Kazakhstan và chiến tranh Nga - Ukraine: Một trường hợp “đi dây” điển hình

TƯỜNG ANH 02/05/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Ngày 22-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Kazakhstan Mukhtar Tleuberdi tại Matxcơva. Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin họp Hội đồng An ninh Nga để bàn về vấn đề hợp tác với các cộng hòa trong không gian hậu Xô viết.

Không phải ngẫu nhiên mà trong tình hình nóng bỏng hiện nay, khi Nga tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ ở Ukraine đã bước sang “giai đoạn 2”, Matxcơva lại quan tâm đến những láng giềng gần gũi nhất. 

Bài học Ukraine từ sau Maidan 2014 cho thấy việc để phương Tây thao túng ở các nước sát mình đã khiến Matxcơva phải trả giá thế nào. Mà không gian hậu Xô Viết hiện không hề tĩnh lặng. 

Tại Kazakhstan, vài ngày trước chuyến đi Matxcơva của ông Tleuberdi, hôm 19-4 chính quyền thông báo Ủy ban An ninh Kazakhstan (KNB) đã bắt giữ một nhóm tình nghi hoạt động gián điệp và phản quốc, trong đó có một “công dân nước ngoài”, nhưng danh tính không được tiết lộ. 

 
 Lính gìn giữ hòa bình Nga ở sân bay Almaty, Kazakhstan, vào ngày 13-1-2022. Ảnh: TASS

Theo sau những vụ bạo loạn đầu năm 2022, khi biểu tình chống tăng giá khí đốt biến thành bạo động đẫm máu khiến Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev phải kêu gọi sự hỗ trợ của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), vụ việc vừa rồi cho thấy sóng gió nơi đây vẫn chưa êm.

Cân bằng đến đâu?

Treo giữa Matxcơva và phương Tây là nhan đề bài bình luận của RIA Novosti hôm 17-4 về tình cảnh Kazakhastan hiện nay, nơi cũng đã nổ ra biểu tình chống Nga vì chiến tranh ở Ukraine, chính quyền Nur Sultan thì không công nhận Crimea lẫn Donbass nhưng vẫn ủng hộ Nga trên những diễn đàn quốc tế.

Trong khi Tổng thống Tokayev đảm bảo rằng không có bất đồng nào giữa ông và ông Putin, các trợ lý của ông lại không chắc chắn như thế. 

“Tất nhiên, Nga muốn chúng tôi đứng về phía họ nhiều hơn. Nhưng Kazakhstan sẽ không mạo hiểm ở chung một thuyền với Nga” - Timur Suleimenov, phó chánh văn phòng tổng thống, trả lời phỏng vấn cho cổng thông tin Euractiv.

Những tuyên bố như vậy không phải là chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Bản thân ông Tokayev trên các phương tiện truyền thông nước ngoài đã gọi những diễn biến ở Ukraine là “chiến tranh” và mong muốn nó kết thúc càng sớm càng tốt “phù hợp với hiến chương Liên Hiệp Quốc”. 

Ông giải thích lập trường của mình: “Kazakhstan và Nga, những quốc gia có đường biên giới dài nhất thế giới, duy trì mối quan hệ hợp tác song phương đặc biệt. Đồng thời, chúng tôi cũng đã hình thành quan hệ truyền thống hữu nghị sâu sắc với Ukraine”.

Một mặt, Nur Sultan bỏ phiếu phản đối đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, gây bất bình cho Hoa Kỳ.

Mặt khác, các tài xế người Kazakhstan được cảnh báo nếu dán các ký tự thể hiện sử ủng hộ Nga như “Z” hay “V” lên xe thì họ có thể bị phạt tiền hoặc bị mời vào đồn cảnh sát vì vi phạm quy tắc giao thông!

Kazakhstan chưa chính thức tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga, nhưng cũng không có ý định giúp vi phạm các lệnh đó. Quan điểm của Bộ trưởng Kinh tế Alibek Kuantirov có vẻ khá ôn hòa: “Thương mại với Nga sẽ tiếp tục với những sản phẩm không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm”. 

Tuy nhiên, phó chánh văn phòng Phủ Tổng thống Suleimenov trả lời dứt dạt hơn: “Chúng tôi sẽ tuân thủ các biện pháp trừng phạt”.

Trong bối cảnh đó, việc KNB báo cáo bắt giữ một nhân viên tình báo - mà theo RIA Novosti, ngoài việc tham gia kế hoạch ám sát ông Tokayev và các quan chức cấp cao Kazakhstan còn “thúc đẩy tuyên truyền chống Nga ở Kazakhstan và tạo ra quan điểm bài Nga trong xã hội” - có thể coi là một nhắn nhủ tích cực với Matxcơva. 

Những kẻ khủng bố “chống Nga” đã bị bắt, quan hệ thương mại không bị cắt đứt và Nur Sultan ủng hộ chính thức Nga trên trường quốc tế. Nhưng Kazakhstan cũng không hề có ý định chống lại phương Tây. Họ nói rõ rằng, trong cuộc đối đầu hiện tại, họ đứng về phía EU. “Kazakhstan sẽ không trở thành một công cụ để lách các lệnh trừng phạt chống Nga của Hoa Kỳ và EU”, ông Suleimenov khẳng định.

Rồi sẽ phải lựa chọn?

Kazakhstan cũng “đi dây” như thế trong quan hệ kinh tế với Nga và EU. Nhật báo doanh thương Vzglyad tường thuật: Các cảng biển của Nga đang gánh chịu các lệnh trừng phạt, các cảng châu Âu không nhận hàng hóa từ các cảng Nga hoặc nhận rất hạn chế. 

Điều này khiến các nhà xuất khẩu trung chuyển hàng hóa qua các cảng của Nga cũng gặp khó khăn lây, trong đó có Kazakhstan, vốn không có bờ biển đại dương lớn nào và đang sử dụng các cảng của Nga ở St. Petersburg, Ust-Luga, Novorossiysk và Taman.

Để thay thế, các nhà xuất khẩu Kazakhstan được đề nghị sử dụng các cảng của Latvia là Riga, Liepaja và Ventspils; còn thay cho các cảng ở Biển Đen là một tuyến đường tránh xuyên Caspi đã được đề xuất. 

Từ Kazakhstan, hàng hóa được đưa bằng phà đến Azerbaijan, sau đó sẽ đi đường bộ đến các cảng của Gruzia hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả đều sẽ khiến Nga phiền lòng cao độ.

Ngoài ra, phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Kazakhstan được vận chuyển qua hệ thống đường sắt của Nga. Năm 2021, hơn 81 triệu tấn hàng hóa đã được giao theo cách này (thông qua các cảng biển là hơn 13 triệu tấn). 

Một nửa đến Nga, một phần đến các nước thứ ba. Giờ đây, các doanh nhân sử dụng các tuyến đường qua Nga đang tìm kiếm những cách thay thế.

Theo tiến sĩ kinh tế Stanislav Tkachenko, giáo sư Đại học St.Petersburg, thì “giải pháp của Kazakhstan là bắt buộc. 

Với Kazakhstan, một quốc gia xa các cảng biển, việc duy trì khả năng cung cấp hàng hóa của mình ra nước ngoài và nhận hàng nhập khẩu mà không bị hỏng hóc và chậm trễ là một trong những điều kiện chính để tăng trưởng kinh tế”.

Tuy nhiên, Nur Sultan cũng phải rất cẩn trọng để không chọc giận phương Tây. “Điều cuối cùng chúng tôi muốn là Kazakhstan phải chịu các biện pháp trừng phạt thứ cấp của Mỹ và EU”, ông Suleimenov giải thích, và bởi thế Kazakhstan “sẽ tiếp tục đầu tư vào Nga và thu hút đầu tư cho Nga… nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức kiểm soát hàng hóa bị cấm vận… cũng như kiểm soát mọi khoản đầu tư vào Kazakhstan của các cá nhân hoặc tổ chức đang bị trừng phạt. Đây là điều chúng tôi muốn công khai truyền đạt tới người dân châu Âu”.

Vấn đề là cuối cùng Kazakhstan rất có thể sẽ buộc phải lựa chọn dứt khoát. Semyon Uralov, một chuyên gia về không gian hậu Xô viết, nhắc lại các vụ bạo loạn hồi tháng 1-2022 mà Nga đã đưa quân đến hỗ trợ Nur Sultan và nhận định: 

“Tôi tin rằng giới lãnh đạo Kazakhstan hiểu rõ rằng chỉ có Nga đứng sau họ, và một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ tương tự [như vào tháng 1] có thể khiến Kazakhstan mất vị thế nhà nước”.

“Mặt trận thứ hai”

Cảnh báo của ông Uralov không chỉ áp dụng cho Kazakhstan, đặc biệt là chỉ vài ngày sau khi 4 nước Trung Á - Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan và Kazakhstan - bỏ phiếu chống việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách an ninh dân sự, dân chủ và nhân quyền Uzra Zeya đã đến thăm Trung Á.

Trong chuyến thăm, bà Zeya đã nói: “Các quốc gia có quan điểm trung lập về vấn đề Ukraine cũng có thể bị trừng phạt toàn diện” - cho thấy Washington đang cố gắng tác động đến khu vực then chốt này. 

Nhà bình luận chính trị Kyrgyzstan Mars Sariyev cho rằng lập trường trung lập từng phù hợp với các quốc gia Trung Á, nhưng trong bối cảnh hiện nay, rồi có thể họ sẽ phải đưa ra lựa chọn.

Theo ông Sariyev, những cuộc vận động hành lang thân phương Tây ở Trung Á chẳng có gì bí mật, và nhiều quan chức tin rằng khu vực này cần sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng ông cũng cảnh báo: 

“Chúng ta phải nhớ chính sách của phương Tây dẫn đến đâu… Chúng ta có thể có một Libya hoặc Iraq thứ hai. Thực tế, Hoa Kỳ không cần Trung Á như một đối tác riêng biệt, chúng ta chỉ là nền tảng để gây vấn đề cho Nga. Mục tiêu của Mỹ và phương Tây là gây bất ổn ở Trung Á để mở “mặt trận thứ hai” chống lại chiến dịch quân sự ở Ukraine”.■

Nhà khoa học chính trị Ilya Grashchenkov lưu ý trong một trả lời cho RIA Novosti: Mặc dù kim ngạch thương mại Nga - Kazakhstan đã đạt 23 tỉ đôla, Nga không phải là trung tâm quan trọng nhất đối với Kazakhstan lúc này. 

Nur Sultan thật sự còn có nhiều lựa chọn nữa, ngoài Nga và phương Tây. “Hơn nữa, tôi không nghĩ rằng họ quyết định hoàn toàn đi theo Trung Quốc [17 tỉ đôla thương mại song phương]”, ông Graschenkov nói. 

“Họ cũng đang cố gắng tổ chức một cái gì đó riêng, ví dụ hợp tác với Uzbekistan - nước có cùng chính sách. Cả hai quốc gia đều đang phát triển nhanh chóng. Ngoài ra còn có Thổ Nhĩ Kỳ. Có khả năng thay vì tập trung vào Nga, EAEU (Liên minh kinh tế Á - Âu) hoặc Trung Quốc, Kazakhstan sẽ chọn tham gia vào một phạm vi ảnh hưởng kinh tế hoàn toàn mới”.

Quan hệ song phương không chỉ là kinh tế, mà còn là văn hóa. 3,5 triệu người Nga đang sống ở Kazakhstan, chiếm gần 20% dân số. Tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức ở Kazakhstan, ngang hàng với tiếng Kazakh. 

Khoảng 1/4 các trường học dạy bằng tiếng Nga. Ở chiều ngược lại, theo điều tra dân số toàn Nga năm 2010, số lượng người Kazakh ở Nga chính thức là gần 650.000, nhưng một số ước tính khác nói con số thật có thể lên đến 1,5 triệu. Hai nước cũng miễn cho nhau thủ tục xác nhận văn bằng giáo dục.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận