Tên lửa mà Triều Tiên phóng ngày 25-3 - Ảnh: REUTERS
Theo KCNA, "vật thể bay dẫn đường chiến thuật" mà nước này phóng lên ngày 25-3 được phát triển từ công nghệ hiện có với những cải tiến để có thể mang được đầu đạn nặng 2,5 tấn. Vụ phóng nhằm thử khả năng bay tầm thấp của tên lửa, một tính năng quan trọng giúp tên lửa khó bị phát hiện và bắn hạ.
Cả hai lần phóng thử đều trúng mục tiêu cách xa 600km ở bờ biển phía đông. Trước đó, phía Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng các tên lửa của Triều Tiên bay được 420-450km.
"Việc phát triển hệ thống vũ khí này rất quan trọng trong việc thúc đẩy sức mạnh quân sự của đất nước và ngăn chặn tất cả các mối đe dọa quân sự", hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên dẫn lời ông Ri Pyong Chol, một lãnh đạo cấp cao giám sát vụ phóng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không có mặt theo dõi.
Theo các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu giải trừ vũ khí James Martin ở California (Mỹ), đây có thể là loại tên lửa Bình Nhưỡng trình làng trong sự kiện duyệt binh hồi tháng 10-2020.
Các quan chức Triều Tiên theo dõi vụ phóng tên lửa ngày 25-3 - Ảnh: REUTERS
Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng "gây bất ổn". "Những vụ phóng này vi phạm liên tiếp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đe dọa khu vực và quốc tế", Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26-3, giờ Việt Nam, nhấn mạnh Triều Tiên là một vấn đề ngoại giao ưu tiên của ông. "Chúng tôi đang tham vấn với các đồng minh và đối tác, và sẽ phản ứng nếu họ leo thang" - ông Biden nói, nhưng cho biết ông cũng sẵn sàng cho giải pháp ngoại giao.
Trong khi đó, phái đoàn Mỹ tại Liên Hiệp Quốc thông báo Hội đồng trừng phạt Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc sẽ họp ngày 26-3 theo yêu cầu của Mỹ. Việc yêu cầu cuộc họp của ủy ban, bao gồm các nhà ngoại giao cấp thấp của 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an, cho thấy phản ứng thận trọng của chính quyền ông Biden đối với vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận