12/12/2019 15:05 GMT+7

Kể chuyện cây trái miền tây - Kỳ 4: 'Trời cho' dừa sáp Cầu Kè

SƠN LÂM - KHẮC TÂM
SƠN LÂM - KHẮC TÂM

TTO - Nói đến dừa, người ta thường nghĩ ngay đến Bến Tre, nhưng ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, Trà Vinh lại được thiên nhiên ưu đãi giống dừa sáp đặc biệt có giá cao gấp cả chục lần các giống dừa khác...

Kể chuyện cây trái miền tây - Kỳ 4:  Trời cho dừa sáp Cầu Kè - Ảnh 1.

Dừa sáp khác dừa thường ở chỗ cơm dừa bên trong dày đặc và dẻo - Ảnh: SƠN LÂM

Từ cây bị đốn bỏ thành đặc sản

Mới nhìn thoáng qua dừa sáp không khác gì dừa bình thường. Điều khác biệt duy nhất chỉ là dừa sáp khi chín khô không còn nước, cả gáo dừa chứa đặc cơm. Cơm dừa sáp cũng không cứng như cơm trái dừa thường đã chín khô, mà dẻo và rất béo.

"Hồi đó, trái dừa chủ yếu để lấy nước và cơm dừa làm mứt. Mà cơm dừa sáp dẻo quá chẳng phơi làm mứt được, ăn thì quá béo dễ ngán. Trước năm 2000, rất nhiều người hễ thấy cây dừa nào cho ra trái sáp là đốn bỏ", ông Thạch Phu My, chủ tịch Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân ở ấp Chông Nô 3, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, kể lại.

Những người sống hoàn toàn dựa vào trái dừa sáp hiện nay như ông My vẫn tin rằng dừa sáp có mặt ở đất này đã gần tám mươi năm trước. Đó là khoảng năm 1942, một nhà sư đem giống từ Campuchia về trồng và lên được hai cây dừa cho ra trái sáp, sau đó đã chết một cây. Nhưng những cây dừa ở chung quanh thì thụ phấn lây với cây này, và bắt đầu cho trái sáp quanh vùng Hòa Tân.

Nhưng lạ là cả buồng dừa chỉ khoảng 2 - 3 trái thành dừa sáp. Theo ông My, mỗi năm cây dừa sáp nào cho ra khoảng mười mấy trái đã là nhiều. Và đặc biệt, cây dừa sáp đem xa ra vùng Hòa Tân này trồng thì không còn cho ra trái dừa sáp nữa.

Và chính việc dừa sáp chỉ có ở mỗi vùng Hòa Tân, Cầu Kè lại khiến cho loại dừa này thành đặc sản. Đầu những năm 2000, lượng người đi hành hương ở các chùa Khmer huyện Cầu Kè nhiều hơn. Ai tới đây cũng muốn thử trái dừa sáp bên trong đặc sệt... ra làm sao. 

Cây dừa sáp không còn "vô dụng" như trước nữa. Từ việc đốn bỏ, người dân xã Hòa Tân bắt đầu kiếm giống dừa sáp để trồng. Những bảng hiệu "có bán dừa sáp" cũng bắt đầu được dựng lên khắp các quán nước quanh thị trấn Cầu Kè, dày đặc ven quốc lộ 54. 

Cơm dừa sáp cũng được chế biến thêm nhiều kiểu. Đơn giản nhất là dùng muỗng múc cơm dừa ra dầm với đường, sữa, đá và rắc vào ít đậu phộng rang, trở thành món sinh tố dừa dầm béo ngọt, giải khát, rất bắt miệng trong những quán võng mát rượi bóng dừa ven đường.

Một trái dừa sáp ban đầu bán ngang giá các trái dừa khác, khi được hỏi mua nhiều thì bắt đầu tăng giá lên gấp hai, gấp ba, rồi... gấp hơn chục lần, người ta vẫn mua hết. Rồi các thương lái ở xa cũng bắt đầu kéo về buôn dừa sáp đem đi tận Sài Gòn.

Hiện tại, giá dừa sáp được thương lái mua tại vườn ở Hòa Tân cũng rất cao. Chị Lưu Ngọc Ánh, người trồng 2ha dừa và mở quán nước ngay đối diện UBND xã Hòa Tân, cho biết thương lái vẫn thu gom 110.000 đồng mỗi trái dừa sáp đặc loại 1, cao hơn 12 lần so với dừa thường. 

"Đặc loại 1 tức là trái dừa đặc sệt luôn. Loại 2 giá 70.000 đồng mỗi trái là loại không đặc hết trái, còn lỏng nước ở giữa. Loại 50.000 thì lỏng hơn chút nữa...", chị Ánh nói.

Cứ khoảng 2 tuần một lần, thương lái lại đến vườn chị Ánh, trèo lên từng buồng dừa, dùng ngón tay búng vào từng trái để nhận ra trái dừa sáp. Sau khi họ hái xuống, chị Ánh lại cầm từng trái dừa lắc lắc để nhận biết độ đặc của dừa, từ đó phân loại bán. 

"Nếu cầm trái dừa có vẻ nhẹ, lắc không nghe tiếng lách ách của nước dừa là biết trái dừa sáp đặc. Lắc riết quen, dựa vào tiếng lách ách có thể biết được trái dừa sệt ít hay sệt nhiều để định giá cho phù hợp", chị Ánh cho hay.

Một cây dừa sáp khoảng 4 năm đã bắt đầu ra trái, đến 5 năm là cho thu hoạch nhiều. Chưa kể vườn nhà chị Ánh hiện trồng là lấy giống từ việc nuôi cấy phôi do Đại học Trà Vinh nghiên cứu trước đây, nên tỉ lệ buồng 10 trái giờ đã có đến 8 - 9 trái ra trái sáp. Có cây sai quả, mỗi năm có thể bán trái gom tiền đến hơn chục triệu đồng. 

"Hồi trước vườn dừa để tự nhiên chẳng ai thèm ngó, nhưng giờ nhiều người phải rào lại, chứ để trái dừa sáp cả trăm ngàn trên cây dễ bị trộm lắm", chị Ánh cười tếu táo.

Kể chuyện cây trái miền tây - Kỳ 4:  Trời cho dừa sáp Cầu Kè - Ảnh 2.

Ông My bên cây dừa sáp trong vườn, mỗi năm cây này cho trái bán được hơn 10 triệu đồng - Ảnh: SƠN LÂM

Vươn rộng nhờ cấy phôi

Việc nâng cao tỉ lệ trái dừa sáp lên đến 90 - 100% trên mỗi buồng là nhờ vào sự thành công đề tài Nhân giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi tại tỉnh Trà Vinh của Trường đại học Trà Vinh.

"Trái dừa sáp sẽ được chích hút phôi, cho vào dung dịch để phát triển. Khoảng 6 đến 7 tháng, qua ba loại dung dịch chứa dinh dưỡng để phôi đâm chồi, nảy rễ rồi ra lá hình thành cây con. Sau đó, cây con sẽ được cho ra môi trường đất để tiếp tục chăm sóc trước khi thành cây giống khỏe mạnh" - thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trai, phó giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học và môi trường Đại học Trà Vinh, kể. 

Anh chỉ những ống nghiệm nhỏ, lớn chứa nhiều loại dừa sáp từ phôi đến những cây đã đầy đủ rễ, lá và giảng giải quá trình phát triển của dừa sáp nuôi cấy phôi.

Theo anh Trai, dừa sáp vừa có giá trị kinh tế cao, lại có khả năng chịu phèn, chịu mặn, nên là một trong những loại giống rất cần được nhân rộng trong quá trình biến đổi khí hậu hiện nay. Chưa kể, tỉ lệ dầu trong dừa sáp rất nhiều. Ngoài chế biến thành các loại thực phẩm như sinh tố, kem, mứt... còn có thể chế biến thành mỹ phẩm, kem dưỡng da, xà bông...

"Dừa sáp được sinh ra từ một quá trình đột biến gen, nó lại thụ phấn chéo nên tỉ lệ cho ra trái sáp rất thấp. Chưa kể việc thụ phấn chéo này cũng là một trong những lý do khiến cho dừa sáp chỉ trồng được ở đất Cầu Kè, nơi đã có số lượng dừa sáp tương đối nhiều", anh Trai nói thêm.

Do đó, Đại học Trà Vinh đã rất quyết tâm với đề tài nhân giống loại dừa quý hiếm, giá ngất ngưởng này. Gần 8 năm trời ròng rã nghiên cứu, thực nghiệm, năm 2012 đề tài mới được nghiệm thu. 

"Quá trình nuôi cấy phôi từ trái dừa sáp bị hao hụt rất nhiều, như ngâm vào dung dịch nhưng nó không chịu nảy mầm. Hoặc nảy mầm rồi lại bị nhiễm các tác nhân phụ khiến nó chết đi, hoặc không chịu đâm rễ... Chưa kể đến khi nó đã đầy đủ rễ lá, đem ra khỏi phòng thí nghiệm cho vào đất lại bị sốc môi trường...", anh Trai kể thêm.

Khi cây giống dừa sáp đem ra đất phải dưỡng thêm một thời gian khoảng hơn 3 tháng nữa cho đến khi chắc chắn đã khỏe mạnh, có khả năng phát triển ở môi trường khắc nghiệt, lúc đó mới được xuất bán đến các nhà vườn.

Có nhiều "huyền tích" về bưởi năm roi, từ chuyện một trái bưởi đặc biệt trôi theo con nước từ thượng nguồn sông Mekong về vườn miền Tây, đến người "táy máy" trái bưởi ngon và chịu phạt "năm roi"...

Năm 2012, lần đầu cho ra lứa cây giống nghiệm thu đề tài nuôi cấy phôi dừa sáp, Trường đại học Trà Vinh đã phải cam kết cây sẽ cho ra tỉ lệ trái sáp hơn 70% mới có nhà vườn ở huyện Châu Thành, Trà Vinh chịu mua về trồng, và đa số cây đều có tỉ lệ trái sáp đạt đến 90-100%.

Hiện giống dừa sáp nuôi cấy phôi có giá khá cao. Vườn ươm Trường đại học Trà Vinh hiện có 700 cây dừa giống chuẩn bị xuất theo đơn đặt hàng với giá đến 800.000 đồng/cây.

Có nhiều “huyền tích” về bưởi năm roi, từ chuyện một trái bưởi đặc biệt trôi theo con nước từ thượng nguồn sông Mekong về vườn miền Tây, đến người “táy máy” trái bưởi ngon và chịu phạt “năm roi”...

Kỳ 5: Nức tiếng bưởi năm roi

Kể chuyện cây trái miền Tây: Kỳ 1: Đệ nhất danh xoài cát Hòa Lộc Kể chuyện cây trái miền Tây: Kỳ 1: Đệ nhất danh xoài cát Hòa Lộc

TTO - Nhiều người Việt qua đến Mỹ, Úc... vẫn nhớ thèm xoài cát Hòa Lộc, dừa sáp Cầu Kè, bưởi năm roi Mỹ Hòa...

SƠN LÂM - KHẮC TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên