn. Từ khóa "gian lận thi" trong tốp được tìm kiếm nhiều nhất vào thời điểm đó.

Phóng viên Tuổi Trẻ nhận được rất nhiều tin nhắn của bạn đọc, của thầy cô giáo ở các địa phương đề nghị: "Cố gắng tìm ra sai phạm, vì Lạng Sơn không thể không có gian lận".

Dẫn đầu tổ công tác của Bộ GD-ĐT đến Lạng Sơn là ông Sái Công Hồng - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và ông Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học.

Việc chấm thẩm định với bài thi trắc nghiệm ở Lạng Sơn được tiến hành ngay nhưng không tìm thấy điều gì bất thường.

Chấm thẩm định xuyên đêm

Suốt ba ngày, hàng chục phóng viên tiếp tục chờ đợi ở ngoài khu vực kiểm tra chấm thi. Nhưng đã không có một cuộc họp báo lúc nửa đêm lần thứ ba diễn ra. Chỉ có việc chấm thẩm định bài thi tự luận xuyên đêm được tổ chức vào tối 20-7-2018, kéo dài đến 3 giờ sáng ngày 21-7.

Chiều ngày 20-7-2018, những giáo viên chấm thẩm định được Bộ GD-ĐT điều từ nơi khác gấp rút đến Lạng Sơn. Họ bắt tay ngay vào việc chấm thẩm định 35 bài thi của các thí sinh tiểu đoàn cảnh sát cơ động.

Sau khi chấm thẩm định xong, các giám khảo chấm thẩm định đã "đối thoại" với giám khảo chấm thi tại Lạng Sơn.

Việc "đối thoại" kéo dài suốt ngày 21-7, diễn ra trong sự giám sát của tổ công tác Bộ GD-ĐT. Vì môn văn có câu hỏi mở nên việc đối chất của giáo viên để bảo vệ quan điểm chấm ở phần này được chú ý.

Kết quả, chỉ có 8 bài thi giảm điểm so với điểm đã công bố, nhưng mức chênh lệch đều trong ngưỡng cho phép. Vậy là Lạng Sơn không tìm ra gian lận. Nhưng sau gần một năm trôi qua, vẫn có một điểm mờ nào đó khiến hoài nghi về sự bất thường ở Lạng Sơn chưa hoàn toàn được giải tỏa.

Khi bày tỏ quan điểm về vấn đề Lạng Sơn, một số chuyên gia giáo dục đã cho rằng nếu gian lận tinh vi nằm ở khâu coi thi thì việc kiểm tra và chấm thẩm định gần như rơi vào bế tắc.

Kể chuyện gian lận thi năm 2018 - Kỳ 3: Hoài nghi và sự thật - Ảnh 3.

Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khám xét nơi làm việc của các bị can thời điểm khởi tố vụ tại Hòa Bình - Ảnh: THÂN HOÀNG

Lội ngược dòng ở Hòa Bình

Trong lộ trình lật tẩy gian lận thi năm 2018, câu chuyện diễn ra ở Hòa Bình tựa như một cú lội ngược dòng.

Theo thống kê dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2018 do Bộ GD-ĐT công bố, Hòa Bình là một trong những địa phương có thứ hạng cao về tỉ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên các môn toán, lý, hóa, cũng như số lượng thí sinh trên 27 điểm ở một số khối thi.

Khi những hoài nghi được đưa lên báo và thành chủ đề quan tâm trên mạng xã hội, ông Bùi Trọng Đắc, giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình, đã giải thích "số điểm cao chỉ tương tự như mọi năm, thậm chí còn thấp hơn năm ngoái nhiều".

Ông Đắc cũng phát ngôn rằng: "Bộ cho rà soát thì sẽ làm ngay. Nếu cần thì mời bộ về chấm phúc tra...".

Cùng với lời khẳng định này, các cấp dưới là ông Nguyễn Đức Lương - phó giám đốc phụ trách hội đồng chấm thi, ông Nguyễn Quang Vinh - tổ trưởng chấm thi trắc nghiệm khi đó - cũng đều khẳng định quy trình chấm thi nghiêm túc.

Ngày 21-7-2018, cùng thời điểm với kết luận tại cuộc họp báo ở Lạng Sơn là "không có dấu hiệu gian lận", Bộ GD-ĐT có văn bản đề nghị 63 tỉnh, thành cả nước tự rà soát các khâu của kỳ thi.

Thay vì cử một tổ công tác tương tự như với Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn đến Hòa Bình, Bộ GD-ĐT đã chọn ba tỉnh là Bến Tre, Lâm Đồng, Hòa Bình vào quy trình chấm thẩm định thông thường.

Ngày 23-7-2018, kết quả chấm thẩm định bài thi ba tỉnh Bến Tre, Lâm Đồng và Hòa Bình đều trùng khớp với kết quả chấm lần đầu. Ngoài một số sơ suất kỹ thuật, Hòa Bình được đánh giá là thực hiện tốt việc chấm thi. Kết luận này rất phù hợp với thái độ tự tin của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hòa Bình trước đó.

Cuối tháng 7-2018, có tin Bộ Công an vào cuộc điều tra dấu hiệu bất thường trong kết quả thi ở Hòa Bình. Và rất bất ngờ khi 5 ngày sau, giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình thừa nhận họ đang phối hợp với Bộ Công an điều tra những dấu hiệu bất thường trong kết quả thi ở Hòa Bình.

Cùng trong ngày này (2-8), ông Nguyễn Đức Lương, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình, lại cho rằng khâu chấm thi ở Hòa Bình "có vấn đề" và báo cáo UBND tỉnh và Bộ GD-ĐT.

Như vậy, sau nhiều ngày, vụ việc ở Hòa Bình cùng lúc được hé mở ở các "kênh" khác nhau. Thậm chí thông tin hé mở mâu thuẫn với những phát ngôn trước đó của người có trách nhiệm.

Tinh vi, xảo quyệt

Từ đó, có thể thấy câu chuyện ở Hòa Bình từng có một nút thắt nào đó khiến cho hành vi sai phạm được giấu kín thì bất ngờ nút thắt được gỡ bỏ.

Cũng giống Sơn La, gian lận ở Hòa Bình được đánh giá tinh vi, xảo quyệt. Nhưng khác với Hà Giang, Sơn La, để "gọi tên Hòa Bình", cơ quan điều tra phải đi một chặng đường dài hơn để lật tẩy sự gian lận.

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong "tâm bão"

TTO - Đó là những ngày tháng 7-2018. Gian lận thi cử hé mở đầu tiên tại Hà Giang khiến nơi này trở thành 'tâm bão'. Với phóng viên Tuổi Trẻ, khi đó còn có một cơn bão khác…

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên