TTCT- LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, những người làm báo Tuổi Trẻ nhớ lại một thời kỳ sôi động với bao trăn trở, “xé rào” và thử nghiệm, tìm tòi để có những trang báo tươi mới, hấp dẫn... TTCT gợi lại những kỷ niệm này như một lời tri ân tới bạn đọc thân thiết, cùng những nhắc nhở, gợi ý giúp tờ báo đổi mới, phục vụ bạn đọc tốt hơn. Loạt bài Ván bài lật ngửa Truyện dài nhiều kỳ (feuilleton) là một thể loại báo chí đã xuất hiện rất lâu trên các nhật báo. Theo nhà phê bình Lại Nguyên Ân: “... Báo chí tiếng Việt ở miền Bắc những năm 1950 trở về trước, báo chí miền Nam trước năm 1975, hầu hết tiểu thuyết và truyện dài nói chung đều xuất hiện dưới dạng đăng nhiều kỳ trên báo trước khi in thành sách riêng”. Việc đăng tải tiểu thuyết đều kỳ trên báo hằng ngày này nhằm đáp ứng nhu cầu đọc hằng ngày của công chúng và đây cũng là cách mà một tờ báo dùng để “câu”, như câu view ngày nay. 1. Trong bài này tôi không đi sâu vào chi tiết về thể loại này trên báo chí ngày xưa mà chỉ muốn đề cập đến báo Tuổi Trẻ những ngày đầu, trong cơn “chòi đạp” thoát khỏi tình trạng bao cấp của mình, đã biết áp dụng thể loại này nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc cũng như để bạn đọc biết đến mình hơn. Báo Tuổi Trẻ TP.HCM đăng truyện dài kỳ Vụ án hồ Con Rùa (VAHCR) của nhà văn - nhà báo Huỳnh Bá Thành (1), từ số báo ngày 21-9-1982. Chương đầu tiên xuất hiện đã thu hút được sự quan tâm của công chúng. Sự quan tâm này bắt nguồn từ một sự kiện có thật là vào năm 1976 hồ Con Rùa bị bọn phá hoại đặt chất nổ với mục đích “giải thoát cho đuôi rồng để nó phá chính quyền mới” và bọn đầu sỏ đã bị lực lượng an ninh tóm gọn. Vì công tác trong ngành công an nên nhà văn Huỳnh Bá Thành có điều kiện tiếp cận tư liệu và - dù là truyện dài, có tính hư cấu - nhưng anh cũng dựa vào một sự kiện được quần chúng quan tâm. Điều này đã đánh đúng tâm lý độc giả. Phần nữa, trong thời gian đó, độc giả Sài Gòn thường có thói quen đọc báo để tìm hiểu thời sự và đọc truyện dài kỳ của các tác giả yêu thích để giải trí - lại không có tờ báo nào đáp ứng yêu cầu này. Chính vì hai lý do trên mà VAHCR đã tạo được tiếng vang. Sau 51 kỳ báo, chương cuối cùng kết thúc vào ngày 25-1-1983. Bây giờ, nếu để được đăng một truyện dài kỳ trên báo, các tác giả thường phải viết xong bản thảo và gửi truyện đến cho tòa soạn. Nhưng khi viết VAHCR anh Huỳnh Bá Thành chỉ viết hằng ngày và gửi đúng số trang cho tòa soạn sắp chữ. Tôi nhớ, đến đúng ngày quy định, không thấy bóng dáng chiếc xe La Dalat của anh là chúng tôi gần như lên ruột, vì không biết sẽ phải đắp vào chỗ trống như thế nào đây. Cũng may, thời ấy báo Tuổi Trẻ chỉ ra ba số một tuần, nên anh Thành không bị áp lực lớn, chứ như bây giờ thì có nước mà “thắt họng”. 2. Mở Wikipedia để tìm truyện dài Ván bài lật ngửa (VBLN) thì chỉ thấy nói về phim và diễn viên Nguyễn Chánh Tín. Thật ra, đây là một truyện dài kỳ thứ hai của báo Tuổi Trẻ đăng từ ngày 6-8-1983 và kết thúc ngày 10-11-1987 với con số dài kỷ lục là 294 kỳ. Người viết truyện... quá dài kỳ này là nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) (2). Truyện này cũng vô cùng hấp dẫn vì dựng nên một nhân vật tình báo đẹp trai, tài năng dựa trên nguyên mẫu nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo một mình chiến đấu trong lòng chế độ tổng thống Ngô Đình Diệm. Tất nhiên, khỏi phải nói thì bạn cũng biết sức hút của truyện dài kỳ này hấp dẫn độc giả như thế nào. Không khác gì cách viết tác giả VAHCR, nhà văn Trần Bạch Đằng cũng cho Nguyễn Thành Luân chiến đấu... từng ngày vì ông viết truyện dài kỳ này hằng ngày. Có lúc, ông bệnh nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Lê Thị Cúc, nhân viên văn phòng, phải vào bệnh viện để nghe ông đọc truyện mà ghi chép lại rồi đem về tòa soạn. Lúc ấy, chúng tôi trêu chị Cúc “chị không được bệnh, chị mà bệnh là báo phải cáo lỗi vì Nguyễn Thành Luân không ai chép”. Mỗi khi chị Cúc từ bệnh viện về là tụi tôi xúm lại hỏi: “Sao hôm nay, Nguyễn Thành Luân ra sao?” hoặc “Nguyễn Thành Luân hết bệnh chưa?”. Sau một thời gian dài, truyện dài kỳ mới xuất hiện trở lại trên Tuổi Trẻ. Lần này, tác giả phải đưa trước bản thảo đã xong để ban biên tập duyệt. Đó là truyện phim Vượt sóng do tôi viết. Sau khi được ban biên tập thông qua, Vượt sóng xuất hiện trên số báo ra ngày 14-3-1996 và kết thúc ngày 27-4 năm đó. Lúc ấy, hằng ngày tôi phải đọc lại, chỉnh sửa bản thảo và quan trọng là phải chọn cái kết thật hấp dẫn rồi ngưng giữa chừng để... (bạn đọc) đón đọc kỳ sau. 3. Phải công nhận rằng nhờ truyện dài kỳ mà Tuổi Trẻ đã hấp dẫn nhiều bạn đọc, ngược lại, cũng nhờ tờ báo mà truyện dài kỳ được phổ biến rộng rãi. Một quyển tiểu thuyết dù hay cách mấy nhưng số lượng in cao nhất cũng vài chục ngàn, làm sao so với số phát hành trên 300.000 bản của báo. Ngoài ra, có trường hợp lại tạo nên một sự thành công vượt trội nhờ sự ủng hộ của độc giả về cái hay của tác phẩm cũng như chính kiến trong lĩnh vực nghê thuật. Đó là trường hợp Cánh đồng bất tận (CĐBT) của Nguyễn Ngọc Tư (3). Cánh đồng bất tận được đăng nhiều kỳ trên Tuổi Trẻ Một hôm, nhà thơ Thu Nguyệt đưa cho tôi một công văn của Sở VH-TT tỉnh Cà Mau phê bình truyện CĐBT đăng trên báo Văn Nghệ trung ương ngày 13-8-2005 để tôi nghiên cứu viết trên báo Tuổi Trẻ Cười. Đọc công văn xong, tôi bèn nói với nhà thơ Thu Nguyệt: “Chị nên chuyển công văn này cho báo Tuổi Trẻ ngày. Báo Tuổi Trẻ Cười làm vụ này không “épphê” bằng báo ngày, Thúy Nga (4) “mặn” mấy vụ này lắm”. Đúng như tôi suy nghĩ, sau đó báo Tuổi Trẻ từ ngày 21-11-2005 bắt đầu đăng truyện CĐBT của tác giả nữ ở tận Cà Mau này với lời mào đầu rất hay của Thúy Nga: “CĐBT bạn đã đọc chưa?... Một sự xuất hiện đủ sức gây ngỡ ngàng bằng một câu chuyện man dại và khốc liệt. Vẫn là chuyện của những dòng sông, những vùng đất dọc ngang kênh rạch nhưng mọi sự ở đây đều bị đẩy đến tận cùng, đau đớn tận cùng, yêu thương đến tận cùng, cái giá mà con người ở đây phải trả cũng tận cùng oan nghiệt” . Và “tận cùng” là sau năm kỳ báo được đăng rất trang trọng ở “chân” hai trang 8 và 9, kết thúc vào ngày 26-11, CĐBT trở thành một hiện tượng. Tên của tác giả Nguyễn Ngọc Tư trở nên “hot” hơn, dù trước đó cô Tư đã được nhiều giải thưởng nhưng cũng chưa tạo được độ nóng như khi CĐBT xuất hiện trên Tuổi Trẻ...■ (1) Nguyên tổng biên tập báo Công An TP.HCM (1944-1993), còn là một họa sĩ biếm nổi tiếng trước năm 1975 với bút danh Ớt. (2) Tên thật: Trương Gia Triều (1926 -2007), có những bút danh khác như Hưởng Triều, Nguyễn Hiểu Trường, Trần Quang, AST (chỉ sử dụng khi viết báo Tuổi Trẻ Cười). (3) Có một điều vui chung của bốn truyện dài kỳ này là đều được in sách và dựng thành phim. (4) Trưởng ban văn hóa văn nghệ báo Tuổi Trẻ. Tags: Báo Tuổi TrẻTuổi trẻ 40 nămTruyện dài nhiều kì
Bão Yinxing đổi hướng, đi về vùng biển Trung Bộ CHÍ TUỆ 10/11/2024 Đêm qua và rạng sáng 10-11, bão Yinxing (bão số 7) có xu hướng đi chậm lại, dần đổi hướng đi về vùng biển các tỉnh Trung Trung Bộ và cường độ bắt đầu suy yếu.
Mẹ ước ra bến xe tiễn con lên TP.HCM học 1 lần, nhưng mất ngay ngày con nhận kết quả MẬU TRƯỜNG 10/11/2024 Vậy là Huỳnh Trung Tín từ Bến Tre đi nhập học ngành công nghệ thông tin, Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM một mình, không có mẹ tiễn, dù mẹ đã hứa...
Tin tức sáng 10-9: Lãi suất liên ngân hàng lên cao nhất 20 tháng; Cứ 3 giây có một người bị đột quỵ TUỔI TRẺ ONLINE 10/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Lãi suất liên ngân hàng lên cao nhất 20 tháng; Lào Cai miễn học phí các cấp năm học 2024-2025; Cứ 3 giây có một người bị đột quỵ...
HLV Polking: Tôi xấu hổ khi Hoàng Anh Gia Lai thắng kiểu này QUANG THỊNH 10/11/2024 Huấn luyện viên CLB Công An Hà Nội Alexandre Polking bức xúc sau trận thua 0-1 trên sân CLB Hoàng Anh Gia Lai ở vòng 7 V-League 2024-2025.